Tiền vệ Tuấn Anh: Nửa năm chống chọi với 'kẻ thù' từ phòng khám đến phòng gym

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giai đoạn tập trung với đội tuyển U.22 Việt Nam chứng kiến sự thay đổi ấn tượng, ít nhất là chuyển biến tâm lý của Nguyễn Tuấn Anh. Từ một cầu thủ vẫn còn rón rén sau ảnh hưởng chấn thương, ánh mắt lạc quan, phong cách tự tin khiến những người chứng kiến chàng Nhô - biệt danh của Tuấn Anh, cũng khấp khởi mừng thầm.

Tuấn Anh rạng rỡ vào ngày tập cuối cùng của CLB trước khi lên tuyển U.22 Việt Nam
Tuấn Anh rạng rỡ vào ngày tập cuối cùng của CLB trước khi lên tuyển U.22 Việt Nam


Anh thợ rèn trong dáng người nghệ sĩ

Nếu là một người chưa từng chứng kiến Tuấn Anh thi đấu, rất dễ mặc định một suy nghĩ sau cái nhìn đầu tiên dành cho cầu thủ quê Thái Bình. Đó là quá dịu dàng đến bẽn lẽn. Nụ cười kiểu tủm tỉm, lúc nào cũng có vẻ xấu hổ; giọng nói cũng nhẹ nhàng, thủ thỉ hay ánh mắt đôi khi cứ liếc sang một bên kiểu ngại ngùng khiến Tuấn Anh có phần hơi nữ tính. Nhất là khi nếu để anh đi chung với bộ đôi Xuân Trường, Công Phượng - một người thì đầy tự tin với cái giọng hơi trầm nam tính. Còn người còn lại, cứ ngày một đô lên với chỏm râu trên cằm.

 

Những nỗ lực không ngừng của chàng Nhô
Những nỗ lực không ngừng của chàng Nhô


Vậy mà đằng sau cái sự nữ tính ấy lại là một nền tảng thể lực đáng kinh ngạc trong con người Tuấn Anh. V-League 2015 - mùa giải đầu tiên mà lứa "gà nòi" khóa 1 của Học viện HAGL-Arsenal JMG được đôn lên thi đấu, khi mà những Xuân Trường, Văn Toàn rồi Công Phượng bị ngộp thở với một cường độ thi đấu dày đặc với sức ép lớn hơn rất nhiều so với những trận cấp độ U.19 mà họ trước đây thì chính Tuấn Anh trở thành chiếc "máy cày" lăn lộn gần hết các trận đấu của đội bóng Phố núi.

Ngoài cái dáng vẻ nghệ sĩ trong những động tác xử lý cùng mái tóc dài lãng tử, chàng tiền vệ họ Nguyễn không ngại va chạm, tranh chấp với đối phương trên sân. Có lúc khủng hoảng trung vệ, HLV Guillaume Graechen khi ấy còn phải kéo Tuấn Anh về trước gôn nhà như một chiếc phao cứu cánh.

Tìm lại sự tự tin

Không phải lúc nào chiếc máy cày ấy cũng chạy bon bon không ngơi nghỉ. SEA Games 2015, Tuấn Anh phải chấp nhận ở nhà vì chấn thương. Một năm sau, anh lại lỡ hẹn thêm một giải đấu quan trọng nữa cùng đội tuyển Việt Nam. Đó là AFF Cup 2016. Tất nhiên, lý do lần này lại tương tự. Chấn thương đầu gối dai dẳng đến độ cứ bám riết lấy Tuấn Anh như một vật cản trong chặng đầu tiên của sự nghiệp đỉnh cao đối với tiền vệ này. Nửa năm qua là khoảng thời gian cầu thủ có biệt danh chàng Nhô phải chống chọi lấy kẻ thù đáng sợ nhất cuộc đời từ phòng khám đến phòng gym.

 

Tuấn Anh (bìa trái) và các đồng đội đang được đo nhịp tim vào ngày tập thứ 3
Tuấn Anh (bìa trái) và các đồng đội đang được đo nhịp tim vào ngày tập thứ 3


Trở lại với cuộn băng trắng quanh gối những ngày đầu tiên tập trung với U.22 Việt Nam, Tuấn Anh dù được đánh giá đã bình phục chấn thương nhưng cũng không dám mạo hiểm với chính cái chân của mình. Vẫn là những pha di chuyển chọn vị trí thông minh, vẫn là những pha xử lý bóng nhẹ nhàng mà tinh xảo nhưng không phải là một Tuấn Anh quyết liệt, tranh chấp, sẵn sàng đấu tay đôi với đối phương như những gì anh đã làm tại V-League từ 2 năm về trước.

Khi mà nỗi ám ảnh cứ thường trực và đe dọa lấy bản thân, người ta cũng trở nên rón rén và lo âu như thế. Với cầu thủ coi đôi chân là bạn, là sự nghiệp và là cả tương lai như Tuấn Anh, sự cẩn trọng khi thi đấu âu cũng là hợp lý.

 

Tuấn Anh, Công Phượng và các đồng đội của U.22 Việt Nam sắp cơ hội đối mặt với U.20 Argentina vào ngày 14.5 trên sân Mỹ Đình
Tuấn Anh, Công Phượng và các đồng đội của U.22 Việt Nam sắp cơ hội đối mặt với U.20 Argentina vào ngày 14-5 trên sân Mỹ Đình


Nhưng chỉ một thời gian ngắn, người ta đã thấy sự chuyển biến tích cực hơn trong trạng thái tâm lý của Tuấn Anh. Buổi tập ngày hôm qua chứng kiến sự thay đổi rõ rệt đến đáng mừng từ cầu thủ 21 tuổi. Ánh mắt anh ánh lên sự lạc quan, nụ cười tươi đầy thoải mái cùng những pha hãm bóng, giật gót hay xử lý rất gọn và tự tin. Không còn một Tuấn Anh nhút nhát, hay cúi thấp người tránh những ánh mắt từ phía truyền thông. Không còn một Tuấn Anh bẽn lẽn, lo lắng và thỉnh thoảng giật mình không vào bóng hết chân vì ám ảnh chấn thương.

Hôm qua, Tuấn Anh gợi lên một phong thái của người thủ lĩnh trên sân. Đó không chỉ bởi sự cần mẫn, chăm chỉ và đa năng từ chàng Nhô mà là cảm giác mang đến sự tin tưởng, niềm hy vọng từ cách xử lý bóng trên sân cho đến nụ cười, ánh mắt tự tin khi bước qua rừng ánh mắt của giới chuyên môn đến người hâm mộ.

Có lẽ, Tuấn Anh cũng đã sắp qua thời bẽn lẽn!

Theo Thanhnien

Lương Xuân Trường 'buồn rầu' chia sẻ về chấn thương

Trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp Afghanistan ở vòng loại Asian Cup 2019 cách đây chưa lâu, Xuân Trường bị giãn dây chằng độ 1 và theo dự đoán ban đầu thời gian để anh hồi phục vào khoảng hơn 1 tháng. Tuy nhiên đã quá thời hạn nói trên mà Trường vẫn chưa hết đau, thậm chí chấn thương còn nặng hơn chẩn đoán ban đầu. Bởi vậy mà CLB Gangwon (Hàn Quốc) vẫn chưa thể sử dụng anh.

Trên trang fanpage Lương Xuân Trường, cầu thủ người Tuyên Quang bày tỏ sự âu lo: “Đôi khi tôi tự hỏi bản thân mình, giả sử đời cầu thủ của mình là 10 năm nhưng thời gian chấn thương hết 5 năm mất rồi thì sẽ thế nào nhỉ?

Chọn cho mình một con đường đi đúng đắn và an toàn không phải khó, nhưng sẽ chẳng có gì thú vị nếu tôi không được làm việc với một niềm đam mê và yêu thích nó. Nên cho dù cả sự nghiệp của tôi chỉ có 1 năm là lành lặn để thi đấu chuyên nghiệp, tôi vẫn sẽ bước trên con đường này không một chút do dự. Bởi đơn giản là tôi không thích bỏ cuộc giữa chừng”.

Sáng ngày 9-5, ông Huỳnh Mau-Giám đốc điều hành CLB HAGL cho hay, CLB đang cho kiểm tra lại chấn thương của Xuân Trường nhưng hy vọng anh vẫn sẽ thi đấu được tại SEA Games 29 vào tháng 8.


Xuân Trường chưa thể tập luyện vì chấn thương
Xuân Trường chưa thể tập luyện vì chấn thương

Một đồng đội khác của Xuân Trường trong màu áo tuyển quốc gia là trung vệ Bùi Tiến Dũng cũng bị chấn thương (giãn dây chằng vai) trong trận đấu gặp Afghanistan. Anh cũng được triệu tập lên tuyển U.22 Việt Nam nhưng chưa thể tập chung cùng đội. Sáng 8.5, Dũng chỉ tay vào cổ chân mình đang bị quấn băng trắng xóa rồi nhăn nhó nói: “Ngoài chấn thương này, tôi mới bị chấn thương mới cách đây hai tuần trên CLB Viettel. Cũng chưa rõ bao giờ sẽ khỏi nữa. Hy vọng là không quá lâu”.

Hiện tại Dũng cùng lúc điều trị chấn thương “đúp”. Chuyên gia hồi phục người Đức Pablo phải đưa chế độ chăm sóc riêng cho anh bằng cách bấm huyệt, massage nhằm trả lại biên độ bình thường cho dây chằng kèm những bài tập chuyên biệt. Với tình trạng này, Dũng khó có thể thi đấu ở trận gặp U.20 Argentina vào ngày 14-5.


Văn Toàn (bìa phải) và Tiến Dũng tập riêng ngày 8.5 tại Hà Nội
Văn Toàn (bìa phải) và Tiến Dũng tập riêng ngày 8.5 tại Hà Nội

Ngoài Dũng còn có Đức Huy, Văn Toàn phải tập riêng. Toàn bị giãn dây chằng đầu gối độ 1 ở giai đoạn cuối của lượt đi V-League. Mức độ chấn thương của Toàn không quá nặng và vài ngày tới, anh có thể tập nặng cùng đồng đội.

Có thể bạn quan tâm