Ghè cổ Báu vật truyền đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh cồng chiêng, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và người Bahnar nói riêng còn xem ghè cổ như là vật thiêng của dân tộc. Dù chiến tranh loạn lạc hay lúc khó khăn nhất, những chiếc ghè ấy vẫn được họ ra sức bảo vệ và giữ gìn.

Trong một chuyến công tác về với làng Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro), tình cờ tôi được nghe một cán bộ xã “bật mí” rằng bà con nơi đây còn lưu giữ rất nhiều ghè rượu quý, có tuổi đời từ vài chục đến hơn trăm năm. Đối với một người làm báo thì đó là thông tin vô cùng hấp dẫn.

 

Vợ chồng già Uyêng bên gia tài quý của mình. Ảnh: H.T
Vợ chồng già Uyêng bên gia tài quý của mình. Ảnh: H.T

Và rồi, tôi quyết định quay lại ngôi làng này vào một ngày giữa đông. Đồng hành cùng tôi hôm ấy có Phó Trưởng thôn Đinh Lơr. Anh Lơr cho biết, làng có tất cả 83 hộ với 416 nhân khẩu, trong đó chỉ có 3 hộ Kinh, còn lại đều là người Bahnar. Trước đây, hầu như nhà nào cũng có ghè cổ, song qua thời gian, phần lớn đã bị hư hỏng nên hiện cả làng chỉ còn khoảng hơn 20 hộ giữ được ghè. Nhà nào nhiều thì vài chục cái, ít thì vài ba cái.

Ngồi bên góc hiên nhà sàn, thấy người lạ đến, già Đinh Uyêng (80 tuổi) nở nụ cười hiền chào khách. Khi anh Lơr nói về mục đích đến thăm nhà của chúng tôi, ban đầu già Uyêng tỏ vẻ hơi dè dặt và dường như không muốn nhắc đến số “tài sản quý” của mình. Sau một hồi trò chuyện, già mới cởi mở hơn: “Nhà mình còn hơn 20 ghè lớn nhỏ, xếp trong kia kìa. Tất cả phải hơn 100 năm rồi đấy. Nhiều người hỏi mua bằng rất nhiều tiền mà mình đâu có bán. Của ông bà, cha mẹ để lại nên mình quý lắm. Giờ mình cũng phải giữ gìn cho con cháu sau này”.

 

Già Đinh Uyêng tỉ mẩn lau đi lớp bụi lâu năm bám trên chiếc ghè cổ của gia đình.      Ảnh: H.T
Già Đinh Uyêng tỉ mẩn lau đi lớp bụi lâu năm bám trên chiếc ghè cổ của gia đình. Ảnh: H.T

Nói đoạn, già Uyêng cùng vợ lần lượt đem một vài chiếc ghè ra cho khách chiêm ngưỡng. Cầm lấy chiếc khăn sạch, già tỉ mỉ lau đi lớp bụi dày bám trên thân ghè, để lộ ra những đường nét hoa văn đẹp mắt. Những chiếc ghè này được làm bằng tay nên miệng ghè không được tròn trịa, nhưng đổi lại cực kỳ dày dặn và chắc chắn. Ghè có 3 màu chủ đạo là vàng, đen, nâu với nhiều kích cỡ khác nhau. Có ghè trơn, có ghè khắc hoa văn, có cái chỉ làm hoàn toàn bằng gốm, có cái phần đáy lại tráng thêm một lớp đồng. Tùy theo độ lớn nhỏ và công sức bỏ ra mà “giá trị một chiếc ghè tương đương với 5-7 con heo to, trâu to đấy”-già Uyêng hồ hởi nói.

Những câu chuyện về ghè cổ gắn liền với truyền thống, tín ngưỡng của dân tộc Bahnar cũng lần lượt được gợi mở qua lời kể của vợ chồng già Uyêng. Ngày trước, ghè chính là tài sản thể hiện sự giàu có, quyền lực của người Bahnar. Chỉ cần nhìn vào số lượng ghè quý của mỗi gia đình mà có thể nhận biết được sự giàu nghèo của chủ nhân. Mỗi chiếc ghè mang một tên gọi khác nhau, được phân biệt bởi kiểu dáng, hoa văn hoặc kích thước. Người Bahnar xưa quan niệm rằng, hễ ghè quý thì phải đựng rượu ngon. Bởi thế, họ thường giao cho người làm rượu giỏi nhất trong gia đình đảm trách việc ủ rượu bằng chiếc ghè giá trị nhất, với những nguyên liệu tinh túy nhất. Và loại rượu này chỉ được đem ra uống trong các dịp lễ hội đặc biệt quan trọng, linh thiêng.

 

Già Đinh Hei khoe với Thôn phó Đinh Lơr chiếc ghè Krấp Dlơng mà ông phải mất 8 con heo to mới đổi được.                                                Ảnh: H.T
Già Đinh Hei khoe với Thôn phó Đinh Lơr chiếc ghè Krấp Dlơng mà ông phải mất 8 con heo to mới đổi được. Ảnh: H.T

Trong thời kỳ chiến tranh, để bảo vệ ghè, bà con phải đào hố thật sâu chôn xuống đất mỗi cái một nơi. Hòa bình, họ lại lần theo vị trí đánh dấu mà đào lên. Tuy nhiên, một phần do nhiều chiếc ghè đã bị vỡ do trúng bom, phần nữa bà con không nhớ chỗ chôn giấu nên số lượng hao hụt đáng kể so với ban đầu. Khi chuyển từ làng cũ trên núi về làng mới hiện tại, mọi người lại thay nhau khiêng ghè theo, gia đình nào nhiều phải vận chuyển mấy ngày mới hết.

Cách nhà già Uyêng không xa, già Đinh Hei (82 tuổi) cũng là một trong những người dân của làng Măng còn giữ được ghè cổ. Tuy nhiên, khác với già Uyêng, những chiếc ghè này đều do già Hei tự bỏ trâu đổi lấy chứ không phải do người thân để lại. Già bộc bạch: “Ngày trước, cha mẹ cũng có ghè dành cho tôi nhưng đều bị vỡ hết lúc chiến tranh. Tiếc lắm nhưng biết sao được. Sau này, muốn có ghè để lại cho con cháu, tôi mới quyết định mang trâu đi đổi hơn 10 cái của các hộ bên làng Tnùng 2, xã Ya Ma. Chia cho các con xong, giờ tôi còn lại được 5 cái là Stôk Ya, Bnum, Krấp Găm, Krấp Dlơng và Krấp Lula. Trong đó, cái Krấp Dlơng dù nhỏ nhất nhưng quý nhất, lâu đời nhất, phải đổi 8 con heo lớn mới có được. Còn cái Krấp Lula bị bể phần miệng rồi nhưng tôi vẫn giữ lại để cho con cháu mình sau này biết được các loại ghè của ông bà ngày trước”.

 

Anh Đinh Hun-một thanh niên của làng Măng: “Mình rất tự hào khi dòng họ còn nhiều người giữ được ghè quý. Nhờ đó mà những người trẻ như mình biết truyền thống văn hóa của ông bà xưa kia. Thế hệ chúng mình sau này nếu may mắn được truyền lại cũng sẽ quyết tâm giữ gìn vì đây là báu vật của người Bahnar”.

Theo chia sẻ của người làng, ngày nay, ghè cổ được chủ nhân cất giữ rất cẩn thận và hầu như chẳng còn sử dụng để ủ rượu cần nữa. Hoặc nếu có, họ chỉ dùng cho các dịp lễ lớn như đám cưới, đám bỏ mả trong nội bộ gia đình chứ tuyệt đối không mang ra ngoài hay cho bất kỳ ai mượn vì sợ thất lạc. Vậy nhưng, chúng cũng đang dần mai một trong đời sống của một bộ phận người Bahnar. Ngày nay, muốn mua xe máy, ti vi hay bất kỳ vật dụng gì phục vụ cho nhu cầu cá nhân, một số người đã bán ghè. Thêm vào đó, nhiều gia đình, nhất là hộ trẻ tuổi, dần dà không còn tự ủ rượu để uống nữa mà thay vào đó là bia, rượu trắng. Đây cũng là vấn đề khiến những người tâm huyết gìn giữ và bảo vệ ghè cổ như già Hei, già Uyêng trăn trở không yên.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Phát triển văn hóa đọc

Phát triển văn hóa đọc

(GLO)- Trước sự chi phối mạnh mẽ của các loại hình giải trí cùng nhiều thiết bị công nghệ, việc “cạnh tranh” để xây dựng chỗ đứng nhất định của sách và văn hóa đọc trong đời sống là không hề dễ dàng.

Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...
Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

(GLO)- Đôi khi, lòng hay tự hỏi: hoàng hôn dành cho ai, cho người trẻ hay tuổi già? Có phải, hoàng hôn ẩn dụ cho những gì đang gói ghém đi về miền xa cuối? Nó bầu bạn với cô đơn và gợi nhắc cái lụi tàn.
Nét đẹp cúng xóm vào mùa Xuân

Nét đẹp cúng xóm vào mùa Xuân

(GLO)- Không biết tự bao giờ cứ sau Tết Nguyên đán, độ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 theo lịch Âm, từ thành thị đến nông thôn đều có tục cúng xóm, cúng khối phố, trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt.
Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Rau dớn

Rau dớn

(GLO)- Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.