Ôi, danh thiếp!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Danh thiếp (card visit) là tấm giấy nhỏ in ngắn gọn tên tuổi, địa chỉ, chức danh… của một người nào đó, dùng trao gửi cho nhau để tiện việc liên hệ. Nó không phải là chỗ để tranh thủ quảng cáo, khoe khoang đến độ hợm mình.

Họ tên, địa chỉ, điện thoại, email… là những mục cần thiết trên danh thiếp. Các chức vụ, danh vị, học hàm, thành tích… thì tùy vào tính chất nghề nghiệp, tính chất hoạt động của từng người, từng công việc cụ thể mà in kèm theo, nếu không có tác dụng cụ thể, thực tiễn gì thì thôi, không nhất thiết phải phô phang.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các nhà quản lý, lãnh đạo thì in chức danh, đúng rồi! Các nhà doanh nghiệp thì in thương hiệu, đúng rồi! Các nhà nghiên cứu khoa học thì in học hàm học vị, đúng rồi! Các nhà báo, phóng viên thì in tên báo, chức danh đang đảm nhiệm ở báo đó, đúng rồi!… Riêng cánh chỉ đơn thuần sáng tác văn, thơ, nhạc, họa thi thoảng người ta lại bắt gặp những cách in danh thiếp… lạ đời!

Trước hết xin nói cái danh xưng nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ… có lẽ nên để người khác gọi về mình thì hay hơn là tự in trên danh thiếp. Ngộ nhỡ bạn đọc thấy sáng tác của mình không xứng với cái danh hiệu trang trọng ấy thì sao nhỉ?

Rồi trên danh thiếp, bên dòng chữ “nhà văn A, nhà thơ B, nhạc sĩ C, họa sĩ D” còn ghi thêm “Giám đốc…”, “Chủ tịch…”, “Trưởng ban…”. Nếu mục đích in danh thiếp để giới thiệu chức danh xã hội đang đảm nhiệm phục vụ việc giao tiếp, hoạt động nghề nghiệp thì xin thôi kèm theo “nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ”, bởi không ai đem so đọ tác phẩm của anh với những chức danh kia để thấy nó… hay hơn đâu! Chức danh xã hội và văn học nghệ thuật chẳng dính dáng gì nhau cả. Đôi khi lại còn thấy nó cập kênh thế nào ấy nữa là!

Lại có danh thiếp sau danh hiệu “nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ” là những học hàm học vị “Giáo sư”, “Tiến sĩ”, “Thạc sĩ”, “Chuyên viên”…, rồi thì là “Tốt nghiệp bằng đỏ trường…”, “Tốt nghiệp thủ khoa trường…”… Bạn đọc cũng chả cần điều này. Ngộ nhỡ học hàm học vị cao thế mà giá trị nghệ thuật của sáng tác không “cao” bằng thì sao? Cái này chỉ dành cho các học giả, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình… Vì điều này có ý nghĩa đảm bảo, minh chứng cho những kiến thức, những lập luận khoa học được trình bày trong tác phẩm của họ. Các “nhà” chuyên sáng tác thiết nghĩ không cần thiết!

Rồi lại có danh thiếp sau hàng chữ “nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ” còn kèm theo dịch vụ làm ăn! Dĩ nhiên là các “nhà”, các “sĩ” này cũng phải làm ăn như mọi người, nhưng khi anh muốn quảng bá mặt hàng, nghề nghiệp làm ăn của mình thì nên in cái danh thiếp khác để dành riêng cho chuyện quảng bá, giới thiệu công việc mưu sinh chính đáng của mình, không cần phải “tương” thêm chuyện văn, thơ, nhạc, họa vào đấy mà làm gì, thấy nó… ngang ngang thế nào ấy!

Xin minh họa vài ví dụ cụ thể (người viết bài này “được” nhận; xin viết tắt tên “chủ nhân” và một vài chi tiết cho gọn): Có cái danh thiếp của một anh có tên Đ.Tr.Th. ở một tỉnh Bắc Trung bộ, một mặt in: “Văn học Việt Nam hiện đại-Đại học Quốc gia Hà Nội-Đ.Tr.Th…-nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, cử nhân…”! Mặt sau là tiếng Anh dịch từ mặt trước. Xem qua đó, có lẽ mọi người sẽ nghĩ rằng anh này đang là cán bộ giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội về bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại! Thực ra không phải vậy.

Cũng “lập lờ đánh lận con đen” kiểu như vậy, có cái danh thiếp của một anh tên L.Th.M. ở một tỉnh Đông Nam bộ, chỉ học cấp tốc 3 tháng khóa bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Viêt Nam tổ chức, thế mà ngày “ra trường” anh ta xăng xái phát cho mọi người cái danh thiếp in giấy thơm sang trọng với những dòng chữ: “Hội Nhà văn Việt Nam-Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du-L.Th.M…/-Nhà văn, nhà thơ, nhà báo-Là tác giả 136 bài thơ in trên…-Là tác giả gần 250 bài báo in trên…-Nhận chụp hình rửa ảnh…”! Ai không rõ sẽ ngỡ rằng anh ta là người của Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du thuộc Hội Nhà văn Việt Nam! Lại cái chuyện khoe mẽ trăm mấy bài thơ với mấy trăm bài báo thì… hết biết ngõ nói! Còn thêm cái khoản nhận làm dịch vụ nữa!

Một danh thiếp khác của một anh có tên Ng.D.Nh. ở Hà Nội ghi kín cả 2 mặt giấy: “Ng.D.Nh…- Tuổi (ghi cả tuổi sinh và tuổi mụ-N.V)… -Quê quán… -Hiện ở và viết tại Hà Thành-Chuyên làm thơ và bình luận văn chương-Từng viết nhạc, kịch cho (những cơ sở đặt thuê-N.V)…-Nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa… -Dạy đàn Organ-Chụp ảnh chuyên nghiệp-Chuyên xử lý bằng vi tính, ảnh cũ… đẹp như mới”! Người nhận xem qua cứ ngỡ mình đang đứng trước tấm biển quảng cáo của một cửa hiệu tạp hóa!

Những văn nghệ sĩ chân tài và chân chính luôn là người có tri thức và nhận thức đúng đắn, cách sống của họ rất khiêm cung, lão thực. Nếu đem so danh thiếp của họ với những kiểu danh thiếp kể trên thì thấy khác nhau một trời một vực! Họ chỉ ghi họ tên-chức danh và tên của tổ chức văn học nghệ thuật (nếu có) chứ không phải chức danh xã hội hoặc đơn vị kinh doanh-số điện thoại-địa chỉ nhà riêng hoặc cơ quan công tác-hộp thư điện tử… Chỉ vậy thôi, và… hết!

Cứ thử nghe vài tâm sự của những văn nghệ sĩ chân chính này thì biết họ tự trọng thế nào: -Ví dụ sự nghiệp văn chương dày dặn, tầm cỡ như nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà còn nói: “Tôi luôn đặt câu hỏi: Mình thật sự đã trở thành nhà văn chưa?”; hoặc thành tựu “đầy mình” như nhà văn Kim Lân mà cũng bảo: “Tôi viết ít quá! Nhà văn gì mà chỉ có được vài ba cái truyện ngắn rồi tắc tị. Cũng phải biết ngượng chứ!”…

Vâng, các vị ấy “biết ngượng” vì họ đâu có bị bệnh huyễn tưởng, ảo mị!
Sực nhớ mấy câu thành ngữ, tục ngữ: “Xấu làm tốt dốt khoe chữ”, “Thùng rỗng kêu to”… mà ngán ngẩm sự đời!

Tạ Văn Sĩ

Có thể bạn quan tâm

Phát triển văn hóa đọc

Phát triển văn hóa đọc

(GLO)- Trước sự chi phối mạnh mẽ của các loại hình giải trí cùng nhiều thiết bị công nghệ, việc “cạnh tranh” để xây dựng chỗ đứng nhất định của sách và văn hóa đọc trong đời sống là không hề dễ dàng.

Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...
Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

(GLO)- Đôi khi, lòng hay tự hỏi: hoàng hôn dành cho ai, cho người trẻ hay tuổi già? Có phải, hoàng hôn ẩn dụ cho những gì đang gói ghém đi về miền xa cuối? Nó bầu bạn với cô đơn và gợi nhắc cái lụi tàn.
Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Nét đẹp cúng xóm vào mùa Xuân

Nét đẹp cúng xóm vào mùa Xuân

(GLO)- Không biết tự bao giờ cứ sau Tết Nguyên đán, độ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 theo lịch Âm, từ thành thị đến nông thôn đều có tục cúng xóm, cúng khối phố, trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt.
Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Rau dớn

Rau dớn

(GLO)- Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.