Chuyện về loài chim chơ rao trong trường ca Thu Bồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cây kơ nia, rừng xà nu, hoa pơ lang… đã từ một loài thảo mộc bình thường bỗng trở nên nổi tiếng, được coi như thứ đặc hữu, biểu trưng cho núi rừng Tây Nguyên qua các tác phẩm văn học-nghệ thuật. Chim chơ rao cũng vậy, từ một loài chim bình thường bỗng trở nên nổi tiếng qua trường ca “Bài ca chim chơ rao” của Thu Bồn.
 

  Vòng xoang Tây Nguyên.
Vòng xoang Tây Nguyên.

Trường ca ấy được trích giảng trong trường phổ thông, nhiều thế hệ học sinh và độc giả cả nước đều biết. Ở đây chỉ xin kể đôi điều về chim chơ rao và những câu chuyện xung quanh bản trường ca hào tráng ấy.

Từ điển Bahnar-Việt ghi chơ rao là chim sáo. Tuy nhiên, theo những người hiểu biết về chim muông thì cho là chim bồ chao. Từ điển Việt-Bahnar ghi bồ chao là “bơ lang”. Từ hai định nghĩa trên, so sánh cụ thể giữa hai loài chim thì thấy: Chim sáo có bộ lông chủ yếu là đen nâu, chân cao, thân hình thon gọn, ít hót la liên tục; còn chim chơ rao thì to con hơn một tí vì có bộ lông hơi xù, màu xam xám với những chấm nổ lốm đốm đen và trắng xám, có tập quán thi nhau la hét liên hồi khi tụ đàn đông đảo. Ở vùng Nam Trung bộ có câu thành ngữ “Ồn như đám bồ chao!” để nói về một nhóm người nào đó đang kháo chuyện ồn ào náo nhiệt là vì vậy! Bồ chao hay quần tụ ở nơi có ao hồ, đầm lầy hay sông suối giữa rừng già. Người đi rừng nếu cần tìm nguồn nước cứ lắng nghe tiếng chim bồ chao ở đâu thì lần đến đó, thế nào cũng gặp nước. Người viết bài này vào những năm 1980 theo bạn đi đãi vàng sa khoáng khắp rừng Tây Nguyên cũng đã nhiều lần ứng dụng kinh nghiệm này mà lần tìm sông suối để đào đãi.

Ấy!-Một loài chim “vô danh” như vậy, đùng một cái, vào khoảng giữa những năm 1960 bỗng gây sự chú ý đặc biệt của độc giả, thính giả cả nước, khi Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng tải toàn văn bản trường ca và sau đó là Đài Tiếng nói Việt Nam cho diễn ngâm liên tục; rồi được in thành sách “bướm” (in trên một tờ giấy khổ lớn có dàn trang theo thứ tự và xếp gọn lại) để dễ phổ biến, dễ mang theo trong ba lô các chiến sĩ giải phóng quân. Thế rồi bản trường ca liền được dịch sang tiếng Trung Quốc; rồi được giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; rồi được giải thưởng Bông Sen của Hội Nhà văn Á-Phi… Và thế là tác giả của nó-nhà thơ Thu Bồn-liền được ví là “cánh chim chơ rao” trong dòng văn học sáng tác về đề tài Tây Nguyên!

Bản trường ca được ra đời tại làng Đêpa Pơlếch thuộc huyện Chư Prông. Khoảng năm 1961-1962, Thu Bồn được Liên khu 5 điều động lên hoạt động ở khu vực Plei Me. Tại đây, ngày ngày, Thu Bồn chứng kiến sự quần tụ kết đoàn của những đàn chim chơ rao, tiếng hót inh ỏi của chúng hòa quyện cùng tiếng đàn đing nam của già làng Siu Ken cũng thường ngày réo rắt khiến cảm hứng thi ca khơi gợi trong lòng chàng trai trẻ Hà Đức Trọng (tên thật của Thu Bồn). Cảm khái trước hình tượng kết đoàn đông đảo của loài chim rừng, Hà Đức Trọng bèn bắt tay viết bài thơ dài với chỉ ngòi bút chấm mực và tập vở học trò, rồi ký bút danh Thu Bồn.

Trường ca viết xong năm 1963. Nhân chuyến công tác tại biên giới Việt-Lào trên đất Kon Tum, Thu Bồn gặp và gửi nhà thơ Thanh Hải mang ra miền Bắc. Từ đó, Thu Bồn lo âu thấp thỏm ngóng tin về “số phận” của đứa con tinh thần, nhưng tác phẩm cứ… biệt vô âm tín! Có lần Thu Bồn viết: “Thế là bản trường ca của tôi mất hút giữa biên giới Việt-Lào…”.

Mãi đến năm 1965, tại một binh trạm giữa rừng biên giới Gia Lai-Campuchia, Thu Bồn gặp đơn vị dân chính từ Bắc vào Nam, trong đó có nhà thơ Lê Anh Xuân, nhạc sĩ Đinh Phong… và một người cháu họ của Thu Bồn. Người cháu họ giới thiệu Thu Bồn, liền được các văn nghệ sĩ trong đoàn móc từ dưới đáy ba lô ra tờ báo Văn Nghệ có in bản trường ca “Bài ca chim chơ rao” tặng cho tác giả. Thu Bồn vui không thể tả, liền cắt rừng lao về làng Đêpa Pơlếch. Đến nơi gặp lúc làng có lệnh sơ tán để tránh đợt bom B52. Tuy nhiên, khi nghe Thu Bồn nói “Cái tờ giấy có mồm nói cho người cả nước cùng nghe bài ca của làng mình đây!” thì dân làng lục tục kéo hết về nhà rông. Thu Bồn trải tờ báo Văn Nghệ ra cho mọi người cùng xem bài thơ có vẽ minh họa một ché rượu cần và hình chim lạc. Ông già Siu Ken thích quá, bảo xé cái “tờ giấy biết nói” này cho mỗi người một mảnh, khiến ai cũng cười ồ! Đang cơn vui mừng náo nức thì một loạt bom trúng ngay sân làng! Thu Bồn viết: “Thế là trong phút chốc cả nhà rông tan biến. Tờ báo Văn Nghệ có mang theo Bài ca chim chơ rao của tôi cùng với ba lô, đồ đạc cũng tan biến. Và đau khổ hơn hết là… máu! Máu của lũ làng đã đổ! Máu của những con chim chơ rao đã đổ!”...

Chuyện “vô kỷ luật” vì bỏ đơn vị chạy về làng và tụ họp dân làng khi có lệnh sơ tán của Thu Bồn, lạ thay, lại được thủ trưởng Đặng Vũ Hiệp (sau này là Thượng tướng) tha bổng để cùng với Kpă Klơng kịp chạy theo đơn vị tiến về trận địa Chư Prông đang giục giã.

 Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Tọa đàm “Sách-niềm đam mê của tôi”

Tọa đàm “Sách-niềm đam mê của tôi”

(GLO)- Tối 16-4, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai phối hợp với Trường THPT chuyên Hùng Vương tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Sách-niềm đam mê của tôi”.

Dấu ấn văn hóa qua trang phục các dân tộc tỉnh Gia Lai

Dấu ấn văn hóa qua trang phục các dân tộc tỉnh Gia Lai

(GLO)- Trang phục mỗi dân tộc đều mang một câu chuyện văn hóa, lịch sử riêng. Tôn vinh văn hóa qua thời trang cũng là tinh thần của hoạt động trình diễn trang phục dân tộc, để lại dấu ấn khó quên trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III vừa qua.
Người Jrai ở Krông Pa lưu giữ nếp nhà dài

Người Jrai ở Krông Pa lưu giữ nếp nhà dài

(GLO)- 

Kiến trúc nhà ở phần nào thể hiện nét văn hóa trong đời sống của một cộng đồng. Với người Jrai ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), văn hóa ấy thể hiện rõ nét qua từng nếp nhà dài, chở che qua bao thế hệ.

Thương nhớ cá đồng

Thương nhớ cá đồng

(GLO)- Khác với miền Nam quanh năm ấm áp, sản vật dồi dào, miền Bắc 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt nên thường là mùa nào thức ấy. Trong đó, loài cá, đặc biệt là cá đồng thì phải đúng mùa ăn mới thơm ngon.