Cứng rắn với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đang tính nước cờ gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump trước đề xuất của Trung Quốc về đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại phần nào tiết lộ ý định thực sự của ông.

Công ty chứng khoán Dow Jones, chủ sở hữu tờ nhật báo phố Wall cho biết, các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch tổ chức đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai phía. Những nỗ lực này có thể dẫn tới một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2018.

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang căng thẳng. Ảnh: WCCFTECH.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang căng thẳng. Ảnh: WCCFTECH.



Trung Quốc muốn đàm phán

Nguồn tin trên dẫn thông tin từ các quan chức hai nước khẳng định, đoàn đại diện gồm 9 thành viên của Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen dẫn đầu sẽ có chuyến thăm Washington và gặp gỡ phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass trong hai ngày 22 và 23/8.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ, Trung Quốc tái khẳng định quan điểm phản đối chủ nghĩa đơn phương và các hành vi mang tính bảo hộ thương mại, không chấp nhận các biện pháp hạn chế thương mại đơn phương. Nước này cũng hoan nghênh đối thoại và tìm kiếm sự tiếp xúc dựa trên cơ sở bình đẳng.

Cuộc đàm phán cuối tháng 8 nhằm mục đích tìm kiếm giải pháp để hai bên giải quyết những tranh chấp thương mại và có thể dẫn đến nhiều cuộc đàm phán khác trong tương lai. Nó thể hiện mong muốn của Bắc Kinh đưa quan hệ với Washington trở lại tốt đẹp như xưa, trong đó hai bên sẽ tiếp tục hợp tác về vấn đề Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ sẽ là tâm điểm trong cuộc đàm phán này, khi cả hai nước đang “vật lộn” với những biến động trên thị trường tiền tệ. “Các cuộc đàm phán ở cấp độ trung bình chính xác là bàn về cách thức đối phó với sự biến động của đồng nhân dân tệ”, nhà kinh tế Robin Brooks tại Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế nhấn mạnh.

Kể từ đầu năm tới nay, đồng USD đã tăng giá khoảng 6% so với đồng nhân dân tệ và phần lớn sự tăng giá diễn ra trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Sự mất giá đồng nhân dân tệ đã gây cho Trung Quốc không ít phiền toái khi làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, khoản nợ của Trung Quốc bằng đồng USD sẽ trở nên nặng nề hơn khi đồng nội tệ suy yếu.

Theo các cố vấn kinh tế của chính phủ Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các quan chức dưới quyền sớm bình ổn quan hệ song phương với Mỹ bởi ông hiểu rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài và toàn diện với Mỹ sẽ phá hủy các kế hoạch tái thiết kinh tế và cản bước Trung Quốc trở thành một siêu cường.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cũng tích cực tiếp xúc với các nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ, thuyết phục họ vận động chính quyền Tổng thống Donald Trump không thực thi kế hoạch đánh thuế mới và kêu gọi các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong phát triển quan hệ thương mại song phương.

Jacob Parker, phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết thêm, để khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ, Trung Quốc cần phải đưa ra một gói các biện pháp, gồm đề nghị cắt giảm thặng dư thương mại song phương, giảm thuế nhập khẩu, bảo vệ tốt hơn cho quyền sở hữu trí tuệ và ngừng chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Trung Quốc và Mỹ đang rơi vào vòng xoáy đối đầu thương mại khốc liệt do 2 bên  áp đặt rào cản thuế quan trả đũa lẫn nhau. Mỹ chính thức áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hồi tháng 7/2018 và dự kiến áp mức thuế này lên thêm 16 tỷ USD trong thời gian tới. Đáp trả  động thái của Mỹ, Trung Quốc đã lập tức áp thuế tương ứng lên 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Phía Mỹ vẫn cứng rắn

Hiện phía Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với Trung Quốc trong cách giải quyết xung đột thương mại lần này.

Phát biểu trong cuộc họp nội các tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ nhiều hơn trên bàn đàm phán: “Chúng tôi đang tiếp xúc với Trung Quốc, họ cũng rất muốn nói chuyện. Họ vẫn chưa đưa ra cho chúng tôi một thỏa thuận có thể chấp nhận được. Vì vậy, chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào cho đến khi có được thỏa thuận hợp lý".

Các quan chức Mỹ cho rằng, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đang tạo cho Washington ưu thế trong các cuộc đàm phán. Phát biểu trong cuộc họp Nội các, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Tôi nghĩ các nhà đầu tư đang ra khỏi Trung Quốc bởi họ không thích nền kinh tế của nước này. Họ đang đến Mỹ vì họ thích nền kinh tế của chúng tôi”.

“Nền kinh tế và tiền tệ Trung Quốc đang đi xuống, chúng ta hãy xem những gì xảy ra. Đàm phán có thể mang lại kết quả tốt hơn dự kiến và đối thoại bao giờ cũng tốt hơn là không đối thoại”.

Giải thích về phát ngôn của Tổng thống Donald Trump, ông Larry Kudlow cho rằng, Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc phải nới lỏng các rào cản thuế quan và phi thuế quan, cũng như dừng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Vị quan chức này nhấn mạnh, Tổng thống Donald Trump không có ý định rút lại các yêu cầu của ông.

“Thật tốt khi Trung Quốc cử đoàn đại diện đến Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không nên đánh giá thấp sự cứng rắn và thiện chí của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại này nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ cũng như ngăn việc chuyển giao công nghệ bắt buộc”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã xác định những vấn đề cụ thể mà Trung Quốc cần phải giải quyết. “Điều này bao gồm Trung Quốc phải thực hiện hành động cụ thể để chấm dứt gây bất ổn thị trường và buộc các công ty của chúng tôi chuyển giao công nghệ”. Bà nói thêm Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp.

Lập trường cứng rắn của Mỹ khiến giới các quan sát không mấy lạc quan về kết quả cuộc đàm phán lần này. Phát biểu với hãng tin Bloomberg, ông Mei Xinyu, nhà nghiên cứu tại một tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: "Các cuộc đàm phán là cần thiết nhưng có rất ít khả năng hai bên có thể đạt được thỏa thuận ở thời điểm hiện tại".

Theo ông Mei Xinyu , phía Mỹ cho rằng họ đang “trên cơ”, do đó, không cảm thấy cần phải thỏa hiệp, nhưng Mỹ cần phải biết rằng đàm phán sẽ giúp tránh được sự sụp đổ không cần thiết. “Hơn nữa, các cuộc đàm phán này cũng đảm bảo hai bên nhanh chóng thu hẹp bất đồng và đi thẳng vào vấn đề, từ đó manh nha việc đạt được một thỏa thuận trong tương lai khi thời cơ chín muồi và hai bên có thiện chí mạnh mẽ hơn”. Như vậy, Mỹ và Trung Quốc khó có thể giải quyết những bất đồng thương mại hiện nay trong một sớm, một chiều, mà hai bên sẽ phải tiến hành nhiều các cuộc đàm phán khác.

Tranh cãi về động cơ thực sự của ông Trump?

Chưa một nơi nào trên thế giới lại khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump “hao tâm tổn trí” hơn là Trung Quốc. Khắp nơi từ các văn phòng chính phủ, viện nghiên cứu và trường đại học… đang nổi lên một cuộc tranh cãi về động cơ ẩn giấu của Washington khi đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc trở thành một siêu cường?

He Weiwen, cựu quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, đồng thời là thành viên tại Trung Tâm nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa cho biết: “Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng công khai rằng, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc là lý do thực sự sau các hành động áp đặt rào cản thuế quan của nước này”.

Quan điểm này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo các nhà nghiên cứu. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng thuế quan chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số ý kiến khác bày tỏ lo ngại hai bên có thể bước vào cuộc cạnh tranh vị thế thống trị toàn cầu lâu dài, gợi nhắc lại đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô thế kỷ trước.

An Gang, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Pangoal, cho biết chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang khiến nhiều người ở Trung Quốc suy nghĩ liệu một cuộc chiến tranh lạnh mới có phải đã bắt đầu hay không. Còn theo Lu Xiang – chuyên gia tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc thì quan hệ Mỹ - Trung đang ở trong giai đoạn nguy hiểm nhất trong 40 năm qua.

Ban đầu, nhiều quan chức và người dân Trung Quốc từng rất hoan nghênh sự thành đạt của Tổng thống Trump, người mà họ đánh giá là nhà giao dịch thực dụng có thể thu hẹp mức thâm hụt thương mại lên tới 375 tỷ USD giữa 2 quốc gia. Nhưng đến nay, mọi chuyện đã đổi khác khi Trung Quốc phải loay hoay đối phó với các đòn giáng nặng nề về thuế quan từ chính nhà lãnh đạo Mỹ này.

Ông Wang Huiyao, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc cho rằng: “Donald Trump là một nhà đàm phán thông minh do có nhiều kinh nghiệm đúc kết từ hoạt động kinh doanh suốt nhiều năm trời. Thế nhưng chiến lược gây sức ép của ông Trump đã khơi dậy chủ nghĩa dân tộc ở người Trung Quốc và phản tác dụng”.

Trung Quốc cũng đã bóng gió về những cách đối phó với áp lực từ phía Mỹ nếu cần thiết. Ông Wei Jianguo, cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, áp thuế lên ôtô, chất bán dẫn và máy bay Boeing đang được Bắc Kinh xem xét.

Hồng Anh (VOV)

Có thể bạn quan tâm

Nga cho chưa đúng thời điểm để ngừng bắn ở Ucraine

Nga cho chưa đúng thời điểm để ngừng bắn ở Ucraine

(GLO)-"Hôm nay là khoảnh khắc đặc biệt, duy nhất sẽ không bao giờ xảy ra. Cả trong lịch sử Nga, Belarus và Ukraine, cũng như trong lịch sử thế giới, đặc biệt là châu Âu. Câu hỏi duy nhất là phải làm gì. Tất cả các bạn đều hiểu và biết rằng chỉ có một cách thức – đó là đàm phán. Đàm phán không có điều kiện tiên quyết", ông Lukashenko nói trong bài phát biểu trước người dân Belarus và các nhà lập pháp hôm 31/3.
Cựu tổng thống Trump bị truy tố

Cựu tổng thống Trump bị truy tố

(GLO)-Theo CNN đưa tin ngày 30/3, ông Trump sẽ trở thành cựu Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ bị truy tố hình sự. Diễn biến này có thể tác động đáng kể đến chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông Trump, trùng với thời điểm xét xử vụ án.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chuyển đến Belarus

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chuyển đến Belarus

(GLO)-Mới đây, đài RT dẫn lời ông Putin cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được đưa đến Belarus sớm nhất vào mùa hè năm nay, đánh dấu lần đầu tiên từ thập niên 1990 vũ khí này được triển khai ngoài lãnh thổ Nga. Vũ khí đưa đến Belarus nhưng sẽ do lực lượng Nga quản lý.
Lần đầu sau 19 năm, dân số Bắc Kinh giảm xuống

Lần đầu sau 19 năm, dân số Bắc Kinh giảm xuống

(GLO)-CNN hôm 23/3 dẫn số liệu thống kê từ chính quyền Bắc Kinh cho hay, từ năm 2021 – 2022, dân số thành phố đã giảm từ 21,88 triệu người xuống 21,84 triệu người. Đây là lần đầu tiên trong vòng 19 năm trở lại đây, Bắc Kinh ghi nhận tình trạng dân số giảm.
Khổng lồ: cần 411 tỷ USD để tái thiết Ucraine

Khổng lồ: cần 411 tỷ USD để tái thiết Ucraine

(GLO)-Theo Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, nhu cầu để Ukraine tái thiết và phục hồi đã tăng lên tới 411 tỷ USD, chỉ sau một năm Nga tấn công nước này. Khoản kinh phí khổng lồ nêu trên thể hiện tại cáo cáo được thực hiện bởi Kiev, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên hợp quốc.
Mỹ không coi quan hệ Nga- Trung là liên minh

Mỹ không coi quan hệ Nga- Trung là liên minh

(GLO)-Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/3, người phát ngôn phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Chúng ta đã thấy cách mà hai quốc gia này phát triển mối quan hệ gắn bó như thế nào trong nhiều năm qua”.
Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

(GLO)-Báo cáo được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) công bố hôm 20/ 3 ‐ chắt lọc từ 10.000 trang báo cáo của hơn 1.000 nhà khoa học - cho thấy thế giới có khả năng đã bỏ lỡ mục tiêu khí hậu là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5⁰C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.