Kim-Trump ký Tuyên bố chung, Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên vừa ký kết Tuyên bố chung, cam kết 'hợp tác hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên' và thiết lập 'mối quan hệ Mỹ - Triều mới'.

- Đây là cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một tổng thống đương nhiệm của Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
- Cuộc thượng đỉnh tại Singapore là kết quả của hàng loạt nỗ lực ngoại giao từ cả hai nước trong vài tháng qua, theo sau các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều.
- Singapore được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim vì chính sách ngoại giao trung lập. Chi phí tổ chức cuộc gặp lịch sử này được ước tính vào khoảng 15 triệu USD, chủ yếu dành cho công tác an ninh.
- Phóng viên Zing.vn có mặt ở Singapore cho biết không khí tại quốc đảo khá nhộn nhịp trong khi nhiều con đường được phong tỏa để đảm bảo an ninh cao nhất cho cuộc gặp.

Trump - Kim về nước trong tối nay

 

 

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khởi hành từ căn cứ không quân Paya Lebar lúc 19h (giờ địa phương). Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ rời Singapore trong khoảng 21h đến nửa đêm.

Ba chiếc máy bay, trong đó có 2 chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Trung Quốc Air China và 1 chiếc Ilyushin IL-62 của chính Kim Jong Un, đang đậu tại sân bay quốc tế Changi để chờ ông. Chưa rõ ông và phái đoàn hơn 100 người sẽ di chuyển trên chiếc máy bay nào để về lại Bình Nhưỡng.

Chuyên gia Hong Kong: Cam kết vẫn mơ hồ, ông Kim thắng lớn

 

 

Trả lời phóng viên Zing.vn từ Singapore, Giáo sư Trương Bảo Huy, Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong), nói rằng tài liệu vừa được ký là một cam kết “khá mơ hồ”.

Ông Trump nói cuộc gặp tốt hơn ông ấy trông đợi, nó cho thấy tổng thống Mỹ đang muốn tạo dựng cuộc gặp như một thành công sau chuyến đi G7 đầy rắc rối vừa qua. “Đó là một thắng lợi ngoại giao cho Kim”, ông Tương nói.

Ông cho rằng Kim đã tránh được việc phải có một thời gian biểu cho việc phi hạt nhân hóa. Mặc khác, nó kéo theo nguy cơ tổng thống Mỹ về sau có thể phải than phiền về việc thiếu tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa và còn quá sớm để nói hội nghị thượng đỉnh đã thay đổi tình trạng quan hệ Mỹ - Triều.

Tuy nhiên, ông Trương cũng cho rằng "phản ứng hóa học" giữa Trump và Kim là khá tốt và có thể quan hệ song phương sẽ cải thiện sau sự kiện này.

Mỹ - Triều ký Tuyên bố chung

 

 

Tuyên bố chung của thượng đỉnh Mỹ - Triều nhấn mạnh: "Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim đã có những trao đổi toàn diện, có chiều sâu và chân thành về việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như xây dựng một nền hòa bình lâu dài và mạnh mẽ trên bán đảo Triều Tiên".

Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cam kết sẽ thực hiện những nội dung trong tuyên bố chung này "một cách toàn diện và nhanh chóng". Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy xây dựng mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên và thúc đẩy "hòa bình, thịnh vượng, an ninh trên bán đảo Triều Tiên và toàn thế giới".

"Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán khác, do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn đầu cùng quan chức cấp cao phù hợp của Triều Tiên, trong thời gian sớm nhất có thể, nhằm thực thi những kết quả đạt được tại thượng đỉnh", tuyên bố chung nêu rõ.

4 trọng điểm trong thỏa thuận

 

 

- Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng

- Hai nước sẽ cùng nỗ lực xây dựng một chế độ ổn định và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

- Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên.

- Mỹ và Triều Tiên cam kết truy tìm hài cốt tù nhân chiến tranh, bao gồm việc đưa những người đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.

Hé lộ nội dung văn bản mà Trump, Kim vừa ký

 

 

"Tổng thống Trump cam kết các đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tái khẳng định cam kết vững chắc và không suy suyển về phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên", phóng viên của Wall Street Journal "soi" ảnh chụp văn bản được ký kết bởi 2 nhà lãnh đạo.

Trung Quốc ca ngợi Mỹ - Triều đối thoại bình đẳng

 

 

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng việc 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể ngồi cùng nhau và trao đổi một cách binh đẳng mang một ý nghĩa quan trọng và tích cực. "Cuộc gặp đã mở ra một chương mới trong lịch sử", ông Vương nhấn mạnh.

"Cốt lõi của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chính là vấn đề an ninh. Phần quan trọng và khó khăn nhất của vấn đề này là Mỹ và Triều Tiên phải cùng ngồi lại, tìm ra cách để giải quyết xung đột thông qua đối thoại bình đẳng", ông nhận định.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên gồm 2 phương diện: Thứ nhất là phi hạt nhân hóa toàn diện; thứ hai là xây dựng một cơ chế hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, giải quyết các quan ngại hợp lý về an ninh của Triều Tiên.

Trump - Kim ký thỏa thuận 'phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên'

 

 

Theo ảnh chụp bản thỏa thuận chung, hai nhà lãnh đạo cam kết "hợp tác hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" và thiết lập "mối quan hệ Mỹ - Triều mới".

Trump: Tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ diễn ra rất nhanh chóng

 

 

Khi được hỏi liệu nhà lãnh đạo Kim Jong Un có đồng ý phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay không, Tổng thống Trump đáp: "Chúng ta sẽ bắt đầu tiến trình ấy sớm thôi, rất sớm thôi".

Hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận chung, nội dung cụ thể sẽ được tiết lộ trong cuộc họp báo lúc 16h (giờ địa phương).

Ông Kim Jong Un rời khách sạn Capella

 

 

Đoàn Triều Tiên rời khách sạn Capella, quay về khách sạn St Regis, sau lễ ký kết.

Trump - Kim có thể đã trò chuyện ngắn bằng tiếng Anh

Theo phóng viên Zing.vn, trong lúc chia tay, dường như Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim đã nói chuyện đôi câu với nhau, có thể là bằng tiếng Anh vì khi đó không có các phiên dịch ở cạnh.

Ngay trước đó, ông Kim dường như đã nói "I see" (tôi hiểu) với các nhân viên ở phía sau.

'Chúng ta sẽ còn gặp nhau'

 

 

Hai nhà lãnh đạo đã bước đến bậc thang của phía trước khách sạn, nơi cách đây vài tiếng họ vừa có cái bắt tay lịch sử, trên tay mỗi người giờ đây cầm theo thỏa thuận đã được ký kết.

"Chúng tôi đã có một ngày tuyệt vời và đã hiểu hơn về nhau cũng như đất nước của người còn lại. Tôi thấy ông Kim là một người rất tài năng và hiểu được ông ấy yêu đất nước mình vô cùng", ông Trump cho biết.

Cả 2 nhà lãnh đạo bắt tay lần cuối. Ông Trump hứa hẹn: "Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau nhiều lần nữa", rồi rời khỏi bậc thang.

Ông Trump mời ông Kim đến Washington

 

 

Theo phóng viên Phương Thảo của Zing.vn, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhẹ vỗ lưng ông Trump sau khi rời lễ ký kết. Tổng thống Mỹ sau đó có cử chỉ "thân ái" tương tự với ông Kim.

Ông Trump đã mở lời mời với nhà lãnh đạo Triều Tiên: "Ngài Kim, ngài có thể vui lòng đến Washington không?"

Kim Jong Un: Thế giới sẽ chứng kiến nhiều thay đổi

 

 

Tổng thống Trump cho biết: "Chúng tôi đang ký một văn bản rất quan trọng, rất toàn diện. Chúng tôi đã có thời gian tuyệt vời bên nhau, có một mối quan hệ tuyệt vời. Nhiều nội dung khác sẽ được thảo luận trong buổi họp báo".

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định: "Thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi to lớn".

"Ngày hôm nay, chúng ta đã có cuộc gặp lịch sử, bước lên được quá khứ và hướng đến một sự khởi đầu mới. Thỏa thuận được ký kết mang ý nghĩa lịch sử. Tôi xin cảm ơn ông Trump đã giúp hiện thực hóa điều này", ông Kim Jong Un nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhẹ vỗ lưng ông Trump giữa lúc ký kết. Tổng thống Mỹ sau đó có cử chỉ "thân ái" tương tự với ông Kim.

Ông Trump khoe xe 'Quái thú' với ông Kim

 

 

Theo NBC , ông Trump đã khoe với ông Kim về chiếc "Quái thú" dành riêng cho Tổng thống Mỹ.

Mật vụ Mỹ được ông Trump yêu cầu mở cửa xe để nhà lãnh đạo Triều Tiên được "chiêm ngưỡng" nội thất bên trong chiếc xe đặc dụng nổi tiếng.

Chi tiết này đã tạo sự "khó hiểu" đối với những người theo dõi diễn biến thượng đỉnh Mỹ - Triều qua màn ảnh. 2 nhà lãnh đạo đi đến một chiếc xe đang mở cửa, rồi lại đột ngột quay lại và bước thẳng vào bên trong tòa nhà.

Mỹ - Triều sẽ ký cam kết tiếp tục đàm phán

 

 

Theo CNN, ông Trump và ông Kim sẽ cùng ký một cam kết tiếp tục duy trì đối thoại, đàm phán giữa 2 nước trong tương lai.

Khoảnh khắc khó xử

 

 

Phóng viên Zing.vn từ Singapore cho biết một khoảnh khắc khó hiểu vừa xảy ra sau khi hai nhà lãnh đạo kết thúc buổi ăn trưa làm việc. Ông Trump và Kim đi đến một chiếc xe đang mở cửa, rồi đột ngột quay lại và nói chuyện với các nhân viên.

Biểu hiện trên mặt hai nhà lãnh đạo cùng em gái ông Kim cho thấy có một sự hiểu lầm giữa đôi bên. Cả Trump và Kim có vẻ không hiểu chuyện gì vừa xảy ra, trong khi phóng viên ở trung tâm báo chí cười ồ bất ngờ.

Cuộc gặp 'tuyệt vời' - Sắp có lễ ký kết

 

 

Sau một cuộc đi dạo ngắn quanh khách sạn Capella, ông Trump nói ông đã có một cuộc gặp "thực sự tuyệt vời" với ông Kim và "nhiều tiến bộ đã đạt được". Ông nói cuộc thảo luận "thành công vượt mọi mong đợi" và "tốt hơn mọi người có thể đã nghĩ".

Tổng thống Trump bất ngờ cho biết 2 nhà lãnh đạo "đang chuẩn bị một lễ ký kết".

Khi được các phóng viên hỏi lễ ký kết sẽ về nội dung gì, ông Trump chỉ mỉm cười và trả lời với nụ cười: "Chúng tôi sẽ thông báo trong vài phút nữa".

Kim Jong Un: Cuộc thượng đỉnh lịch sử là 'khúc dạo đầu cho nền hòa bình'

 

 

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Trump và quan chức cấp cao hai bên, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng ông tin tưởng cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều là "khúc dạo đầu cho nền hòa bình".

Ông Trump đồng ý, khẳng định mình cũng tin tưởng như thế.

Kim tiếp lời: "Như tôi đã nói lúc trước, cho đến bây giờ, họ (những lãnh đạo trước) không thể đạt được điều này".

Trump: Các phóng viên hãy chụp chúng tôi trông gầy và đẹp trai

 

 

Cuộc đàm thoại giữa hai nhà lãnh đạo và phái đoàn diễn ra lâu hơn kế hoạch 20 phút. Khi tiến vào phòng ăn, Tổng thống Trump mời ông Kim ngồi xuống sau khi nói đùa với các phóng viên, yêu cầu họ chụp hình hai ông sao cho thật "gầy và đẹp trai". Hai bên không có sự kiện chính thức nào cho đến 16h, khi hai bên tổ chức cuộc họp báo.

Phái đoàn Mỹ - Triều gặp gỡ khi hai nhà lãnh đạo hội đàm

 

 

Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đăng tải hình ảnh phái đoàn Triều Tiên gồm "trùm tình báo" Kim Yong Chol, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Choe Son Hui cùng phái đoàn Mỹ gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly cùng xem trực tiếp cảnh ông Trump và ông Kim gặp nhau lần đầu. Sau buổi đàm phán, hai bên đã cùng ăn trưa làm việc.

Phái đoàn Mỹ - Triều cùng hai nhà lãnh đạo ăn gì trưa nay?

 

 

11h30 (giờ địa phương), ông Kim Jong Un và Donald Trump bắt đầu buổi ăn trưa làm việc. Hai bên sẽ thưởng thức các món ăn đặc trưng của Triều Tiên và phương Tây. Các sự lựa chọn cho món khai vị là cocktail tôm kèm sald trái bơ, cơm xoài xanh Malaysia hoặc "oiseon", món dưa chuột nhân mặn của Triều Tiên.

Món chính gồm sườn non bò hầm, heo giòn chua ngọt, cơm chiên Dương Châu và "daegu jorim" - cá tuyết kho nước tương kiểu Triều Tiên. Để tráng miệng, các quan khách và hai nhà lãnh đạo có thể dùng bánh tart sốt socola đắng, kem vani hoặc món bánh Pháp "tropezienne".

Tham gia dùng bữa còn có em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo Jong và phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders.

Kim Jong Un: 'Nhiều người sẽ nghĩ đây là một bộ phim viễn tưởng'

 

 

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong Un thừa nhận con đường (hợp tác với Mỹ) sẽ không hề dễ đi.

"Dĩ nhiên có nhiều thách thức phía trước, nhưng tôi sẵn sàng làm điều này (hợp tác với Mỹ)", nhà lãnh đạo Kim Jong Un phát biểu thông qua người phiên dịch.

"Thật không dễ dàng để đến được đây. Quá khứ đã giữ chúng ta lại, những thủ tục và định kiến lỗi thời đã che mắt và bịt tai chúng ta, nhưng chúng ta có thể vượt qua mọi thứ để đến đây hôm nay", ông Kim nói.

Tuy nhiên khi được phóng viên hỏi về vấn đề phi hạt nhân, ông giữ im lặng.

Tổng thống Hàn Quốc thức trắng vì thượng đỉnh Mỹ - Triều

 

 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết ông đã thức trắng vào đêm 11/6, trước thềm cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim.

Phát biểu tại phiên họp nội các ngày 12/6, ông Moon kỳ vọng thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ thành công và mở ra một chương mới cho bán đảo Triều Tiên. "Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã bắt đầu và tôi tin rằng mọi người dân trên bán đảo Triều Tiên đều đang hướng mắt về Singapore", ông Moon nói.

Ông Moon Jae In và các quan chức Hàn Quốc đã theo dõi những diễn biến của thượng đỉnh Mỹ - Triều qua màn ảnh nhỏ.

Quan chức Triều Tiên nào đang cùng ông Kim đàm phán?

 

 

Theo CNN, các cố vấn hàng đầu của ông Kim Jong Un đang cùng nhà lãnh đạo ngồi đàm phán với Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao phía Mỹ.

Đặc biệt, phái đoàn Triều Tiên có sự tham gia của ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Ông nằm trong số những nhà ngoại giao cao cấp nhất Bình Nhưỡng. Ông cũng là người đã tận tay trao cho ông Trump lá thư của nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngày 1/6.

Ngoài ra, ông Ri Su Yong, người đồng cấp của ông Kim Yong Chol tại Ủy ban Trung ương WPK, và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho cũng có mặt tại phòng họp.

Tuy nhiên, người em gái của nhà lãnh đạo Kim là cô Kim Yo Jong lại không có mặt. Cô Kim Yo Jong nổi lên trong năm 2018 với vai trò ngoại giao to lớn, thường xuyên tham gia các sự kiện quan trọng trong quan hệ liên Triều.

Ông Trump và ông Kim lần thứ 3 bắt tay

 

 

Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim có cái bắt tay thứ 3 trước ống kính truyền thông.

Ông Kim Jong Un khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Trump. Ông cho biết việc hợp tác sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện, theo Straits Times.

Trump: Hai bên 'sẽ giải quyết được vấn đề lớn'

 

 

Tại cuộc hội đàm mở rộng Mỹ - Triều diễn ra sau khi ông Kim và ông Trump gặp riêng, tổng thống Mỹ nói rằng ông đoán hai bên "sẽ giải quyết được một vấn đề lớn, một tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn".

Tham dự hội đàm, phía Mỹ ngoài Tổng thống Trump có Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Trump: Mọi việc rất tốt

 

 

Hình ảnh của phóng viên tại Capella cho thấy 2 nhà lãnh đạo đã kết thúc cuộc gặp trực tiếp và chuyển qua đàm phán mở rộng với sự tham gia của phái đoàn quan chức cấp cao 2 nước.

Khi một phóng viên hỏi 2 nhà lãnh đạo về cuộc gặp đầu tiên, Tổng thống Trump tự tin trả lời: "Rất tốt, rất tốt!".

Chuyên gia Mỹ kỳ vọng hai nước sẽ đàm phán chấm dứt chiến tranh

Trả lời Zing.vn, bà Yuki Tatsumi, Giám đốc chương trình nghiên cứu Nhật Bản tại Trung tâm Stimson (Mỹ), kỳ vọng 2 nhà lãnh đạo sẽ đạt được một thỏa thuận sơ bộ về phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bà cho rằng lộ trình phi hạt nhân hóa sẽ được Washington và Bình Nhưỡng thảo luận trong những tháng tới,

“Nếu như việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên được xúc tiến, bước đi hợp lý tiếp theo sẽ là đàm phán chấm dứt hoàn toàn chiến tranh Triều Tiên. Điều này sẽ làm thay đổi đáng kể những vận động địa chính trị tại Đông Á”, bà cho biết.

Nữ học giả đồng thời cho rằng một sự nhất trí giữa Mỹ và Triều Tiên về xúc tiến đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ là kết quả khả quan nhất cho Nhật Bản.

Bà Tatsumi cho rằng rất khó để kết luận ông Kim Jong Un giống hay khác với hai cố lãnh đạo Triều Tiên là ông Kim Nhật Thành và Kim Jong Il (ông nội và bố của ông Kim Jong Un). “Tuy nhiên, trong chính sách đối phó với Mỹ, ông Kim Jong Un dường như vẫn đi theo những chiến thuật đàm phán mà cả ông và bố của ông ấy từng sử dụng”, bà nói.

Thủ tướng Lý Hiển Long: Ông Kim Jong Un 'trẻ và tự tin'

 

 

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận xét ông Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo "trẻ và tự tin".

"Tôi nghĩ ông ấy muốn tìm một hướng đi mới. Điều mà ông ấy đã chuẩn bị để đưa lên bàn đàm phán, và cách mà thỏa thuận có thể được đưa ra - đây là một vấn đề phức tạp. Tôi nghĩ ông ấy đang có ý định làm điều gì đó, vì vậy mà ông ấy đến để gặp Tổng thống Donald Trump", ông Lý nói.

Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hội đàm

 

 
 

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ có cuộc gặp riêng một - một cùng hai phiên dịch. Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng quan chức cấp cao Mỹ - Triều tham gia cuộc gặp song phương mở rộng. Buổi sáng 12/6 sẽ kết thúc với bữa ăn trưa làm việc giữa phái đoàn cấp cao hai nước.

Ông Kim: Đến được đây quả không dễ dàng.

Trao đổi với Tổng thống Trump và báo giới, ông Kim Jong Un chia sẻ rằng con đường đến thượng đỉnh hôm nay không hề dễ dàng.

"Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại, chúng ta đã đến được với thượng đỉnh", ông Kim nhấn mạnh.

Trump: Chúng tôi sẽ có mối quan hệ tuyệt vời

Hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau trong vài giây. Cả hai người đều mỉm cười. Sau đó, ông Trump và ông Kim quay về hướng các máy quay và nói với nhau điều gì đó trước khi cùng rời tiền sảnh hướng về thư phòng của khách sạn Capella để có cuộc gặp riêng.

Tổng thống Trump khẳng định với báo giới: "Chúng tôi sẽ có mối quan hệ tuyệt vời. Tôi không một mảy may nghi ngờ". Ông Trump thân thiện đặt tay trên lưng ông Kim trong lúc tiến vào phòng họp.

12 giây lịch sử

 

 

Ông Trump và ông Kim bắt tay nhau tại sảnh khách sạn Capella. Cái bắt tay kéo dài trong 12 giây.

Chiếc bàn lịch sử

 

 

Ảnh trên là chiếc bàn sẽ được dùng trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều. Chiếc bàn hội nghị làm từ gỗ là một món đồ trong những thiết kế từ năm 1939 của thợ thủ công địa phương cho trụ sở Tòa án Tối cao trước đây. Các chánh án tòa tối cao của Singapore từng sử dụng chiếc bàn này.

Những phút cuối cùng trước "giờ G"

 

 

Phóng viên và ban tổ chức tại khách sạn Capella ráo riết chuẩn bị cho cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Theo Straits Times, khoảnh khắc lịch sử sẽ được ghi lại bởi 10 quay phim và phóng viên ảnh của Mỹ, 5 quay phim của Triều Tiên và 5 phóng viên của Singapore.

Sau khi bắt tay và chào hỏi, hai nhà lãnh đạo cùng phiên dịch viên sẽ đi thẳng vào phòng họp cho cuộc gặp riêng kéo dài 45 phút.

Liệu ông Trump sẽ tươi cười tiếp đón ông Kim?

 

 

Theo CNN, nhiều cố vấn của Tổng thống Trump đã khuyên ông không nên chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên một cách thân thiện quá mức. Một số người lo ngại những hình ảnh này có thể được Bình Nhưỡng sử dụng cho các tuyên truyền chống Mỹ sau này.

Trong khi đó, theo tiết lộ của một quan chức Mỹ, màn chào hỏi giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ diễn ra trong sự "nồng ấm, lịch thiệp và tôn trọng lẫn nhau". Vị quan chức này cũng không chắc ông Trump có tươi cười hay không. Ông Trump cười với các phóng viên ngoài khuôn viên Nhà Trắng ngày 29/5.

'Mọi hệ thống đã sẵn sàng'

Trong một đoạn video cho thấy cảnh an ninh được siết chặt, lực lượng cảnh sát vũ trang Singapore (SPF) nói "mọi hệ thống đã sẵn sàng" để phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trên Facebook sáng sớm 12/6, SPF cảnh báo người dân về 2 tuyến đường dẫn đến đảo Sentosa là Anderson và Tanglin có thể bị tắc trong khoảng một giờ do đường bị phong tỏa. Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim dự kiến diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo này vào lúc 9h.

Bộ trưởng Nội vụ và Pháp luật K. Shanmugam trước đó cho biết hơn 5.000 nhân sự đã được triển khai làm công tác hậu cần cho cuộc gặp ngày 12/6. Ảnh: Đường xá Sentosa sáng sớm 12/6 (Straits Times).

Kim Jong Un đến Sentosa

Đoàn xe của ông Trump đã đến cổng dẫn vào đảo Sentosa.

30 phút chờ cái bắt tay lịch sử

 

 

Đoàn xe của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đến khách sạn Capella trên đảo Sentosa. Trước đó vài phút, chiếc "Quái thú" của Tổng thống Trump cũng đã đến nơi.

Chỉ tầm 30 phút nữa, hai nhà lãnh đạo sẽ có cái bắt tay lịch sử. Lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Khoảng 9h15, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp riêng chỉ với phiên dịch viên, không có trợ lý và cố vấn.

 

 

Tiền sảnh tại khách sạn Capella.

 

 

Tổng thống Trump ngồi trên xe đặc dụng "Quái thú" đến khách sạn Capella.

Theo zing

Có thể bạn quan tâm

Nga cho chưa đúng thời điểm để ngừng bắn ở Ucraine

Nga cho chưa đúng thời điểm để ngừng bắn ở Ucraine

(GLO)-"Hôm nay là khoảnh khắc đặc biệt, duy nhất sẽ không bao giờ xảy ra. Cả trong lịch sử Nga, Belarus và Ukraine, cũng như trong lịch sử thế giới, đặc biệt là châu Âu. Câu hỏi duy nhất là phải làm gì. Tất cả các bạn đều hiểu và biết rằng chỉ có một cách thức – đó là đàm phán. Đàm phán không có điều kiện tiên quyết", ông Lukashenko nói trong bài phát biểu trước người dân Belarus và các nhà lập pháp hôm 31/3.
Cựu tổng thống Trump bị truy tố

Cựu tổng thống Trump bị truy tố

(GLO)-Theo CNN đưa tin ngày 30/3, ông Trump sẽ trở thành cựu Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ bị truy tố hình sự. Diễn biến này có thể tác động đáng kể đến chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông Trump, trùng với thời điểm xét xử vụ án.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chuyển đến Belarus

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chuyển đến Belarus

(GLO)-Mới đây, đài RT dẫn lời ông Putin cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được đưa đến Belarus sớm nhất vào mùa hè năm nay, đánh dấu lần đầu tiên từ thập niên 1990 vũ khí này được triển khai ngoài lãnh thổ Nga. Vũ khí đưa đến Belarus nhưng sẽ do lực lượng Nga quản lý.
Lần đầu sau 19 năm, dân số Bắc Kinh giảm xuống

Lần đầu sau 19 năm, dân số Bắc Kinh giảm xuống

(GLO)-CNN hôm 23/3 dẫn số liệu thống kê từ chính quyền Bắc Kinh cho hay, từ năm 2021 – 2022, dân số thành phố đã giảm từ 21,88 triệu người xuống 21,84 triệu người. Đây là lần đầu tiên trong vòng 19 năm trở lại đây, Bắc Kinh ghi nhận tình trạng dân số giảm.
Khổng lồ: cần 411 tỷ USD để tái thiết Ucraine

Khổng lồ: cần 411 tỷ USD để tái thiết Ucraine

(GLO)-Theo Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, nhu cầu để Ukraine tái thiết và phục hồi đã tăng lên tới 411 tỷ USD, chỉ sau một năm Nga tấn công nước này. Khoản kinh phí khổng lồ nêu trên thể hiện tại cáo cáo được thực hiện bởi Kiev, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên hợp quốc.
Mỹ không coi quan hệ Nga- Trung là liên minh

Mỹ không coi quan hệ Nga- Trung là liên minh

(GLO)-Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/3, người phát ngôn phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Chúng ta đã thấy cách mà hai quốc gia này phát triển mối quan hệ gắn bó như thế nào trong nhiều năm qua”.
Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

(GLO)-Báo cáo được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) công bố hôm 20/ 3 ‐ chắt lọc từ 10.000 trang báo cáo của hơn 1.000 nhà khoa học - cho thấy thế giới có khả năng đã bỏ lỡ mục tiêu khí hậu là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5⁰C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.