Chư Prông: Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Prông, Gia Lai đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Chư Prông là huyện thuần nông với trên 85% dân số sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích cây trồng các loại khoảng 73.800 ha, trong đó, cây ngắn ngày 21.800 ha (lúa, mì, bắp, đậu đỗ các loại), cây công nghiệp dài ngày 52.000 ha (hồ tiêu 2.500 ha, cà phê 13.000 ha, cao su 33.000 ha, điều 1.700 ha).
 Nông dân chuyển đổi cây trồng và tái canh cây cà phê. Ảnh: L.N
Nông dân chuyển đổi cây trồng và tái canh cây cà phê. Ảnh: L.N
Theo ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năm 2018, do ảnh hưởng mưa kéo dài nên tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng diễn biến phức tạp. Cụ thể, nhiều diện tích lúa ở xã Ia Lâu và Ia Piơr đã bị bệnh đạo ôn. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có hơn 1.493 ha hồ tiêu thiệt hại do bệnh chết nhanh (diện tích hồ tiêu trồng tập trung bị chết là 1.218 ha; diện tích hồ tiêu xen canh cà phê chết là 275 ha). Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. “Trong năm 2018, ngay từ đầu vụ mùa, huyện đã thực hiện chuyển đổi 100 ha hồ tiêu bị bệnh nặng sang trồng 24 ha cà phê, 63,7 ha chanh dây và 12,3 ha bắp lai. Bên cạnh đó, huyện đã cấp 481.270 cây cà phê thực sinh, 13.846 cây bơ cho người dân để cải tạo vườn tạp và trồng xen. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 75% diện tích lúa nước và 90% diện tích bắp đã được sử dụng giống mới, năng suất cao. Theo kế hoạch năm 2019, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 1.218 ha hồ tiêu bị chết sang trồng 400 ha cà phê, hơn 518 ha bắp, 300 ha cây ăn quả”-ông Luyến cho biết.
Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ dân trong huyện đã chú trọng sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, giúp cây trồng phát triển bền vững, hạn chế sâu bệnh. Ông Rơ Lan Phương (làng O Ngol, xã Ia Vê) cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha cà phê trồng xen với hồ tiêu. Tôi rất hạn chế sử dụng phân hóa học. Thay vào đó, tôi thường sử dụng phân chuồng ủ với vỏ cà phê để bón. Vì vậy, vườn cây phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh. Ngoài ra, việc trồng xen các loại cây sẽ cho thu nhập ổn định hơn vì khi giá loại nông sản này xuống thì có loại khác bù vào”.
Thời gian gần đây, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được khai thác hợp lý; các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao đã từng bước được đưa vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng đã được người dân chú trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao thu nhập.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Luyến, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 13-12-2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện”, Chư Prông phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng cánh đồng lớn trên cây lúa tại 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr; xây dựng vùng sản xuất cà phê tập trung, áp dụng các chương trình sản xuất cà phê bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và phấn đấu xây dựng được 1 cánh đồng lớn trồng cà phê với diện tích 50 ha. Huyện cũng sẽ xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê, hồ tiêu nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước do hạn hán, tiết kiệm chi phí, công lao động và phân bón.
Bên cạnh đó, huyện phấn đấu 95% diện tích lúa nước được sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, chịu hạn tốt. Về chương trình tái canh cà phê, toàn huyện phấn đấu tái canh được khoảng 2.000 ha, sử dụng các loại giống như TR4, TR9, TR11, TR12, TRS1. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất đạt bình quân 120 triệu đồng/ha đất canh tác; tăng năng suất cà phê nhân bình quân lên 4,2 tấn/ha, hồ tiêu khô lên 4,8 tấn/ha, điều lên 2,5 tấn hạt/ha, năng suất lúa 6,5 tấn/ha, 100% diện tích bắp sử dụng giống bắp lai, năng suất 6 tấn/ha; 20% diện tích cây công nghiệp được áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước. Tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng tùy tiện nhằm chạy theo lợi nhuận trước mắt mà tập trung đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chăm sóc những diện tích hiện có để phát triển sản xuất bền vững.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.