Triển vọng nghề nuôi côn trùng, bò sát thương phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước nhu cầu sử dụng dế, tắc kè, rắn mối… làm thực phẩm ngày càng tăng, nhiều nông dân ở tỉnh ta đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi theo hướng thương phẩm và thu được hiệu quả rõ rệt.

Nuôi dế cho thu nhập cao

Có chu kỳ phát triển ngắn (30-45 ngày), thức ăn là các loại rau, cỏ, cám bắp, cám gạo có khá nhiều ở vùng nông thôn nên nuôi dế ngày càng được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Chỉ cần khoảng 1 triệu đồng đầu tư chuồng trại và con giống, người nuôi dế đã có thể thu được khoảng 50 kg thành phẩm mỗi tháng.

 

Anh Phạm Duy Phong cho dế ăn. Ảnh: P.L
Anh Phạm Duy Phong cho dế ăn. Ảnh: P.L

Từ một vài thùng dế ban đầu, đến nay, trại nuôi dế của anh Phạm Duy Phong (thôn 4, thị trấn Đak Đoa) đã có khoảng 150 thùng, trở thành một trong những trại cung cấp dế giống và dế thương phẩm lớn trong tỉnh. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, anh Phong cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh 3 tấn dế với giá dao động từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg (dế thương phẩm) và 100.000 đồng/khay (dế giống). “Mặc dù dế là loài côn trùng rất dễ nuôi nhưng chỉ có khí hậu Gia Lai mới giúp chúng sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Nhiệt độ thích hợp để dế phát triển là 25-35 độ C. Miền Bắc cũng có nhiều cơ sở nuôi dế nhưng khí hậu khi thì quá nóng, lúc lại quá lạnh nên nguồn cung cấp dế không ổn định. Trong khi đó, nhu cầu mua dế làm thực phẩm, làm thức ăn cho chim cảnh, cá cảnh ngày càng nhiều. Vì thế, đầu ra cho dế nuôi luôn ổn định”-anh Phong chia sẻ.

Từ 2 tháng nay, chị Phan Thị Kim Chi (tổ 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cũng mạnh dạn đầu tư nuôi dế. Chị tâm sự: “Sau thời gian lên mạng tìm hiểu, được biết anh Phạm Duy Phong ở Đak Đoa rất thành công với mô hình nuôi dế, mình quyết tâm làm thử. Khi mua giống tại cơ sở của anh Phong, mình được anh hướng dẫn rất tận tình về cách làm chuồng trại cũng như cách chăm sóc để dế đạt năng suất cao nhất”. Bắt đầu với 20 m2 nuôi dế, hiện tại, chị Kim Chi là đầu mối “độc quyền” cung cấp dế cho các quán nhậu trên địa bàn thị xã An Khê. Tuy nhiên, nguồn dế chị Chi cung cấp không đủ để phục vụ nhu cầu khách hàng. “Mình nuôi các chuồng dế xoay vòng để tạo nguồn thu nhập đều đặn và giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Bước đầu, mình thấy con dế rất dễ nuôi, nhanh lớn. Hiện tại, mình bỏ lẻ cho các quán nhậu, nhà hàng với giá 150.000-200.000 đồng/kg. Sắp tới, mình sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi dế để phục vụ nhu cầu khách hàng trên địa bàn thị xã”-chị Chi cho hay.

Triển vọng từ nuôi rắn mối

Ngoài việc dùng để làm thuốc, ngâm rượu như lâu nay, tắc kè còn đang trở thành một món đặc sản tại nhiều nhà hàng, quán nhậu. Vì thế, nuôi tắc kè thương phẩm cũng là một hướng phát triển kinh tế khá hấp dẫn. Vừa qua, anh Phạm Duy Phong đã đầu tư nuôi thêm 10.000 con tắc kè thương phẩm để tăng thu nhập. Cũng như con dế, tắc kè khá dễ chăm sóc. Thức ăn của tắc kè là các loại côn trùng như dế, gián, châu chấu… Tắc kè nuôi khoảng 4 tháng đạt chiều dài 15-20 cm là có thể xuất bán. Tắc kè có trọng lượng càng lớn thì giá càng cao.

Cũng nhờ thường xuyên lên mạng internet tìm hiểu, chị Kim Chi biết rắn mối đang là một trong những món ăn “thời thượng” được nhiều nhà hàng, quán nhậu săn lùng. Vì vậy, chị quyết định đầu tư 35 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 1.500 con rắn mối sinh sản về nuôi. Hiện tại, chị Chi có 5 chuồng nuôi rắn mối (mỗi chuồng rộng 2 m, dài 4 m, cao khoảng 1 m, bên trong lát gạch trơn để rắn mối không bò ra ngoài). Thức ăn cho rắn mối cũng khá đơn giản và tiết kiệm. Cùng với nguồn thức ăn là dế nuôi được, mỗi ngày, chị Chi chỉ cần bỏ thêm 20.000 đồng để mua thêm cá, trứng trộn cùng cơm cho đàn rắn mối ăn. “Rắn mối thương phẩm trên thị trường có giá khoảng 350.000 đồng/kg (khoảng 30 con). Hiện tại, mình đang tập trung nuôi rắn mối sinh sản. Sau khi tăng đàn, mình mới bắt đầu nuôi thương phẩm. Về đầu ra cũng không lo lắng lắm vì cơ sở cung cấp giống sẽ hỗ trợ thu mua toàn bộ trong thời gian đầu”-chị Chi vui vẻ nói.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.