BIDV Đức Cơ: Điểm sáng ngân hàng bán lẻ vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù thuộc thế hệ “sinh sau đẻ muộn” trên khu vực biên giới, thế nhưng hiện nay, Phòng Giao dịch BIDV Đức Cơ đang nắm giữ xấp xỉ 30% thị phần tín dụng, 45% thị phần huy động vốn trên toàn địa bàn huyện. Đây cũng là đơn vị có kế hoạch lợi nhuận bình quân hơn 2 tỷ đồng/người và đạt tiêu chuẩn Phòng Giao dịch đặc biệt trong hệ thống BIDV.

Hiệu quả từ dòng tín dụng bán lẻ

Là một trong 5 Phòng Giao dịch trực thuộc BIDV Nam Gia Lai, BIDV Đức Cơ đứng chân hoạt động trên địa bàn huyện biên giới, cũng là vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị hàng hóa như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều… Ngay từ những ngày đầu, Phòng Giao dịch đã đặt mục tiêu phát triển sản phẩm dịch vụ bán lẻ nhằm khai thác tối đa nguồn khách hàng tiềm năng, đặc biệt là hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh theo hình thức trang trại.

 

Sản phảm cho vay kinh tế trang trại của BIDV đã hỗ trợ tích cực nông dân trên địa bàn huyện Đức Cơ phát triển sản xuất quy mô lớn. Ảnh: S.C
Sản phảm cho vay kinh tế trang trại của BIDV đã hỗ trợ tích cực nông dân trên địa bàn huyện Đức Cơ phát triển sản xuất quy mô lớn. Ảnh: S.C

Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc thù địa bàn kinh doanh, đồng thời gắn với định hướng hoạt động lâu dài của BIDV Nam Gia Lai. “Đến nay, tổng dư nợ của đơn vị đạt 550 tỷ đồng, huy động vốn đạt 350 tỷ đồng, khách hàng tiền gửi và giao dịch xấp xỉ 9.000 khách hàng. Riêng mảng tín dụng có 1.500 khách hàng thì 70% dư nợ là dành cho khách hàng hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại hoặc kinh doanh thương mại-dịch vụ. Phòng Giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con nông dân, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương tiếp cận nguồn vốn, phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn”-ông Nguyễn Văn Hùng-Giám đốc Phòng Giao dịch, cho biết.

“Nếu không có nguồn vốn ngân hàng trợ giúp thì hoạt động sản xuất hoặc dự định mở rộng sản xuất của gia đình tôi có thể bị trì hoãn. Cũng nhờ nguồn vốn vay tiếp sức mà tôi mạnh dạn hơn”-ông Hồ Viết Sô (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Ty) cho biết. Là một khách hàng thân thiết với BIDV Đức Cơ từ năm 2013 đến nay, ông Sô yên tâm theo đuổi mô hình kinh tế trang trại bởi đã có diện tích đất và cây trồng ổn định. Hiện tại, gia đình ông có 10.000 trụ hồ tiêu kinh doanh, gần 4 ha xen canh các loại cây ăn quả như: cam, chôm chôm, dừa đã bước vào thời kỳ khai thác, cho nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Theo tính toán của ông Sô, cam, chôm chôm, dừa có thời gian khai thác 10-12 năm, giá cả lại ổn định. Chỉ riêng mùa chôm chôm 2016 đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu hơn 300 triệu đồng. Còn về cây cam, vào đợt thu bói năm 2017 đã mang lại nguồn thu 60 triệu đồng/6 sào. “Làm kinh tế trang trại thì đương nhiên chi phí đầu tư hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, nhờ chủ động tạo nhiều nguồn thu nên gia đình có thể xoay vòng vốn, cộng thêm nguồn vốn hỗ trợ từ BIDV nên tôi tự tin hơn. Phía ngân hàng cũng hỗ trợ khách hàng rất tốt”-ông Sô cho biết.

Tháo nút thắt thanh toán ngoại biên

Nhận thấy tiềm năng về nhu cầu chuyển tiền quốc tế sang Campuchia, nhất là khách hàng kinh doanh lĩnh vực hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Phòng Giao dịch BIDV Đức Cơ đã triển khai dịch vụ chuyển tiền quốc tế phục vụ khách hàng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Campuchia qua kênh Inpay của hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) từ tháng 11-2017 đến nay, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ cũng như góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu BIDV trên thị trường.

Nếu như trước đây, thời gian giao dịch chuyển tiền quốc tế sang thị trường Campuchia thông thường phải mất 2 ngày, phí chuyển tiền còn cao, công tác thu xếp vốn của ngân hàng đối tác còn chậm thì hiện nay, BIDC có kênh thanh toán riêng để chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia là Inpay. Với kênh thanh toán này, khi BIDV phối hợp với BIDC thực hiện thanh toán giao dịch chuyển tiền quốc tế sang thị trường Campuchia sẽ mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng lẫn ngân hàng. Nếu người hưởng có tài khoản tại hệ thống BIDC, thời gian chuyển từ BIDC Hồ Chí Minh sang BIDC Campuchia chỉ khoảng 30 phút. Còn với người hưởng có tài khoản ở ngân hàng khác tại Campuchia, thời gian chuyển tiền tối đa 1 ngày.

Công ty TNHH Mai Nguyễn Gia Lai là một doanh nghiệp có bề dày hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu hàng nông sản Campuchia tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ông Nguyễn Trọng Điểm-Giám đốc Công ty, cho biết: “Kể từ khi sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế sang Campuchia của BIDV Đức Cơ, chúng tôi rất yên tâm vì bảo toàn được đồng vốn và hàng hóa. Mọi giao dịch từ mở tờ khai, chuyển tiền đều qua ngân hàng nên doanh nghiệp minh bạch về tài chính, thuận lợi, an toàn và hiệu quả, phí đầu vào cũng khá ổn. Phía đối tác Campuchia cũng rất hài lòng và thích phương thức giao dịch này vì thuận tiện, nhanh chóng”.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.