Gia Lai: Năng suất cây trồng tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tiếp 2 vụ Đông Xuân gần đây, nông dân trong tỉnh Gia Lai phấn khởi khi năng suất các loại cây trồng tăng cao. Đây là một trong những động lực để nông dân tiếp tục tái đầu tư sản xuất vụ mùa 2018.

Giữa trưa nắng gắt, trên cánh đồng lúa nước rộng hơn 300 ha của xã Chư Jôr (huyện Chư Pah), nhiều nông dân vẫn hối hả thu hoạch lúa Đông Xuân. Ông Nguyễn Quá phấn khởi nói: “Gia đình tôi trồng lúa nước trên cánh đồng này đã hơn 20 năm, từ lúc chưa có công trình thủy lợi Tân Sơn cũng như hệ thống kênh mương nội đồng rộng khắp như bây giờ. Diện tích lúa của gia đình chỉ 2 sào nhưng vẫn đảm bảo nguồn lương thực hàng ngày. Những năm trước, nông dân khu vực này thường sử dụng lúa thịt làm giống để sản xuất vụ sau. Tuy nhiên, gần đây, nhiều hộ đã mua các loại giống lúa mới cho năng suất cao, hạt gạo thơm ngon và được thị trường ưa chuộng về sản xuất. Vụ Đông Xuân này, gia đình tôi gieo sạ giống lúa nguyên chủng DV108, lại đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng nên năng suất 2 sào lúa nước tăng cao hơn so với những vụ trước khoảng 0,6 tạ/sào”.

 

Nông dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: N.D
Nông dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: N.D

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ Đông Xuân 2017-2018, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh là 65.900 ha, đạt 100,6% kế hoạch. Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Qua thu hoạch, hầu hết các loại cây trồng đều đạt năng suất cao hơn so với những vụ Đông Xuân trước. Kết quả này là nhờ nông dân lựa chọn những giống lúa mới, ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao như: HT1, OM6976, Q5, DV108… và những giống bắp lai đã khẳng định vị thế trên từng chân đất như: CP888, CP333, Bioseed để đưa vào sản xuất.

Đặc biệt, một số vùng như Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông), nông dân chủ động sản xuất trước thời vụ nhằm tránh hạn cuối vụ nên các loại cây trồng đều đạt năng suất cao. Cụ thể, năng suất lúa nước bình quân toàn tỉnh ước đạt 56,9 tạ/ha, bắp 38,5 tạ/ha, rau 139,8 tạ/ha, đậu phộng 12,1 tạ/ha… Tổng sản lượng lương thực vụ Đông Xuân 2017-2018 ước đạt 161.447,3 tấn, đạt 100,2% kế hoạch, vượt 3,4% so với vụ Đông Xuân 2016-2017.

Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, cho hay: “Vụ Đông Xuân 2017-2018, hầu hết các loại cây trồng trên địa bàn huyện đều không bị hạn và đạt năng suất khá cao do nông dân chủ động sử dụng những giống cây trồng mới, phù hợp với từng chân ruộng; điển hình như: khoai lang năng suất bình quân 86 tạ/ha, tăng 23 tạ/ha; rau xanh các loại đạt 95 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với vụ Đông Xuân trước. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân áp dụng sản xuất. Huyện cũng đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp những công trình thủy lợi cũ để đảm bảo nước tưới cho cây trồng trong vụ Đông Xuân”.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Vụ Đông Xuân 2017-2018, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình sản xuất… Đặc biệt, dịch bệnh gây hại ít xảy ra đã góp phần nâng cao năng suất các loại cây trồng. Thành công trong vụ Đông Xuân 2017-2018 đã tạo tiền đề để hướng tới những kết quả tốt hơn trong vụ mùa 2018. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, triển khai quyết liệt chương trình tái canh cà phê, tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.