Ia Grai cần phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng nay (24-5), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Grai về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa nhiệm kỳ 2015-2020 và kết quả thực hiện Kết luận số 62-KL/TU ngày 12-9-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.


26/40 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Grai đã báo cáo một số kết quả nổi bật huyện nhà  đạt được từ năm 2015 đến nay. Theo đó, trong 40 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVI đề ra, huyện đã hoàn thành và vượt 26 chỉ tiêu, còn 14 chỉ tiêu chưa đạt.

 

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Grai. Ảnh: Lê Hòa
Quang cảnh buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Grai. Ảnh: Lê Hòa

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 10,1% (Nghị quyết đề ra là 11%); quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 29 triệu đồng (tăng 1,2 lần so với năm 2015). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 62 tỷ đồng, tăng 1,1 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết; chi ngân sách từ năm 2015 đến hết tháng 4-2018 ước đạt trên 1.329 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Ia Sao, Ia Hrung và Ia Yok; bình quân số tiêu chí nông thôn mới các xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành là 10,1 tiêu chí/xã.

Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, Ia Grai hiện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia, 13/13 trạm y tế xã có bác sĩ và đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm bình quân là  2%. Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện còn 2.710 hộ nghèo (chiếm 10,49%), 2.535 hộ cận nghèo (chiếm 9,82%), số người  được giải quyết việc làm là 4.596 lao động. Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho hơn 300 lao động nông thôn (đạt 60% chỉ tiêu Nghị quyết)…
         
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, huyện Ia Grai tập trung phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11%;  sản lượng lương thực đạt 25.000 tấn; thu ngân sách hàng năm đạt trên 60 tỷ đồng;  thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 34 triệu đồng/năm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 500 người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm... Đến năm 2020, toàn huyện phát triển ổn định khoảng 17.000 ha cà phê, 14.000 ha cao su, 5.000 ha điều. Ngoài ra, quản lý và phát triển bền vững 31.500 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đạt 20,1%. Huyện ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến (chế biến nông sản, thực phẩm) và phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản và phát triển du lịch…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Ia Grai đề nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ địa phương điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ vị trí cũ (thị trấn Ia Kha) sang vị trí mới tại khu vực đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đô thị Pleiku (xã Ia Dêr); xem xét đầu tư nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 664, quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch trên địa bàn…

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc với Thường vụ Huyện ủy Ia Grai. Ảnh: Lê Hòa
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc với Thường vụ Huyện ủy Ia Grai. Ảnh: Lê Hòa

Xử lý dứt điểm các “điểm nóng”

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ia Grai, đặc biệt trong điều kiện giá cả các mặt hàng nông sản liên tục biến động. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản (khai thác cát, đá tại các xã Ia Bá, Ia Hrung), đất đai (Ia Dêr), khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép (xã Ia Khai), vỡ nợ…

Điều này cho thấy, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp xã còn thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, cũng như chậm xử lý vi phạm, chấn chỉnh tình hình.  

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng  Ia Grai là vùng vệ tinh của đô thị Pleiku. Do đó, huyện phải tận dụng các điều kiện thuận lợi từ vị trí địa lý vùng phụ cận kết hợp với khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, khai thác khoáng sản… Song song đó, huyện cũng cần tập trung quản lý trên các lĩnh vực: đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng; tránh để công tác quản lý quy hoạch không theo kịp tốc độ phát triển, nảy sinh các điểm nóng, phát triển tự phát phá vỡ quy hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường phối hợp hỗ trợ địa phương xây dựng quy hoạch cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tại vị trí mới phù hợp, tránh phải mở rộng về sau hoặc gây ô nhiễm môi trường, có tính đến khả năng thu hút đầu tư.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng, huyện Ia Grai điều kiện rất tốt cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu. Trên địa bàn đã có nhiều đơn vị đầu tư lâu năm như: các công ty cao su, thủy điện… Do đó, lãnh đạo địa phương phải năng động, sáng tạo trong việc lãnh đạo, điều hành để đưa Ia Grai phát triển tương xứng với tiềm năng,  phấn đấu hết năm nay hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra. Tập trung xóa nghèo trong hộ người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách; đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng và tài nguyên khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ "tín dụng đen", kéo giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự xã hội . Riêng đầu tư quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phải đảm bảo diện tích tối thiểu từ 50 ha trở lên…

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.