Ưu tiên vốn cho hộ nghèo phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ưu tiên vốn giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế là nhiệm vụ được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Kông Chro, Gia Lai chú trọng trong thời gian qua.

Đồng vốn đến đúng địa chỉ

Đang chăm 5 con bò trong vườn nhà, ông Đinh Ươnh (làng Tpé 1, xã Chơ Long) chia sẻ: “Gia đình mình trước đây thuộc hộ nghèo, đất không có nhiều nên phải đi làm thuê. Vài năm trở lại đây, được Hội Nông dân xã hướng dẫn, mình đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH mua bò về nuôi. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình đã đỡ vất vả hơn nhiều. Hiện mình tiếp tục vay 25 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư nuôi bò”.

 

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động đến Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kông Chro để vay vốn.                                 Ảnh: L.V.N
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động đến Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kông Chro để vay vốn. Ảnh: L.V.N

Ông Đinh Ươnh là một trong rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kông Chro đã mạnh dạn vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Có thể kể ra đây các trường hợp như: gia đình ông Đinh Byen (làng Yama, xã Yang Nam) vay 30 triệu đồng để nuôi bò; gia đình bà Đinh Thị Nhên (làng Hưnl, xã Kông Yang) vay 40 triệu đồng để nuôi bò và trồng mía; gia đình bà Đinh Thị Pher (làng Brưl, xã Chơ Long) vay 40 triệu đồng để nuôi bò và trồng mì, ớt… “Được các đoàn thể của xã và cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn, tôi đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để mua 3 con bò về nuôi. Nhờ được cán bộ thú y hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng định kỳ nên đàn bò phát triển tốt. Vài tháng nữa, tôi có thể bán bò gom tiền trả cho ngân hàng rồi vay tiếp”-ông Đinh Tră (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy) phấn khởi cho hay.

Bà Đinh Thị Luynh-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yang Trung, cho biết: Hội đang nhận ủy thác cho hội viên nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất. Thay vì phải trả ngân hàng theo định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng, Hội thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm giúp chị em có thói quen tiết kiệm hàng tháng. Số tiền tiết kiệm hàng tháng tuy không nhiều nhưng sẽ được chuyển sang trả nợ ngân hàng khi đến kỳ hạn, giảm bớt áp lực cho chị em trong quá trình trả nợ.  “Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang quản lý vốn vay của 273 hộ thuộc các chương trình hỗ trợ vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với tổng số tiền vay trên 8,6 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, chị em yên tâm hơn trong sản xuất và từng bước ổn định cuộc sống”-bà Luynh chia sẻ.

Giúp hộ nghèo tiếp cận vốn vay

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đặng Hoàng Quân-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kông Chro, cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là điểm tựa cho các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Ban đầu, nhiều người còn ngại vay vì sợ không trả nợ nổi. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Phòng Giao dịch và các đoàn thể của xã hướng dẫn, họ đã mạnh dạn vay vốn làm ăn. Năm 2017 và quý I-2018, dư nợ của Phòng Giao dịch đạt gần 200 tỷ đồng với 6.565 lượt hộ vay, trong đó cho vay hộ nghèo hơn 29,7 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hơn 14,6 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo gần 8 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo hơn 5,3 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm hơn 1,4 tỷ đồng… Theo ông Quân, chính quyền các xã, thị trấn đã thực sự quan tâm chỉ đạo việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và chủ động trong việc phân bổ vốn đến cấp thôn; xác nhận đúng đối tượng vay vốn, chỉ đạo lồng ghép chương trình khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn huyện Kông Chro cũng đã phát huy vai trò trong công tác phối hợp, tuyên truyền, giúp người dân sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích. “Đến nay, Phòng Giao dịch đã xây dựng điểm giao dịch kiểu mẫu tại xã Kông Yang theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam. Việc làm này được chính quyền địa phương đánh giá cao. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng ra các xã còn lại. Mô hình điểm giao dịch xã kiểu mẫu nhằm thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi”-ông Quân cho biết.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.