Nông dân Gia Lai "cảnh giác" với chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá chanh dây đang được đẩy lên khá cao, chạm mức 40-42 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người chưa dám xuống giống vì cho rằng đây chỉ là “chiêu” đẩy giá để bán giống khi chuẩn bị bắt đầu vụ mới. Hơn nữa, nhiều người đổ xô trồng mới sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Những ngày này, không khí thu hoạch chanh dây tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) diễn ra khá nhộn nhịp. Bên cạnh đó, nhiều hộ đang tất bật chuẩn bị đất để trồng mới. Đang vận chuyển 5 tạ chanh dây vừa thu hoạch để bán cho thương lái, anh Nguyễn Văn Ban (thôn 5) phấn khởi: “Tranh thủ lúc chanh được giá nên gia đình thu hái sớm. Với giá như hiện nay, mỗi ngày tôi thu về khoảng 2 triệu đồng”.

 

Nhiều gia đình đang rất phấn khởi vì chanh dây được giá nhưng vẫn e ngại chưa dám xuống giống vụ tiếp theo. Ảnh: D.Q
Nhiều gia đình đang rất phấn khởi vì chanh dây được giá nhưng vẫn e ngại chưa dám xuống giống vụ tiếp theo. Ảnh: D.Q

Hiện nay, nhiều hộ ở xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) rất vui mừng vì chanh dây được giá. Bà Lê Thị Dung, một người dân trong xã, cho biết: “Vụ vừa rồi, 1,2 ha chanh dây của gia đình cho năng suất cao, lại được giá nên lãi trên 100 triệu đồng”. Dù chỉ trồng xen canh nhưng 60 gốc chanh dây của bà Lê Thị Giao (cùng xã) cũng thu lãi trên 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giá chanh dây được đẩy lên đột ngột (từ 5-6 ngàn đồng/kg trong tháng 12-2017 lên mức 40-42 ngàn đồng/kg trong tháng 3-2018) thể hiện sự bất ổn của thị trường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo những người có kinh nghiệm thì có khả năng đây chỉ là “chiêu” đẩy giá để bán giống. Vào thời điểm này hàng năm, giá chanh dây đều được đẩy lên cao.

Chính vì vậy, nhiều hộ dù thu lãi lớn từ vụ chanh dây vừa rồi nhưng vẫn e ngại không dám xuống giống cho vụ tiếp theo. Bà Lê Thị Giao khẳng định: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều hộ điêu đứng vì trồng chanh dây một cách ồ ạt. Do đó, mỗi lần xuống giống, tôi đều rất thận trọng. Trên thực tế, chanh dây chỉ cho thu hoạch hơn 1 năm là phải phá bỏ để trồng mới. Hơn nữa, chanh dây là loại cây ưa đất mới, nếu trồng lại trên đất cũ thì dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp. Vì vậy, gia đình đang cân nhắc có nên tiếp tục trồng mới hay không”. Còn theo bà Lê Thị Dung, do giá chanh dây quá bấp bênh nên gia đình bà chỉ trồng xen canh, còn nguồn thu chính vẫn từ cà phê và hồ tiêu.

“Trồng loại cây này hên xui lắm. Thương lái phát giá nào thì mình bán giá đó. Hôm nào nhiều chanh thì giá thấp, hôm nào hiếm thì giá lại đẩy lên cao. Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Thời gian qua, giá hồ tiêu giảm, cây tiêu lại bệnh chết nhiều nên nhiều người trong làng đổ xô trồng chanh dây. Tôi e là ít hôm nữa nguồn cung chanh dây sẽ thừa khiến giá lại xuống thấp”-anh Nguyễn Văn Ban dự đoán.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.