Chư Sê: Tín dụng chính sách tăng trưởng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kết thúc quý I-2018, doanh số cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê đã bằng 53% của cả năm 2017. Nguồn vốn tín dụng được ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đầu tư phát triển sản xuất.

“Bà đỡ” của đồng bào dân tộc thiểu số

Ưu tiên vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và địa bàn đặc biệt khó khăn là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê. Nguồn vốn tín dụng chính sách này đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất của 55% số hộ DTTS trên địa bàn với tỷ trọng dư nợ chiếm 50%/tổng dư nợ toàn huyện. Đặc biệt, hộ nghèo DTTS chiếm tới 84% dư nợ chương trình tín dụng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

 

Ông Huỳnh Tấn Long-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê (ngoài cùng bên trái) trao đổi với gia đình khách hàng Kpă Yăp. Ảnh: S.C
Ông Huỳnh Tấn Long-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê (ngoài cùng bên trái) trao đổi với gia đình khách hàng Kpă Yăp. Ảnh: S.C

Là hộ thoát nghèo trong năm 2016, vợ chồng ông Kpă Yăp (làng Kê, thị trấn Chư Sê) đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư mua thêm 2 con bò sinh sản, nâng tổng đàn bò của gia đình lên 5 con. “Thu nhập của gia đình chỉ trông vào 2 sào lúa, 3 sào cà phê thôi. Nhưng nhờ nuôi bò, gia đình mình có nguồn phân chuồng để chăm sóc cà phê”-ông Yăp cho hay. Cũng nhờ chịu khó làm ăn, tính toán hợp lý, gia đình ông Yăp đã gửi tiết kiệm tại Tổ tiết kiệm và vay vốn của làng được 3 triệu đồng, dùng để dành trả lãi ngân hàng.

“Đa phần thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn trong làng đều chí thú làm ăn. Khi cần vốn để nuôi bò, trồng cà phê, các thành viên đều tìm đến Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện”-ông Siu Hlônh-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Kê, cho biết. Tính đến cuối tháng 3-2018, tổng dư nợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Kê đạt gần 1,5 tỷ đồng/55 hộ vay (đa phần là người DTTS).  Đây cũng là tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả khi không có lãi tồn đọng, không có nợ quá hạn, riêng số dư tiết kiệm đạt bình quân 1 triệu đồng/hộ. Theo ông Hlônh, dư nợ trong tổ tập trung vào các chương trình tín dụng hộ nghèo (1 tỷ đồng), hộ cận nghèo (230 triệu đồng), hộ mới thoát nghèo (220 triệu đồng).

Tăng nguồn vốn, mở rộng đối tượng cho vay

Trong 3 tháng đầu năm 2018, doanh số cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê đạt hơn 45,4 tỷ đồng/1.395 lượt khách hàng, bằng 53% của cả năm 2017. Bên cạnh đó, doanh số thu nợ cũng đạt hơn 28,4 tỷ đồng, bằng 45% của cả năm 2017. Kết quả này cho thấy, hoạt động tín dụng chính sách đã thực sự khởi sắc ngay từ đầu năm.

Theo phân tích của ông Huỳnh Tấn Long-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, nguồn vốn tín dụng năm nay rất dồi dào khi Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã phân bổ cho Phòng Giao dịch 17 tỷ đồng, huyện Chư Sê chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác 1,5 tỷ đồng. Phòng Giao dịch cũng đã tích cực thu hồi nợ quay vòng để tiếp tục cho vay. Đáng chú ý, trong quý I-2018, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được tập trung cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay hơn 32,1 tỷ đồng (chiếm 71% doanh số cho vay trong quý). Số còn lại được phân bổ cho các chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm.   

Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Chư Sê đạt 292,3 tỷ đồng/12.423 hộ dư nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,14%/tổng dư nợ; 97% Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đạt chất lượng tốt, không có tổ yếu kém hoặc trung bình. Để có được kết quả này, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã tích cực tham mưu cho huyện triển khai kế hoạch tín dụng; chủ động phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương, thành viên Ban đại diện triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động; tập trung xử lý nợ đọng cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch xã… “Mục tiêu của chúng tôi là tăng nguồn vốn để mở rộng, nâng mức cho vay các đối tượng chính sách, hỗ trợ khách hàng tái đầu tư sản xuất. Hiện tại, bình quân mức vay là trên 40 triệu đồng/hộ. Hộ vay nào đủ điều kiện, có nhu cầu thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư vốn theo nguyện vọng”-ông Long cho biết. Cũng theo ông Long, một tín hiệu rất phấn khởi cho hoạt động tín dụng chính sách là sự gia tăng tỷ trọng nguồn vốn địa phương ủy thác. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, nguồn vốn này đã đạt 8,5 tỷ đồng, riêng phần huyện đã ủy thác cho đơn vị là 2,6 tỷ đồng.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.