Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi kết thúc dự án, một số hộ dân ở xã Xuân An (thị xã An Khê, Gia Lai) vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện An Khê. Mô hình  này đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ.

Cuối năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án nuôi cá diêu hồng, rô phi, trắm cỏ trong lồng bè trên lòng hồ thủy điện An Khê. Quy mô của dự án là 32 lồng với 4 hộ dân ở xã Xuân An tham gia, tổng kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng (nhân dân đóng góp hơn 123 triệu đồng). Thấy có triển vọng, sau khi kết thúc dự án, hầu hết hộ dân tham gia đều tiếp tục phát triển mô hình này và đầu tư mở rộng thêm quy mô.

 

Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện An Khê. Ảnh: G.H
Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện An Khê. Ảnh: G.H

Ông Nguyễn Văn Mến (thôn 4, xã Xuân An) cho biết: “Ban đầu, khi lấy cá giống ở tỉnh Đak Lak và Bình Định về, do không hợp khí hậu và môi trường nước nên tỷ lệ cá chết rất nhiều. Sau đó, tôi cùng các hộ vào tận miền Tây mua cá bột về ươm, khoảng 2 tháng sau mới thả vào lồng nên tỷ lệ cá sống cao”. Với diện tích 25 m2 mặt nước và sâu 4 m, bình quân mỗi lồng thả được 60-70 kg cá giống. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân từ 500 gram đến 700 gram/con, mỗi lồng thu được khoảng 1,5 tấn cá. Với giá bán 40.000-42.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lồng cũng lời khoảng 15 triệu đồng.

Trên lòng hồ thủy điện An Khê hiện có 5 hộ tham gia nuôi cá lồng với số lượng 100 lồng, chủ yếu là cá diêu hồng. Cá thích nghi điều kiện khí hậu, môi trường nơi đây và phát triển rất nhanh, song điều người nuôi cá quan tâm và trăn trở nhất vẫn là làm sao tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, các hộ nuôi vẫn phải tự liên hệ với thương lái trên địa bàn để tìm đầu ra hoặc hợp đồng vận chuyển đi một số địa phương lân cận để tiêu thụ. Bởi vậy, dù có hiệu quả nhưng các hộ dân không dám mở rộng thêm quy mô nuôi cá. Ông Nguyễn Văn Tèo (thôn 4, xã Xuân An) cho hay: “Nuôi cá lồng ở đây hiệu quả rất tốt.  Nhà tôi nuôi 20 lồng, mỗi  năm cũng thu 200-300 triệu đồng. Nếu đầu ra ổn thì nuôi cá là phù hợp và mang lại lợi nhuận cao”.

Lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện An Khê và hiệu quả mang lại từ mô hình nuôi cá lồng là điều thấy rõ. Vấn đề còn lại vẫn là đầu ra sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Lai-Phó Chủ tịch UBND xã Xuân An, cho biết: Bà con đã có những kênh liên kết, đặc biệt là ở trong tỉnh và mở rộng xuống tỉnh Bình Định. Đây là tín hiệu đáng mừng để việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế thành công. Còn về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ cố gắng phối hợp tìm các đầu ra ổn định cho sản phẩm cá nuôi. Nếu tìm được thì địa phương sẽ có kế hoạch mở rộng mô hình nuôi cá lồng để tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện.

Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.