Nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng nghiêm túc quán triệt, triển khai từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Những kết quả ban đầu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam-Chi nhánh tỉnh là đơn vị chủ trì, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nội dung tái cơ cấu hệ thống gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Thống kê từ NHNN Việt Nam-Chi nhánh tỉnh cho thấy, đến cuối năm 2017, tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 là 3.505,7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ (chiếm 44,7%), ngành nông nghiệp, lâm nghiệp (chiếm 42,5%). Trong đó, nợ xấu có tài sản bảo đảm là 2.087,5 tỷ đồng (chiếm 59,6%), nợ xấu không có tài sản bảo đảm là 1.415,3 tỷ đồng (chiếm 40,4%).

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh lưu ý các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc trong công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay (ảnh minh họa).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh lưu ý các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc trong công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay (ảnh minh họa).

Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thu hồi, xử lý 246,4 tỷ đồng, chiếm 8% tổng số nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Trong đó, khách hàng trả nợ 202 tỷ đồng (chiếm 82%), bán phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ 22,2 tỷ đồng (chiếm 9%), sử dụng dự phòng rủi ro 22 tỷ đồng (chiếm 9%). Một điều đáng lưu ý là cho đến cuối năm 2017, quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vẫn theo quy trình, thủ tục thông thường, chưa có trường hợp nào được áp dụng thủ tục rút gọn theo Nghị quyết số 42. Ở lĩnh vực thi hành án dân sự, có 194 trường hợp phải thi hành án với tổng số tiền 557,8 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã thi hành án là 149 tỷ đồng, số tiền còn phải thi hành án là 408,8 tỷ đồng. Tài sản thi hành án đa số là nhà đất, phương tiện vận tải, hệ thống máy móc thiết bị.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Tại cuộc họp liên ngành giữa NHNN Việt Nam-Chi nhánh tỉnh với các cơ quan tư pháp và các sở, ngành liên quan vào đầu năm 2018, các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42 đã được đề cập. Đầu tiên là vướng mắc trong thu giữ tài sản đảm bảo. Có những trường hợp tài sản không thuộc tài sản bảo đảm nhưng không thể di dời như: tài sản gắn liền với đất, hoặc chủ tài sản bỏ trốn, không chịu di dời đồ dùng sinh hoạt gia đình; chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản trên đất… Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định ai quản lý số tài sản nói trên, quản lý như thế nào để không bị tranh chấp, mất mát hoặc hư hỏng tài sản.

Theo Điều 12 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, trong trường hợp chủ tài sản không tự nguyện ký tên trên hợp đồng chuyển nhượng thì các TCTD được quyền ký hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ quan công chứng, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất đai lại không đồng ý làm thủ tục sang tên cho người được chuyển nhượng nếu hồ sơ chuyển nhượng không có chữ ký của chủ tài sản. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tài sản bảo đảm trên thực tế không đúng với giấy tờ về tài sản bảo đảm hoặc bản án đã tuyên, dẫn đến rất nhiều khó khăn trong quá trình thi hành án.

Cũng tại Điều 8 của Nghị quyết số 42, thủ tục rút gọn tại Tòa án chỉ áp dụng đối với 2 loại tranh chấp, bao gồm tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Trên thực tế hiện nay còn có các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm thường xảy ra. Đơn cử như tranh chấp về giá bán, phương thức bán; tranh chấp có liên quan đến xử lý nợ như: tranh chấp về lãi suất, thời hạn trả nợ nhưng chưa được đề cập trong Nghị quyết số 42. Cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao về quy trình áp dụng thủ tục rút gọn.

Dưới góc độ đơn vị chủ trì thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc NHNN Việt Nam-Chi nhánh tỉnh lưu ý các TCTD cần nghiêm túc trong công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay, định giá tài sản bảo đảm để tránh những trường hợp định giá tài sản không phù hợp với thực tế, dẫn đến việc thi hành án khó khăn. Liên quan đến công tác phối hợp, ông Cư đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có ý kiến với cấp trên về việc hướng dẫn xử lý đối với tài sản ngoài bảo đảm trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; đồng thời, hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục rút gọn theo Nghị quyết số 42.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.