Mùa mía đắng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1.500 ha mía của nông dân huyện Phú Thiện đang đến kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai vì Nhà máy Đường Ayun Pa từ chối không xếp lịch thua mua. Tương ứng với đó là hàng trăm hộ nông dân trồng mía đang chới với vì sản phẩm do họ làm ra trị giá hàng chục tỉ đồng có nguy cơ phải đốt bỏ, gây lãng phí của cải xã hội…
Hơn 1.500 ha mía không ai mua
Hơn 1 tháng qua, vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường Ayun Pa ở các huyện Đông Nam tỉnh Gia Lai nóng hầm hập không chỉ vì thông tin mía cháy dồn dập trên 200 ha mà còn vì lòng người trồng mía đang sốt ruột vì hơn nghìn ha mía đến kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai. Đây là diện tích mía của các hộ nông dân trồng tự phát mà không nhận đầu tư, không ký hợp đồng bán mía cho Nhà máy Đường Ayun Pa. Bao nhiêu hy vọng, trông đợi và dự tính của người nông dân dựa vào vụ thu hoạch mía đang trở thành nỗi thất vọng tràn trề. 
 Mía cháy liên tục khiến nông dân sốt ruột. Ảnh: Đ.P
Mía cháy liên tục khiến nông dân sốt ruột. Ảnh: Đ.P
Nông dân Nguyễn Văn Long (52 tuổi, thôn Bình Trang A, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đứng chôn chân bất lực giữa ruộng mía 7 sào cháy khô đã 5 ngày mà không biết bán cho ai. Ruộng mía sạm đen khô rốp muội than. Thân mía trọc lóc chỉa thẳng lên trời như rừng mũi giáo ai oán giũa trời nắng gắt. “Khoảng 21 giờ đêm mồng 9 Tết (24-2) thì mía trên cánh đồng Thanh Trang bùng cháy. Cả làng chạy ra đến nơi ra sức dập lửa đến 1 giờ sáng hôm sau khi lửa tắt thì đã cháy mất 4 ha mía của nhà tôi và ông Lê Văn Đỉnh người cùng thôn. Nhà máy đường Ayun Pa từ chối không chịu mua vì mía tôi trồng tự phát, không nhận đầu tư của nhà máy và không có hợp đồng bán mía cho Nhà máy. Mía cháy đã 5 ngày rồi phơi trên ruộng dưới trời nắng khô rốp càng giảm sản lượng. Bao nhiêu tiền của đầu tư đổ dồn vào đấy mà không biết bán cho ai.”-ông Long chua xót nói.
Cách đó khoảng 1 cây số, ông Lê Văn Đỉnh ở cùng thôn với ông Long cũng đang cho người chặt 3,3 ha mía bị cháy từ đêm mông 9 Tết. “Mía không nhận đầu tư, không có hợp đồng thu mua với Nhà máy Đường Ayun Pa nên họ không chụi mua. Giờ mía bị cháy, bị tư thương ép giá xuống còn 300.000 đồng/tấn nhưng công chặt đã mất 210.000 đồng/tấn. Tính ra cả ruộng mía nhà tôi mùa này lỗ mất hơn 150 triệu đồng. Chặt bán cũng lỗ nặng mà không chặt dọn ruộng mía thì lấy đất đâu để trồng trọt cho vụ mùa tới.”-ông Đỉnh cay đắng cho hay.
Ông Mai Ngọc Quý-Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho hay, vụ mía 2017-2018, toàn huyện có khoảng 1.500 ha mía do nông dân trồng tự phát, không có hợp đồng nhận đầu tư và hợp đồng thu mua với Nhà máy Đường Ayun Pa nên không được Nhà máy xếp lịch thu hoạch. Trong đó, có một lượng lớn mía của các hộ dân năm ngoái có hợp đồng nhận đầu tư của Nhà máy Đường Ayun Pa nhưng nông dân không tuân thủ hợp đồng mà “xé rào” bán mía ra ngoài nên bị Nhà máy cự tuyệt, từ chối ký hợp đồng đầu tư, thu mua trong năm nay. Xã Ia Sol có lượng mía do dân trồng tự phát nhiều nhất, khoảng 500 ha, không được Nhà máy đường xếp lịch thu mua.
Lãng phí của cải xã hội
Mấy năm gần đây giá đường thành phẩm bán ra cao, các Nhà máy đường có lãi lớn nên tranh giành mua nguyên liệu của nhau gây nên “cuộc chiến nguyên liệu mía”. Còn người nông dân trồng mía bị thúc ép bởi lịch chặt mía chậm trễ của nhà máy và “cơn bão” mía cháy dồn dập trong mấy vụ mía gần đây buộc họ phải đơn phương phá bỏ hợp đồng để bán nhanh ruộng mía của mình nhằm tránh thiệt hại vì mía cháy đã chọc thủng nồi cơm của họ. 
 Nông dân Nguyễn Văn Long (52 tuổi, thôn Bình Trang A, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) buồn bã giữa rộng mía của mình bị cháy mà không biết bán cho ai. Ảnh: Đ.P
Nông dân Nguyễn Văn Long (52 tuổi, thôn Bình Trang A, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) buồn bã giữa rộng mía của mình bị cháy mà không biết bán cho ai. Ảnh: Đ.P
Còn năm nay, giá đường thành phẩm bán ra thấp, các nhà máy đường giảm lợi nhuận, dẫn tới giá mía nguyên liệu mua vào thấp (khoảng 800.000 đồng/tấn loại mía 10 chữ đường). Mặt khác, năm nay mưa thuận gió hòa cây mía phát triển tốt, năng suất mía tăng cao lên trung bình 70 tấn/ha (cao hơn năm trước gần 5 tấn/ha). Cùng với việc diện tích trồng mía tăng mạnh nên sản lượng mía nguyên liệu dồi dào, các Nhà máy Đường không mặn mà với nông dân trồng mía. Thậm chí, đối với những hộ trồng tự phát, không nhận đầu tư, không ký hợp đồng thu mua, nhất là những hộ năm ngoái “trót dại” phá vỡ hợp đồng đầu tư với Nhà máy Đường Ayun Pa (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai) mà bán mía ra ngoài thì năm nay “Họ phải tự chịu trách nhiệm lấy mía của mình, Công ty cương quyết không thu mua mía của họ mà họ bán được đi đâu thì bán”-bà Vũ Thị Lan-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai khẳng định.
Đành rằng trong cơ chế thị trường, phải đảm bảo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”, cạnh tranh lành mạnh. Người nông dân muốn sản xuất bền vững thì phải gắn kết với nhà máy để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Muốn thế thì các bên phải tôn trọng nhau và tuyệt đối tuân thủ hợp đồng đã ký, vì lợi ích chung, lâu dài của cả phía nhà máy và nông dân. 
Trong câu chuyện hơn khoảng 1.500 ha mía của nông dân huyện Phú Thiện đang đến kỳ thu hoạch mà Nhà máy Đường Ayun Pa không mua và nông dân không biết bán cho ai, trước hết có lỗi từ phía người nông dân sản xuất tự phát mà không có hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Nhưng nhìn vào sâu xa thì dường như phía doanh nghiệp cũng có phần tàn nhẫn khi bỏ rơi người nông dân tự bơi một mình. Bởi nhiều nông dân đã hơn chục năm nay gắn bó với cây mía, gắn bó với nhà máy đường, giờ ngành mía đường lâm vào khó khăn chung bởi ảnh  hưởng của lượng đường nhập khẩu giá rẻ nên giảm lợi nhuận thì quay lưng lại với nông dân trồng mía.
Xét ở góc độ giá trị kinh tế thì 1.500 ha mía của nông dân Phú Thiện tương ứng với khoảng 84 tỷ đồng (1 ha đạt năng suất bình quân 70 tấn, tương ứng 56 triệu đồng). Đây là một lượng tài sản lớn của nông dân làm ra cho xã hội nhưng đang có nguy cơ phải đốt bỏ một cách lãng phí vì không biết tiêu thụ ở đâu?
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.