Khôi phục rừng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc quy hoạch ổn định 3 loại rừng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được coi là cơ sở quan trọng để triển khai các giải pháp khôi phục rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và hoàn thành mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 47% vào năm 2025. Đây còn là cơ sở để đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho người dân và cộng đồng nhằm cải thiện đời sống đồng bào gần rừng thông qua chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng.

Kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 4-2-2008 của UBND tỉnh cho thấy, trong số 1.553.693 ha đất tự nhiên toàn tỉnh có 871.645,6 ha đất quy hoạch lâm nghiệp (trong đó đất có rừng trên 719.314 ha và chưa có rừng 152.331 ha). Toàn tỉnh có 57.736,7 ha rừng đặc dụng, 154.450 ha rừng phòng hộ và 659.458 ha rừng sản xuất. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và người dân nên công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan.

 

Một khoảnh rừng ở huyện Kbang bị người dân xâm lấn. Ảnh: internet
Một khoảnh rừng ở huyện Kbang bị người dân xâm lấn. Ảnh: internet

Tuy nhiên, tình trạng xâm hại rừng vẫn còn xảy ra. Từ năm 2011 đến 2016, lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 6.823 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, khởi tố 134 vụ, tịch thu trên 15.971 m3 gỗ các loại, thu 133,46 tỷ đồng tiền phạt và bán lâm sản; ngăn chặn 364 vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích rừng thiệt hại 429,7 ha.

Theo kết quả rà soát diện tích đất có rừng được thực hiện vào năm 2016, so với năm 2008, toàn tỉnh giảm hơn 16.989 ha rừng, trong đó rừng trồng giảm hơn 6.906 ha, rừng tự nhiên giảm 10.082 ha. Nguyên nhân là do chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp qua đất nông nghiệp, cụ thể là diện tích rừng chuyển đổi qua trồng cao su (8.094,87 ha) và do sai lệch hiện trạng, nhầm lẫn trong thống kê số liệu, kiểm kê… Thực tiễn đó đòi hỏi cần có sự điều chỉnh để phù hợp với quy chế quản lý rừng hiện hành, đồng thời tăng quỹ đất để thực hiện kế hoạch phát triển rừng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dự báo đến năm 2025, dân số của tỉnh sẽ tăng lên gần 1.568.000 người. Ngoài tăng dân số thì quá trình đô thị hóa cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới quy hoạch diện tích đất. Bởi vậy, hoàn thành mục tiêu nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh lên 47% vào năm 2025, giữ vững môi trường sinh thái, đồng thời giải quyết tốt áp lực nhu cầu đất ở và sản xuất của người dân trước áp lực gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa là yêu cầu đặt ra cho việc quy hoạch rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 741.253 ha rừng, chiếm 47,8% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng phòng hộ là 144.507 ha (chiếm 19,5%), rừng đặc dụng 59.201 ha (chiếm 8%) và rừng sản xuất 537.545 ha (chiếm 72,5%). So với trước rà soát, điều chỉnh, diện tích quy hoạch 3 loại rừng lần này giảm 95.458 ha. Trong đó, rừng phòng hộ giảm 6.824 ha, rừng sản xuất giảm 90.383 ha và rừng đặc dụng tăng 1.749 ha. Đồng thời, theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh vẫn sẽ giữ nguyên tổng diện tích 3 loại rừng là 741.253 ha. Tuy nhiên, cơ cấu các loại rừng sẽ có sự thay đổi. Cụ thể, diện tích rừng phòng hộ sẽ là 143.398 ha, rừng đặc dụng 85.221 ha và rừng sản xuất 512.633 ha. Việc mở rộng thêm diện tích rừng đặc dụng sẽ đảm bảo vùng sinh thái đủ rộng cho các loài thú sinh tồn và tăng tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái đặc trưng, hướng tới xây dựng vùng trung tâm cho khu dự trữ sinh quyển thế giới…

Phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch 3 loại rừng được tổ chức mới đây, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhấn mạnh: “Trên nền tảng quy hoạch 3 loại rừng đã ổn định, tất cả diện tích rừng và đất rừng đều phải có chủ. Do đó, các địa phương cần lập phương án khoán quản lý bảo vệ rừng đối với rừng phòng hộ; giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng đối với rừng sản xuất cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sản xuất lâm nghiệp. Qua đó thúc đẩy kinh tế nghề rừng phát triển, giúp người dân sống gần rừng có thu nhập từ rừng, giảm sức ép dân số đối với các diện tích rừng còn lại, tạo điều kiện bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.