Tạo đột phá về xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù tăng trưởng khả quan qua từng năm song hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, năm 2018, tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp với kỳ vọng tạo sự đột phá về lĩnh vực này.

Theo báo cáo của Sở Công thương, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2011 đạt 347,6 triệu USD, năm 2016 đạt 400 triệu USD và năm 2017 đạt 450 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là nông sản như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ... đã có mặt trên thị trường của gần 40 quốc gia. Đặc biệt, một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình trên 300 triệu USD/năm.

 

Nâng cao chất lượng nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: H.D
Nâng cao chất lượng nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: H.D

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế bắt nguồn từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. “Doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ, tiềm lực khoa học công nghệ vẫn còn thiếu và yếu nên khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế còn chậm. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp còn thấp và thiếu ổn định. Tuy tỉnh ta có nguồn nông sản dồi dào nhưng doanh nghiệp chưa đủ mạnh để làm chủ thị trường. Các đơn vị trong tỉnh chỉ xuất khẩu bình quân gần 50% sản lượng nông sản sản xuất hàng năm, phần còn lại là do các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua”-ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý Xuất-nhập khẩu và Thương mại điện tử (Sở Công thương) nhận định.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh chậm thay đổi, mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là nông sản, khả năng cạnh tranh về chất lượng còn thấp, thiếu bền vững. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản chưa chú trọng đến khâu chế biến sâu sau thu hoạch, chỉ xuất thô nên giá cả và chất lượng không thể cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của nước ngoài. Hiện tỉnh ta cũng chưa có nhiều nhà máy chế biến sâu cà phê, cao su ra thành phẩm để xuất khẩu. Vì vậy, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp của tỉnh sẽ khó mở rộng thị trường xuất khẩu.

Dự báo năm 2018, giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng chủ lực như: cà phê, mì lát, tiêu hạt, cao su… tương đương năm 2017. Thời điểm này, giá thu mua cà phê, tiêu hạt trên thị trường nội địa tuy có giảm nhưng ở mức tương đối cao so với những năm gần đây, giá cao su hồi phục ở mức khá. Một tín hiệu khả quan nữa là giá xuất khẩu mì lát có dấu hiệu tăng do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao. Nguyên nhân do chính quyền nước này cho phép các nhà máy chế biến cồn hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng để khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường.

Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 470 triệu USD trong năm 2018, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu. “Đối với cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Triển khai có hiệu quả chương trình thương hiệu quốc gia, hướng dẫn doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của tỉnh, đặc biệt là hàng xuất khẩu. Khuyến khích tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm đạt các giải thưởng trong tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế”-ông Lực cho biết.

Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu thông qua hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kỹ thuật canh tác cây trồng; đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu nhằm tăng giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu. Đồng thời thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ cao su, cà phê, hồ tiêu… để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thời cơ, tập trung đổi mới công nghệ, tăng cường hợp tác và liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tổ chức mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng chú trọng chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trong nước và quốc tế để đảm bảo uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Chủ động tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, tránh lệ thuộc vào các thị trường truyền thống để giảm thiểu rủi ro.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.