Phú Thiện: Nông dân điêu đứng vì hợp đồng trồng gừng sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng chục hộ nông dân ở huyện Phú Thiện, Gia Lai đang điêu đứng sau khi công ty mà họ ký hợp đồng trồng gừng sạch đột ngột biến mất.

Chiếc bánh vẽ siêu lợi nhuận

Cách đây 1 năm, gia đình ông Hoàng Duy Hoàn (thôn Yên Phú 2, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam (trụ sở tại số 27 Phan Đăng Lưu, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak).

 

Ông Phùng Tất Thắng (bên trái) có nguy cơ mất trắng hơn 300 triệu đồng đã đầu tư vào trồng 10 ngàn bầu gừng. Ảnh: T.L
Ông Phùng Tất Thắng (bên trái) có nguy cơ mất trắng hơn 300 triệu đồng đã đầu tư vào trồng 10 ngàn bầu gừng. Ảnh: T.L

Theo các điều khoản hợp đồng, Công ty cung ứng giống và vật tư nông nghiệp cho gia đình ông Hoàn và chỉ thu trước 50% kinh phí. Doanh nghiệp cam kết năng suất giống gừng này đạt tối thiểu 2,5 kg/bầu và thu mua sản phẩm với giá 18 ngàn đồng/kg. Tin tưởng vào hợp đồng với Công ty, ông Hoàn nhận mua 15 ngàn bầu gừng giống và vật tư rồi được hướng dẫn đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng làm hệ thống giàn che nắng, béc tưới nước tự động, mua phân bón… Sau khi ông Hoàn chuyển hơn 50 triệu đồng như cam kết thì doanh nghiệp này đột ngột biến mất, bỏ mặc ông Hoàn loay hoay với gần 20 tấn gừng đã thu được hơn 1 tháng đang có dấu hiệu thối rữa.

Cùng thôn với ông Hoàn, anh Nguyễn Xuân Sử cũng đầu tư gần 200 triệu đồng trồng 5 ngàn bầu gừng sau khi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam. Khi doanh nghiệp này biến mất, toàn bộ số gừng cũng chết thối khiến anh Sử lâm vào cảnh mất trắng tiền đầu tư. Khoản nợ 70 triệu đồng vay của ngân hàng để đầu tư không biết khi nào trả được.

Hợp đồng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam ký kết với hàng chục hộ dân ở huyện Phú Thiện có nhiều điều khoản như: cho nợ 50% tiền đầu tư, cam kết bao tiêu sản phẩm giá cao hơn thị trường, hỗ trợ kỹ thuật… Đây là những điểm tương đồng với cách thức mà các “doanh nghiệp ma” đã lừa nông dân trồng bí đao, chanh dây gần đây. Tuy nhiên, cách thức tiếp cận của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam tại Phú Thiện bài bản hơn rất nhiều.

Ông Phùng Tất Thắng-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện (thị trấn Phú Thiện), cho biết: Mặc dù biết điều này nhưng với cách thức tổ chức hội thảo có mặt nhiều lãnh đạo các xã trong huyện, cùng sự hứa hẹn về lợi nhuận “khủng” đã khiến nông dân chủ quan đối với hàng loạt yếu tố không tưởng về sản lượng, giá cả thu mua trong hợp đồng. Ngay cả khi hợp đồng yêu cầu nông dân chuyển khoản thẳng vào tài khoản của cá nhân ông Lê Văn Lưỡng-Tổng Giám đốc Công ty thì họ cũng không hề nghi ngờ. Bản thân ông cũng có nguy cơ mất trắng 300 triệu đồng đã đầu tư vào 10 ngàn bầu gừng trồng theo hợp đồng với công ty này.

Chân dung “doanh nghiệp ma”

Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đak Lak. Thế nhưng trong thực tế, công ty này không hề tồn tại ở địa chỉ đã đăng ký là 27 Phan Đăng Lưu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak. Hiện nay, chi nhánh công ty này tại Gia Lai cũng đã tuyên bố giải thể. Trong khi đó, 5 chi nhánh khác của công ty này tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An, Nam Định vẫn đang hoạt động.

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 20 hộ dân ký hợp đồng liên kết trồng gừng với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam. Giữa năm 2017, nắm được tình hình, UBND huyện đã tổ chức 1 buổi làm việc và yêu cầu công ty thực hiện đúng cam kết với nông dân địa phương. Thế nhưng, đến nay, toàn bộ nhân sự của công ty này đều không liên lạc được. Ông Quý cho biết thêm, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn kịp thời khuyến cáo bà con nông dân không nên trực tiếp ký hợp đồng với các công ty cung cấp các loại giống cây trồng.

Hiện nay, chưa có thống kê số nông dân trên địa bàn tỉnh là nạn nhân của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản sạch Việt Nam. Thế nhưng, việc tổ chức hội thảo với sự tham gia của nông dân khắp các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh, dự đoán số nạn nhân có thể lên tới hàng trăm hộ. Cùng với mức đầu tư hàng trăm triệu đồng/hộ thì thiệt hại công ty này gây ra đối với nông dân là không hề nhỏ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ vụ việc, đồng thời ngăn chặn “doanh nghiệp ma” tiếp tục lừa nông dân.

Nông dân cần thận trọng

Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Đây không phải lần đầu tiên nông dân trong tỉnh bị mắc bẫy lừa của “doanh nghiệp ma”. Sau mỗi vụ việc, ngành chức năng đều tổ chức đoàn công tác về các địa phương kiểm tra, đồng thời khuyến cáo người dân.

Ông Uyển khuyến cáo nông dân không nên mở rộng ồ ạt diện tích những cây trồng chưa được quy hoạch là cây nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đối với những cơ hội liên kết sản xuất cây trồng có trong quy hoạch, nông dân nên nghiên cứu kỹ năng lực tài chính, thẩm định thông tin doanh nghiệp. Nếu có ý định ký hợp đồng liên kết sản xuất thì bà con cần thông qua hợp tác xã nông nghiệp hoặc có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương.

Thảo Lăng

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.