Nhà vườn phấn khởi vì hoa đẹp, giá cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ 20 tháng Chạp, các nhà vườn trồng cúc chậu ở phường Thắng Lợi, xã Trà Đa, An Phú (TP. Pleiku) đã tấp nập người mua kẻ bán. Tết này, người trồng hoa nơi đây rất hân hoan vì cúc chậu bán nhanh và được giá.

Theo thống kê của UBND phường Thắng Lợi, trên địa bàn phường có 46 hộ trồng hoa cúc chậu, cây cảnh bán Tết với tổng cộng hơn 11.000 chậu cúc và 27.000 m2 trồng cây cảnh các loại. Trồng hoa cúc bán Tết từ lâu đã thành nghề kiếm sống của nhiều gia đình trong phường. Riêng trồng cúc chậu chưng Tết tập trung nhiều nhất  tại tổ dân phố 3 và 4.

 

Đưa hoa từ vườn lên xe để chở đi bán. Ảnh: L.H
Đưa hoa từ vườn lên xe để chở đi bán. Ảnh: L.H

Vừa tưới nước cho hoa, anh Bùi Văn Đài (tổ dân phố 4, phường Thắng Lợi) vừa giục người nhà chuẩn bị để đưa cúc lên xe giúp người mua. Kể từ 20 tháng Chạp, người mua hoa sau khi thống nhất giá  với nhà vườn đã bắt đầu cho xe bốc cúc chậu chở đi bán. “Hoa bán cho người ta rồi nhưng mình vẫn phải chăm vì cúc ưa nhiệt nhưng thiếu nước sẽ mau héo, xuống sắc. Mà hoa Tết thì không thể xuề xòa được”-anh Đài lý giải.

Cũng theo anh Đài, đây đã là năm thứ 10 gia đình anh gắn bó với nghề trồng cúc chậu bán Tết. Năm nay, gia đình anh trồng 400 chậu cúc pha lê, chia đều theo các kích cỡ chậu: chậu nhỏ, chậu trung và chậu đại. “Chừng ấy năm làm nghề, tôi chưa thấy năm nào cúc đẹp như năm nay. Thương lái mua sỉ giá dao động 200-350 ngàn đồng/chậu tùy kích cỡ, độ đẹp. Tính ra, tôi thu được 80 triệu đồng từ số cúc này, trừ chi phí còn lãi phân nửa. Như vậy coi như trúng rồi”-anh Đài cười xòa.

Cách đấy không xa, chị Đoàn Thị Thao (tổ dân phố 4, phường Thắng Lợi) cũng đang tỉa lá cho đám cúc Tết dù đã bán cho khách. “Cuối tháng 10, đầu tháng 11 Âm lịch là khách mối đã tìm đến đặt mua hết cúc chậu nhà tôi. Thời tiết năm nay đầu vụ rất đẹp nhưng gần về cuối năm trời trở rét nên một số chậu phát bệnh nấm cóc ở lớp lá non. Dù phun thuốc trị ngay nhưng một lứa lá bị đốm, ít nhiều làm cúc mất giá. Nhưng cúc khỏe nên nhiều nụ và mập mạp, cánh hoa dày dặn, sắc hoa tươi và chắc nên khách vẫn mua hết, thậm chí “cháy hàng” phải qua nhà vườn khác. Vụ hoa này, tôi bán 750 chậu được 100 triệu đồng,  trừ chi phí lãi tầm 50 triệu đồng”-chị Thao chia sẻ. Nhờ số tiền bán hoa cúc sớm, chị Thao mua sẵn vỏ trấu, vỏ cà phê khô và phân chuồng, đất sạch để ủ chuẩn bị cho mùa trồng hoa tiếp theo.

Cũng tất bật bốc hoa lên ô tô cho khách, anh Nguyễn Văn Hồng (tổ dân phố 3, phường Thắng Lợi) không giấu được niềm vui vì hoa được mùa, được giá. “5 năm trồng cúc thì đây là vụ thuận lợi nhất. Vụ cúc này đem lại cho vợ chồng tôi khoảng 60 triệu đồng tiền lãi, có thể lo một cái Tết đầy đủ hơn cho con cái và có vốn đầu tư cho sang năm”-anh Hồng chia sẻ.

Với những người buôn hoa Tết ở Gia Lai, khu vực trồng cúc chậu tại tổ dân phố 3 và 4 (phường Thắng Lợi) đã trở thành địa chỉ quen thuộc mỗi khi Tết về. “Tôi nhập hoa đưa về huyện Đak Đoa và Mang Yang để bán. Năm trước buôn hoa Tết bị lỗ khá đậm nhưng năm nay tôi vẫn làm tiếp vì quen nghề rồi, Tết đến thấy hoa ngợp trời nên đứng ngồi không yên. Khách mua đa phần là ở các cơ quan, doanh nghiệp… So với mọi năm, giá có tăng lên một chút do đầu vào và chi phí vận chuyển tăng lên”-anh Nguyễn Phi Hoàng (trú tại tổ dân phố 5, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay.

…Một vụ cúc Tết đẹp, mua bán nhanh lại được giá đem lại niềm vui không nhỏ cho những gia đình làm nghề trồng hoa tại TP. Pleiku. Cái Tết của gia đình họ năm nay sẽ tươm tất, đủ đầy hơn. Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, chia sẻ: “Vụ cúc Tết năm nay thắng lợi nên bà con trồng hoa rất phấn khởi. Hộ trồng nhiều thu lãi hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi khuyến khích bà con phát triển sản xuất để tăng thu nhập và làm giàu”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.