Liên kết vùng trong phát triển kinh tế Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng) dân số gần 6 triệu người, diện tích tự nhiên 54.470 km2, bằng 1/6 diện tích cả nước. Tây Nguyên có đường biên giới dài hơn 600 km giáp Lào, Campuchia, là vùng có vị trí địa lý, môi trường sinh thái, dân cư, văn hóa, trình độ sản xuất đặc thù.

Vùng đất này là căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Sau ngày nước nhà thống nhất, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mọi mặt ở Tây Nguyên. Thế nhưng, đến nay khu vực Tây Nguyên nhìn chung vẫn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao.

 

Thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng là tỉnh đầu tàu kinh tế, phát triển khá toàn diện, từ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. GRDP bình quân đầu người của Lâm Đồng năm 2017 đạt 54,2 triệu đồng (cao hơn mức bình quân cả nước); tổng thu ngân sách hơn 6 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 552 triệu USD, tăng 22,7% so với năm 2016. Khách du lịch đến Lâm Đồng trong năm 2017 là 5,9 triệu lượt. Kế đến, Đak Lak cũng có nhiều điểm sáng về kinh tế. Năm 2017, tổng thu ngân sách của Đak Lak đạt trên 4.679 tỷ đồng; nhiều dự án lớn đăng ký đầu tư như: dự án điện năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình với nguồn vốn dự kiến 52.985 tỷ đồng; Tập đoàn AES-Hoa Kỳ đăng ký vốn đầu tư khoảng 750 triệu USD... Các tỉnh còn lại gồm Gia Lai, Đak Nông, Kon Tum các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp, thu nhập bình quân đầu người kém xa mức bình quân chung cả nước 2.385 USD/người/năm 2017.

Kinh tế các tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm còn rất thấp (trừ Lâm Đồng). Sau hơn 40 năm tác động mạnh đến rừng và đất rừng, hiện nay tài nguyên khu vực này đã cạn kiệt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: hạn hán, khan hiếm nguồn nước, sa mạc hóa, lũ lụt... Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình kinh tế, hạn chế, khắc phục khó khăn thách thức, phát huy tiềm năng lợi thế của vùng cần được quan tâm và quyết liệt thực hiện.

Trong đề dẫn tại Hội thảo khoa học phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên “Tiềm năng và những vấn đề”, diễn ra tại TP. Pleiku tháng 11-2017, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy-Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên đánh giá: “Về những điểm nghẽn gây nên trình trạng Tây Nguyên vẫn là một vùng nghèo, sự phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp quy mô nhỏ, truyền thống và phụ thuộc vào tự nhiên là nghẽn về cơ chế chính sách, nghẽn về khoa học công nghệ, nghẽn về nghiên cứu, ứng dụng và khai thác tài nguyên văn hóa”.

Tiến sĩ Tạ Quang Bửu (Trường Đại học Thương mại) nhìn nhận: Trong xu thế phát triển hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên cần liên kết với nhau (liên kết nội vùng), liên kết bên ngoài và liên kết quốc tế. Thực tế cho thấy sự phát triển ở các địa phương Tây Nguyên vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Có lúc còn cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư bằng cách “phá rào”, ưu đãi lớn, gây tổn thất chung. Tây Nguyên cần thực hiện một số giải pháp liên kết vùng để phát triển như liên kết hạ tầng giao thông và sản xuất; xây dựng chiến lược phát triển du lịch chung của vùng trên cơ sở liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành và phát triển giá trị các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng như cà phê, hồ tiêu, cao su, quan tâm chế biến sâu có giá trị gia tăng và chất lượng cao. Với lợi thế 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp và 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp, điều kiện tự nhiên đa dạng phong phú, nhiều tiểu vùng khí hậu là tiền đề để các tỉnh Tây Nguyên phát triển ngành nông nghiệp đa dạng, phong phú, ứng dụng công nghệ cao để có lợi thế cạnh tranh.

Ngoài liên kết nội vùng, Tây Nguyên còn có sự liên kết với các tỉnh Nam Trung bộ, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, đồng thời liên kết quốc tế trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Một số tỉnh Tây Nguyên đã chủ động liên kết với một số trường đại học trong nước, liên kết với từng quốc gia có thế mạnh đặc thù làm “bà đỡ” cho phát triển kinh tế-xã hội của mỗi tỉnh.

 

Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 19. Ảnh: Đ.T
Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 19. Ảnh: Đ.T

Gia Lai là tỉnh Bắc Tây Nguyên, nằm xa các trung tâm kinh tế của cả nước. Là một tỉnh phát triển trung bình ở Tây Nguyên, vì thế nguy cơ tụt hậu trong phát triển của tỉnh đang ngày càng rõ nét, thể hiện ở mức bội chi ngân sách hàng năm cao, thu ngân sách thấp so với tỉnh tương đồng. Những năm qua, các tỉnh Duyên hải miền Trung phát triển mạnh mẽ, Lâm Đồng phát triển rực rỡ, ngay như tỉnh biên giới Ratanakiri (Campuchia) cũng khởi sắc nhanh chóng thì kinh tế-xã hội Gia Lai vẫn chỉ tiến những bước đi chậm chạp. Vì thế, thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện, liên kết vùng, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại là hết sức cấp thiết.

Năm 2018, Gia Lai có nhiều dấu hiệu khả quan trong phát triển kinh tế với hàng loạt dự án chuẩn bị đầu tư, đưa vào vận hành, như: dự án nâng cấp quốc lộ 19 từ Quy Nhơn đi Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; dự án thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) đang ở giai đoạn cuối, tích nước lòng hồ; nhà máy chế biến cồn ở Krông Pa; nhà máy chế biến rau quả ở huyện Mang Yang, các dự án điện mặt trời... Đặc biệt, ngành du lịch-một dạng tiềm năng thường được nhắc tới, song ít được quan tâm trong thời gian trước, đã có những bước khởi sắc đáng kể năm 2017, được đầu tư mạnh trong năm 2018. Ngành kinh tế nông-lâm nghiệp, nhất là kinh tế rừng đã có bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy cấp vĩ mô, với kết quả trồng rừng hơn 6.500 ha trong năm 2017 và mục tiêu 7.000 ha của năm 2018. Những chuyển động đúng hướng trong phát triển kinh tế Gia Lai năm 2017 làm tiền đề cho những năm tiếp theo là tín hiệu rất đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, để kinh tế Gia Lai có những bước đột phá, phát triển bền vững trong thời gian dài, phát huy thế mạnh của vùng, rất cần sự quảng bá mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là mở rộng liên kết nội vùng, liên vùng và liên kết quốc tế. Khát vọng xây dựng các nhà máy chế biến nông-lâm sản trong chuỗi liên kết vùng và gia tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật trong từng sản phẩm nông nghiệp chưa như kỳ vọng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và khách du lịch quốc tế là 2 mặt yếu kém cần sớm khắc phục để kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.