Chợ Đak Đoa đìu hiu ngày cận Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã là ngày 28 Tết mà chợ Đak Đoa, huyện (Đak Đoa) vẫn thưa thớt người đi mua sắm, trái ngược với cảnh mua bán tấp nập thời điểm này của những năm về trước, đã gần Tết mà chợ  khá yên lặng.

Hàng Tết bày ra chỉ để ngắm

Những ngày cận kề Tết của những năm trước chợ huyện Đak Đoa là nơi có lượng người mua bán tấp nập vì hàng hóa tập trung nhiều và phân phối xuống các xã trong huyện và cả huyện Mang Yang nhưng Tết năm nay, đến thời điểm chỉ còn hơn 2 ngày nữa là đến Tết mà hàng bán trong chợ vẫn “đắp chiếu” chờ người mua. Nhiều tiểu thương tại chợ “than vãn, đứng ngồi không yên” vì đã giáp Tết mà không có người mua hàng.

Tạp hóa bán đồ trang trí không một bóng người. ảnh: Trần Trung Kỳ
Tạp hóa bán đồ trang trí không một bóng người. Ảnh: Trần Trung Kỳ



Tôi bán hàng ở đây đã lâu, từ khi chợ cũ chuyển xuống đây chưa năm nào lại ít người đi mua sắm hàng Tết như năm nay; mọi năm vào thời điểm này thì không có lối đi, trước tạp hóa của tôi không có chổ để xe, chợ đông đúc không tài nào mà chen nổi nhưng năm nay thì lượng người mua sắm giảm rõ rệt”-chị Loan, chủ tạp hóa Loan Đan cho biết.

Chị Hương, bán trái cây trong chợ nói trong thất vọng: “Năm nay gia đình tôi đã thuê người ở dưới quê lên bán hàng, thuê sẵn người chở hàng tránh trường hợp như năm ngoái hàng không kịp bán nhưng thực tế từ ngoài 23 tháng Chạp đến giờ số lượng trái cây bán ra rất ít, từ sáng đến giờ đã hơn 12 giờ trưa mà mới bán được hơn 10 kg trái cây các loại; thực tế không phải chỉ có hàng trái cây mà tôi thấy hàng nào cũng ế, hàng hóa bày ra nhiều nhưng người bán còn nhiều hơn người mua”.

Cửa hàng Minh Điều, một trong những đại lý bán nhiều đồ thờ cúng như: Đèn thờ, bông cây hoa nhựa, đồ trang trí, đến hôm nay vẫn lác đác người đến mua. Ông Điều, chủ tạp hóa than thở: “Tết nhất gì mà hàng hóa bán chán thật, mọi năm vào những ngày này thì tôi phải huy động cả nhà ra để bán hàng mà vẫn không kịp. giá cả so với năm ngoái có tăng gì đáng kể đâu thế mà vẫn ít người mua”.

Nông sản mất giá, người dân dè sẻn mua sắm

Chị Năm, chủ tạp hóa Năm Long cho biết: “Năm nay, khách đã thưa thớt lại còn mua với số lượng ít, bia rượu, bánh kẹo bán chậm lắm, năm trước  khách ghé mua đồ uống có cồn thì đều mua bia hoặc những chai rượu có giá cao, năm nay thường  thấy khách mua  những chai rượu  có giá từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn, bánh kẹo, mứt, hạt dưa bán cũng không khá chút nào, thường là khách hàng quen biết đến mua nợ chờ khi nào bán tiêu, bán cà mới trả tiền”.

Bên ngoài cổng chợ vẫn thưa thớt người mua. Ảnh: Trần Trung Kỳ
Bên ngoài cổng chợ vẫn thưa thớt người mua. Ảnh: Trần Trung Kỳ



Anh Tâm người bán hoa trong chợ cho biết: “Trước Tết 1 tháng tôi lên  tận Đà Lạt để đặt hoa, tôi đặt 200 bình hoa ly, tôi bán với giá là 280 ngàn đồng/bình nhưng mấy ngày nay chỉ mới bán được hơn 70 bình, dù có hạ giá xuống 220 ngàn đồng/bình hoặc thấp hơn nhưng vẫn rất ít người hỏi mua, năm nay người mua hoa thường chọn mua những loại hoa có giá  rẻ hơn, đợt này tôi lỗ là cái chắc”.

Chị Ngọc chủ cửa hàng quần áo Ngọc Lợi, lắc đầu than vãn: “Năm nay không như mọi năm, năm ngoái thời điểm này tôi bán được sáu, bảy  thì năm nay bán được hai, ba; người vào mua bộ quần áo có giá trị vài trăm nghìn là suy nghỉ đắn đo, nâng lên đặt xuống, tôi không nghỉ là Tết năm nay vắng khách đến vậy, vợ chồng tôi bây giờ như ngồi trên đống lửa vì sợ tồn hàng qua Tết thì không biết buôn bán ra sao đây ?”.

Lý giải cho việc này, chị Yến xã Tân Bình cho hay: “Nông sản năm nay mất giá so với các năm đặc biệt là tiêu, không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác trữ hàng chờ qua Tết mới bán mong được giá hơn; người nông dân chúng tôi có bao nhiêu vốn liếng đều đâu tư vào nương rẫy nên khi cà phê, tiêu mà mất giá thì chi tiêu, mua săm Tết cũng phải dè sẻn”.

Còn anh Dũng-công nhân Công ty cao su Mang Yang chia sẻ: “Mấy năm trở lại đây, giá cao su xuống thấp cả 2 vợ chồng tôi đều làm công nhân, lương công nhân lại thấp, Tết không có tiền thưởng nên đi chợ không dám mua sắm gì nhiều, phải suy đi tính lại nên mua thứ gì cho hợp lý”.

Không chỉ có những mặt hàng như: Quần áo, bia, rượu, bánh kẹo, trái cây, hoa tươi... mà nhiều mặt hàng khác cũng trong tình trạng ế ẩm. Nếu như những năm trước vào những ngày giáp Tết chợ Đak Đoa trở nên nhộn nhịp không khí tất bật kẻ mua người bán, hàng hoá tấp nập thì năm nay hình ảnh ấy đã thưa thớt hẳn.

Trần Trung Kỳ

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.