Thách thức trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp cơ sở hạ tầng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và từng bước nâng cao đời sống người dân. Song sau khi Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo hướng điều chỉnh nâng cao các tiêu chí, các địa phương đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ.
 
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng NTM  trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh đã có Quyết định số 250/QĐ-UBND ban hành bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2017-2020.

 

Người dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa vụ mùa 2017. Ảnh: L.N
Người dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa vụ mùa 2017. Ảnh: L.N

Ông Văn Phú Bộ-Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG về xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Bộ tiêu chí mới tăng từ 39 lên 49 chỉ tiêu. Cụ thể như đối với tiêu chí trường học, trước đây có thể tính cả điểm trường đạt chuẩn thì nay chỉ tính trường chính đạt chuẩn. Với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trước chỉ cần có nhà văn hóa là đạt thì nay phải có trang-thiết bị bên trong, người quản lý, nơi vui chơi cho người già và trẻ em.

Tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trước chỉ cần là tổ hợp tác, nay nâng lên phải là hợp tác xã. Với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm thì có các nội dung như nguồn nước sạch sử dụng phải được kiểm nghiệm, phân tích, xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, xây dựng phương án thu gom và xử lý chất thải, có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 70% số hộ, chăn nuôi phải có chuồng trại...

Ngoài ra, tiêu chí giao thông giai đoạn trước quy định đường giao thông trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng dựa vào tỷ lệ được nhựa hóa, bê tông hóa theo quy định cứng hóa thì giai đoạn 2016-2020 đã được sửa đổi nâng lên là đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Do chất lượng các tiêu chí trong Bộ tiêu chí mới nâng lên, 30 xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016 nay chỉ còn 4 xã đạt 19 tiêu chí, các xã còn lại đều bị sụt giảm. Cụ thể, 7 xã giảm còn 18 tiêu chí, 3 xã còn 16 tiêu chí, 7 xã còn 15 tiêu chí, 2 xã còn 14 tiêu chí, 3 xã còn 13 tiêu chí, 1 xã còn 12 tiêu chí, 2 xã còn 11 tiêu chí và 1 xã còn 9 tiêu chí. Đặc biệt, trong năm 2017, tỉnh phấn đấu có 22 xã đạt chuẩn NTM nhưng chỉ có 20 xã đạt chuẩn.

Thời gian qua, HĐND tỉnh đã thành lập các đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát  cho thấy, Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020 cao hơn rất nhiều so với Bộ tiêu chí cũ. Bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND  tỉnh, cho rằng,  xây dựng xã đạt chuẩn NTM còn chậm so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 45 xã đạt chuẩn nhưng đến cuối năm 2016 mới có 30 xã đạt. Bộ tiêu chí mới bổ sung thêm một số nội dung mới và cao hơn so với thực lực địa phương nên cần có thời gian nhất định để các xã tập trung hoàn thiện.  Sau giám sát, HĐND tỉnh  đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng tăng định mức cho vay tín dụng với lãi suất thấp; có chính sách hỗ trợ riêng đối với xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn và 7 xã biên giới của tỉnh trong xây dựng NTM...

Tuy nhiên, với phương châm không chạy theo thành tích nên trong việc cụ thể hóa Bộ tiêu chí NTM, UBND tỉnh đã không hạ thấp chỉ tiêu đạt của các tiêu chí nêu trên nhằm phấn đấu xây dựng xã NTM theo đúng mục tiêu chương trình đề ra. “Chương trình MTQG về xây dựng NTM góp phần phát triển bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Các cơ chế chính sách ban hành phù hợp với điều kiện và mục tiêu phấn đấu hoàn thành xây dựng  NTM của địa phương. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phân công trách nhiệm cho từng thành viên, từng ngành trong việc hỗ trợ các địa phương hoàn thành xây dựng NTM. Trước mắt, để đạt chuẩn NTM, các xã phải rà soát kỹ những tiêu chí chưa đạt và còn thiếu những gì để xác định nguồn lực tập trung đầu tư  triển khai. Thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Trong năm 2018, tỉnh ta có 10 xã đăng ký đạt chuẩn NTM”-ông Văn Phú Bộ cho biết thêm.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.