Người Bahnar trồng mía cánh đồng lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mô hình cánh đồng mía lớn làng Lợt (xã Kông  Pla, huyện Kbang) đã và đang được xem là một trong những hướng đi đúng giúp những hộ dân người Bahnar ổn định sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nhìn rẫy mía bạt ngàn xanh tốt, cây nào cũng to tròn, mập mạp, anh Đinh Trim (làng Lợt) phấn khởi nghĩ đến một vụ mùa bội thu. Theo kinh nghiệm trồng mía nhiều năm, anh dự tính năm nay sản lượng mía bình quân sẽ đạt khoảng 110-120 tấn/ha. Niên vụ 2015-2016, gia đình anh tự làm đất, dùng bò cày vừa vất vả mà đất không được tơi xốp, phân bón thì lúc có lúc không nên mía cho năng suất kém, chỉ đạt 50-60 tấn/ha, sau khi trừ chi phí thu nhập còn lại không cao.

 

Mô hình cánh đồng mía lớn làng Lợt đã góp phần giúp các hộ đồng bào Bahnar từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ảnh: M.T
Mô hình cánh đồng mía lớn làng Lợt đã góp phần giúp các hộ đồng bào Bahnar từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ảnh: M.T

Từ khi được xã vận động tham gia cánh đồng mía lớn, anh Trim vừa được huyện hỗ trợ 30% tiền mua giống, vừa được nhà máy đầu tư cày đất, hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Với 3,5 ha mía hiện nay, anh nhẩm tính sẽ thu được 50-60 triệu đồng/ha, tăng đáng kể so với vụ trước (chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/ha).

Theo ông Trần Văn Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã Kông  Pla: Mía là cây trồng chủ lực của xã nhưng năng suất và sản lượng thấp, hiệu quả trên một đơn vị diện tích không cao. Nguyên nhân là do người dân trồng thủ công, cày đất chưa đúng quy trình kỹ thuật, trình độ canh tác còn nhiều hạn chế. Khi tham gia mô hình cánh đồng lớn, mía được chăm sóc bằng máy nên giảm được công lao động. Người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất trên 10 triệu đồng/ha/vụ và được nhà máy bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phân bã bùn, đầu tư không tính lãi.

Niên vụ 2016-2017, xã Kông Pla đã vận động, hướng dẫn 10 hộ  đồng bào Bahnar ở làng Lợt tham gia thực hiện cánh đồng mía lớn với diện tích 8,67 ha, năng suất bình quân đạt 110 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân trên 1 ha mía tơ là 71 triệu đồng; ước lợi nhuận bình quân 1 ha mía gốc niên vụ 2017-2018 khoảng 76,7 triệu đồng. Ông Trần Văn Sơn cho biết, phát huy kết quả này, niên vụ 2017-2018, xã tiếp tục xây dựng thêm cánh đồng mía lớn tại làng Klôm với diện tích 33,67 ha, có sự tham gia  27 hộ dân người Bahnar ở các làng Klôm, Lợt, Groi. Diện tích mía này đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến thu hoạch vào tháng 3-2018, năng suất ước đạt 100-120 tấn/ha.

“Mô hình cánh đồng mía lớn làng Lợt đã góp phần giúp các hộ đồng bào Bahnar từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đặc biệt hơn, mô hình này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, hạn chế tình trạng sang nhượng trái phép đất sản xuất của các hộ đồng bào Bahnar trên địa bàn; hạn chế tình trạng các hộ dân nhận đầu tư qua tư thương khiến lợi nhuận thấp”-ông Sơn khẳng định.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.