Kỳ 1: Nông dân điêu đứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người trồng hồ tiêu ở huyện Chư Pưh đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kép khi cùng lúc mặt hàng nông sản này  rớt giá chỉ còn 72 ngàn đồng/kg, sản lượng giảm mạnh do ảnh hưởng đợt hạn hán năm 2016 cộng với bệnh chết nhanh chết chậm liên tục xảy ra trong 4 năm trở lại đây gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Hồ tiêu khủng hoảng về giá

Sau 2 thập niên hình thành và phát triển, đa phần cây hồ tiêu ở huyện Chư Pưh có nguồn gốc từ Vĩnh Linh, Lộc Ninh, Phú Quốc... đã sinh trưởng tốt, cho năng suất, sản lượng cao, mang lại lợi nhuận cho nông dân. Toàn huyện có khoảng 8.000-9.000 hộ trồng hồ tiêu với tổng diện tích khoảng 2.888 ha. Trong đó, diện tích hồ tiêu kinh doanh hơn 2.319 ha, kiến thiết cơ bản 341,5 ha và trồng mới trong niên vụ 2016-2017 hơn 227 ha.

 

Nông dân xót xa, điêu đứng vì hồ tiêu chết. Ảnh: S.C
Nông dân xót xa, điêu đứng vì hồ tiêu chết. Ảnh: S.C

Những năm trước đây, giá hồ tiêu dao động ở mức 100-120 ngàn đồng/kg, thậm chí có thời điểm đạt mốc 220.000 đồng/kg. Do đó, rất nhiều nông dân Chư Pưh đã “đổi đời” chỉ sau vài vụ thu hoạch hồ tiêu. Nhờ trồng hồ tiêu, nhiều nông dân ở huyện Chư Pưh đã sắm được xe hơi đắt tiền, xây nhà khang trang, mua thêm đất đai vườn tược, đầu tư nuôi con ăn học.

Nhớ lại thời kỳ hoàng kim này, ông Dương Luận-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Nông sản huyện Chư Pưh, không khỏi nuối tiếc: “Hồ tiêu là loại cây công nghiệp chủ lực của huyện. Ở giai đoạn hồ tiêu được giá, chỉ sau một vụ là nông dân có thể trả hết nợ vay đầu tư mà vẫn còn dư dả. Thu nhập ổn định từ loại cây trồng này đã kích cầu cho hoạt động thương mại, dịch vụ, tiêu dùng, xây dựng, kéo theo thị trường bất động sản phát triển. Đất mặt tiền, đất gần chợ, đất quy hoạch được người dân tranh nhau mua”.

Khủng hoảng giá hồ tiêu là điều có thể nhận thấy từ năm 2016. Cho đến tháng 11-2017, giá hồ tiêu thu mua tại chỗ chỉ ở mức 72.000 đồng/kg, giảm 3 lần so với thời điểm cao nhất. Đây là thử thách cho người nông dân khi suất đầu tư cho hồ tiêu rất lớn. “Bình quân đầu tư cho một trụ hồ tiêu hết 400-480 ngàn đồng. 1 ha hồ tiêu có 1.600-1.800 trụ thì tốn không dưới vài trăm triệu đồng ở giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản, cộng thêm vốn lưu động hàng năm trên 200 ngàn đồng/trụ. Chi phí này đương nhiên là chưa tính đến tiền đất. Với giá hồ tiêu hiện nay, rất nhiều nông hộ thu không đủ trả nợ vay ngân hàng, vốn đầu tư”-ông Luận phân tích. Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Nông sản huyện cho biết, năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 170.000 tấn hồ tiêu. Đến tháng 9-2017, nước ta đã xuất khẩu 142.000 tấn. Điều này cho thấy, sản lượng hồ tiêu Việt Nam không sụt giảm, trong khi các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia cũng đang phát triển diện tích hồ tiêu và đẩy mạnh xuất khẩu. Cán cân cung-cầu có xu hướng vượt tầm kiểm soát chính là nguyên nhân đẩy giá hồ tiêu thế giới sụt giảm mạnh, tác động trực tiếp đến giá thu mua thị trường nội địa.

Nỗi ám ảnh chết nhanh, chết chậm

Tiếp tục đầu tư nhưng trong lòng lo lắng, bất an là tâm trạng của phần lớn nông dân ở huyện Chư Pưh hiện nay. Nỗi lo chồng chất nỗi lo vào cùng thời điểm khiến nhiều nông hộ dễ trở thành trắng tay. “Hồ tiêu đang lên bạt ngàn xanh tốt nhưng chỉ cần qua một đêm là cây vàng lá hàng loạt kiểu “chết đứng”. Bản thân tôi đã từng được vinh danh nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của huyện, là người trực tiếp đầu tư, hoạt động trong Hiệp hội Hồ tiêu cũng không thể đoán biết ngày mai vườn hồ tiêu nhà mình sẽ ra sao”-ông Dương Luận chua xót.

 

Từ năm 2014 đến 2017, diện tích hồ tiêu chết do bệnh, già cỗi và bị hạn hán không thể phục hồi lại được trên địa bàn huyện là 312,5 ha, rải đều từ thị trấn Nhơn Hòa đến các xã Ia Dreng, Ia Phang, Ia Hrú, Ia Rong, Ia Hla, Ia Blứ, Chư Don, Ia Le.

Do suất đầu tư rất lớn, nông dân vì muốn giữ lấy sinh kế gia đình nên đa phần “đâm lao phải theo lao”, tiếp tục vay mượn vốn đổ vào vườn hồ tiêu như trường hợp gia đình ông Trần Văn Hiếu (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa). Có thâm niên trồng hồ tiêu gần 20 năm nay nhưng 3 năm trở lại đây, vườn hồ tiêu hơn 6.000 trụ của ông Hiếu xuất hiện hiện tượng tiêu chết lai rai theo kiểu vàng lá, chết từ trên xuống chứ không phải theo chu kỳ già cỗi như trước kia. “Nghiệt nỗi là hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh cũng chết, trồng phủ trụ cũng chết, trồng được 3 năm kiến thiết cũng chết dù đã áp dụng đủ phương pháp, thuốc trừ hại để cứu vườn. Ngành chức năng cũng xuống lấy mẫu đất, mẫu hồ tiêu để kiểm tra mấy lần rồi. Lâu nay làm hồ tiêu, cứ tới mùa là thu về một hai chục tấn, thu tiêu lép bán cũng có tiền. Còn 3-4 năm trở lại đây, phần thì hồ tiêu chết, phần sản lượng thu về chỉ 6-7 tấn/niên vụ, giá thì xuống liên tục khiến gia đình thiệt hại nặng nề, còn nợ ngân hàng cỡ 1,4 tỷ đồng, trả lãi trả vốn không nổi. Gồng gánh mấy năm nay, nông dân “bứt” thiệt rồi”-ông Hiếu cho biết.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.