Ngược núi tìm cau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đang vào cuối mùa cau nhưng vẫn  không khó bắt gặp những chiếc xe máy chất đầy buồng cau trên các tuyến đường. Đây là mặt hàng đang được rất nhiều thương lái “săn tìm” mang về miền xuôi.

Điều khiển chiếc xe máy oằn mình vì những buồng cau chằng buộc 2 bên sườn xe tấp vào một quán nước bên đường Hùng Vương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), người đàn ông chừng 30 tuổi thấm vội giọt mồ hôi rồi gọi nước uống. Bắt chuyện được biết anh là Lê Văn Thọ (người huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) lên Gia Lai thu mua cau nhập về các cơ sở sơ chế ở Quảng Nam. “Sáng giờ tôi mới mua được 6-7 buồng cau, ngồi nghỉ xíu nữa lại đi mua tiếp. Vừa thấy vườn cau của một hộ ở con đường gần đây, nhưng chủ nhà đi vắng, đợi trưa họ về tôi sẽ quay lại. Mỗi ngày bình quân tôi mua khoảng 200 kg cau”-anh Thọ cho biết.

 

Anh Hải vui mừng vì thu mua được nhiều cau. Ảnh: L.L
Anh Hải vui mừng vì thu mua được nhiều cau. Ảnh: L.L

Cùng quê với anh Thọ, anh Nguyễn Duy Hải cho biết: “Tôi theo nghề này mấy năm nay rồi. Tầm tháng 7, tháng 8 hàng năm là nhóm chúng tôi lại lên Gia Lai để thu mua cau. Cau năm nay được giá, mua tại vườn là 10.000 đồng/kg, tập kết chuyển về Quảng Nam nhập bán cho các cơ sở chế biến khoảng 15.000 đồng/kg. Chúng tôi ít mua theo cân mà chủ yếu mua  cả  buồng, từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/buồng tùy chất lượng cau”. Theo anh Hải, nhóm của anh có 7 người, đều là dân Quảng Nam. Mùa cau kéo dài khoảng 2-3 tháng nên họ thuê nhà ở chung, hàng ngày chia nhau chạy xe máy khắp các nẻo đường để mua hàng. Trong đó, huyện Chư Sê, Đức Cơ và  TP. Pleiku… là những địa phương có nhiều cau nhất.

Nhìn anh Hải thoăn thoắt leo lên hái những buồng cau ở quán trà cung đình Thềm Xưa (15 Đồng Tiến, TP. Pleiku) mới thấy đây là công việc không mấy dễ dàng. Buồng cau cuối cùng được hái xuống, cố gắng đuổi những chú kiến gan lỳ đang bám trên người, anh Hải tâm sự: “Ở quê chúng tôi, chuyện leo cau hái quả chẳng có gì ghê gớm cả, đến trẻ con cũng làm được. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể leo trèo thuần thục, bởi thân cau thẳng không có chỗ bám, người trèo phải có kỹ năng nhất định, phải thật khéo léo, cẩn thận... Nghề này tuy có vất vả, mỗi ngày có khi phải trèo lên trèo xuống vài chục cây nhưng chỉ cần mua được cau là vui rồi. Nhiều hôm đi mãi mà chẳng tìm ra vườn cau nào, chán nản lắm. Sáng nay, coi như tôi đã gặp may”.

Nhận số tiền 900.000 đồng cho 10 buồng cau vừa bán được,  chị Nguyễn Thị Bích Vân-chủ quán trà cung đình Thềm Xưa, giải thích: “Cau trồng ở quán chủ yếu làm cảnh, tạo hình ảnh không gian làng quê thanh bình và là điểm nhấn của quán trà mang dáng dấp làng quê ở Huế. Vì vậy, tới mùa thu hoạch, quán chỉ hái bớt một số buồng để nuôi cây, còn lại để cho đẹp, chứ thực sự không phải trồng để bán quả”.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.