"Ngân hàng bò" của làng Hway

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là “ngân hàng bò” không phải do tổ chức hay cá nhân nào đứng ra thành lập, hỗ trợ mà do chính các hộ dân cùng nhau góp quỹ để xây dựng. Nhờ có “ngân hàng” ấy, nhiều gia đình ở làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) đã có thêm điều kiện để vươn lên thoát nghèo.

Làng Hway hiện có 120 hộ, 525 khẩu, 100% là người Bahnar. Làng có 6 tổ sản xuất, mỗi tổ có trên dưới 20 hộ, được thành lập từ năm 2001 theo từng cụm dân cư. Kể từ đó, vừa bảo vệ an ninh chính trị trong làng, các tổ vừa hoạt động theo phương thức giúp nhau cùng làm giàu bằng phương thức xây dựng quỹ và cho những hộ khó khăn mượn làm vốn đầu tư sản xuất, đồng thời giúp nhau áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

 

Nhờ “ngân hàng bò” mà nhiều gia đình ở làng Hway đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo (ảnh minh họa).
Nhờ “ngân hàng bò” mà nhiều gia đình ở làng Hway đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo (ảnh minh họa).

Dựa vào những cây trồng chủ lực như: mì, bắp, đậu xanh, mía..., rất nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ anh: Đinh Mít, Đinh Bớ, Đinh Khen, Đinh Hớp, Đinh Blơp... Hàng năm, ngoài công việc của gia đình, tổ viên trong các tổ đều dành thời gian để cùng nhau canh tác, sản xuất trên diện tích đất chung của tổ. Số tiền thu được từ diện tích đất ấy được dùng làm quỹ, sử dụng vào các việc chung như thăm hỏi khi ốm đau, giúp đỡ các gia đình khó khăn; Tết đến thì xuất quỹ để cả tổ ăn Tết.

Về làng Hway hỏi về câu chuyện nuôi bò rẽ của các tổ sản xuất, bà con trong làng ai nấy đều rất phấn khởi. Tổ 5 là một trong những tổ tiên phong trong việc dùng quỹ của tổ để mua bò sinh sản. Quỹ đất chung của tổ có 5 sào đất cày và gần 2 ha đất đồi. Hàng năm, tổ thu về khoảng 25 triệu đồng từ việc trồng bắp, mì và đậu xanh. Năm 2006, nhận thấy nhiều tổ viên trong tổ có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên tổ đã họp nhau lại, bàn bạc và quyết định dùng nguồn quỹ đó để mua một con bò cái sinh sản. Con bò đầu tiên được giao cho một hộ khó khăn nhất trong tổ nuôi trước. Năm sau, tiếp tục dùng tiền quỹ đó mua thêm một con nữa và giao cho một hộ khó khăn khác nuôi. Sau khi bò sinh sản, hộ nuôi được giữ lại một con và trả lại một con cho tổ để giao cho hộ khác nuôi. Đến nay, tổ 5 đã có 30 con bò lớn nhỏ. Tổ trưởng tổ 5, anh Đinh Chế, chia sẻ: “Nhà mình cũng được tổ giao cho một con. Nó đẻ con rồi. Con mẹ thì cho hộ khác nuôi, còn con con thì mình nuôi. Nay mai nó có con thì mình một con, tổ một con, cứ vậy”.

Anh Đinh Kha vốn ở làng Bút (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Năm 2014, sau khi lấy vợ, anh chuyển đến sinh sống tại làng Hway và trở thành thành viên của tổ sản xuất số 5. Là hộ mới, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên gia đình anh được tổ tạo điều kiện cho nuôi một con bò cái. “Mình trồng bắp, trồng chuối, đậu xanh, mì, góp chung vô tổ mua bò. Sau này có bò nuôi nhiều rồi thì thu nhập cũng đỡ hơn”-anh Kha vui vẻ khoe.

Có những gia đình không gặp thuận lợi trong việc nuôi bò rẽ nhưng vẫn được các tổ sản xuất tạo điều kiện nhiều lần. Anh Đinh Băng, cũng cùng tổ sản xuất số 5, kể: Làng giao cho nhà ông Bray con bò thứ nhất thì bò bị chết vì quấn dây. Tổ tạo điều kiện cho thêm một con, ông Bray nuôi cũng chết; do vậy tổ lại cho nuôi tiếp con thứ 3. “Do rủi ro thì phải cho nuôi tiếp thôi. Nếu bò đẻ con thì một con phải trả cho tổ, một con cho ổng luôn”-anh Đinh Băng cho biết. Cứ thế, “ngân hàng bò” của các tổ sản xuất trở thành “cần câu” cho các hộ nghèo.

Học hỏi cách làm của tổ 5, các tổ sản xuất khác trong làng cũng đã triển khai thực hiện làm theo. Đến nay, tổ 5 là tổ có số lượng bò nhiều nhất với 30 con, tổ 6 có 6 con, một số tổ khác như tổ 3, tổ 4 thay vì nuôi bò thì lại lựa chọn nuôi dê. Cách làm này đã giúp cho nhiều hộ trong tổ nói riêng và trong làng Hway nói chung có nguồn vốn mua thêm tư liệu sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, tận dụng nguồn đất sẵn có, tự tạo vốn, tự giúp đỡ nhau vươn lên..., đó là cách làm của làng Hway trong hơn 10 năm qua. Tin rằng, với mô hình, cách làm ấy cùng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, trong tương lai không xa làng Hway sẽ phát triển đi lên, có mặt bằng chung với các thôn khác của xã, đời sống người dân được nâng cao, không còn hộ đói nghèo.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.