Có một TPP "toàn diện và tiến bộ" tại APEC 25

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 ngày nhóm họp căng thẳng bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nền kinh tế thành viên APEC tham gia Hiệp định TPP đã khẳng định, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP vẫn sẽ “sống” với việc giữ lại hầu hết các điều khoản cơ bản trong thỏa thuận mới, có tên là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhật Bản và Việt Nam là 2 nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc tìm giải pháp cho TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định.
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Có thể nói, thông tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau vắng mặt tại cuộc họp cấp lãnh đạo quốc gia của TPP diễn ra vào chiều 10-11 đã gây nỗi lo về một câu chuyện “ngoài tầm kiểm soát” của các thành viên dự hội nghị. Rằng có thể là TPP sẽ không được đủ 11 nước thông qua. Thế nhưng, lời giải thích sau đó về cuộc họp quá giờ với Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe cùng những chia sẻ về những thành công tại Hội nghị APEC lần này là cơ hội tuyệt vời cho Canada hiện thực hóa các cam kết củng cố mối quan hệ kinh tế với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì lợi ích của tất cả các bên và người dân, đã xóa tan mọi ngờ vực.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, các nước TPP đã thống nhất các nhân tố cốt lõi của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho Hiệp định TPP trước đây. Theo đó, giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số lượng hạn chế nghĩa vụ của mình. Các Bộ trưởng nhất trí rằng hiệp định CPTPP là một hiệp định toàn diện và quy chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước. “Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP12, các quốc gia còn lại đều khẳng định quyết tâm và mong muốn tiếp tục con đường này. Vì vậy, tính chất và chất lượng của hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung “toàn diện” và “tiến bộ”, là điều mà tất cả các Bộ trưởng của TPP11 thống nhất và muốn nhấn mạnh, coi đây là mục tiêu chung có tính bao trùm của hiệp định. Do đó, tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhận được sự đồng thuận rất cao”-Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Trong khi đó, Nhật Bản-nền kinh tế cùng Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy TPP tại Hội nghị APEC lần này, mặc dù thừa nhận những khó khăn trong quá trình đàm phán để có thể duy trì TPP chất lượng cao nhất, nhưng Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng khẳng định: Các nền kinh tế thành viên đạt được sự thống nhất trong thời gian ngắn đồng thời nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì thỏa thuận. Theo ông, việc “đóng băng” một số điều khoản của thỏa thuận là biện pháp dễ nhất vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai, trong khi vẫn để ngỏ khả năng Mỹ có thể trở lại TPP trong tương lai. “Thỏa thuận này được dịch tiếng Pháp, tiếng Anh có giá trị tương ứng TPP12 và sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nền kinh tế thành viên thông qua. Hiệp định mới sẽ treo 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu, trong đó có 12 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn 4 điểm được để riêng, các bên sẽ đàm phán và thống nhất trong thời gian tới. Dù rất khó khăn, chúng tôi đều xác định là sẽ phải đạt được thỏa thuận ở Đà Nẵng. Chúng tôi vẫn cố phải cân bằng, duy trì chất lượng cao trong khi phải thực tế để các nước thành viên có thể thực hiện”.

Những khó khăn của một TPP không có Mỹ là mối quan tâm hàng đầu của dư luận hiện nay. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, khi Hoa Kỳ với sức nặng kinh tế và vai trò của mình rút khỏi TPP đã tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong việc tiếp tục duy trì TPP. Vì vậy, các trưởng đoàn đàm phán đã phải có những cách tiếp cận thực tiễn, trong đó vừa phải duy trì được hiệp định chất lượng cao toàn diện để đảm bảo những mục tiêu ban đầu của TPP12, vừa có quan điểm thực tiễn hơn để đảm bảo khả năng thực thi và tính hiệu quả với 11 nước còn lại trong TPP.

Đó cũng là điều mà Thủ tướng Canada đã khẳng định sau khi có những đồn đoán rằng Canada sẽ “rút” khỏi TPP, do sự vắng mặt không báo trước của ông tại cuộc họp chiều 10-11. Một TPP được ký kết, nếu “vội vàng”, chưa thỏa mãn quyền lợi của các thành viên, sẽ chẳng có ý nghĩa gì vì không thể triển khai các cam kết trên thực tế.    

Vì vậy, Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định TPP đã có tuyên bố chung 9 điểm. Các Bộ trưởng tiếp tục giao cho các trưởng đoàn đàm phán xử lý những vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận, cũng như tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định.

Có thể nói kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP, trong đó phải kể đến vai trò tích cực của Nhật Bản và nền kinh tế chủ nhà APEC Việt Nam, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Đồng thời cũng là những nỗ lực của các quốc gia trong việc tiếp tục mở cửa, hội nhập có hiệu quả với thế giới.

Vân Thiêng

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.