Chư Đăng Ya vào mùa thu hoạch dong riềng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi dã quỳ trên núi đã vàng rực, lúa đã trĩu bông dưới chân núi Chư Đăng Ya cũng là lúc nông dân rộn ràng bước vào mùa thu hoạch củ dong riềng-nguyên liệu chính sản xuất miến dong.

Dưới chân núi Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) hiện có hơn 100 ha dong riềng đã bước vào kỳ thu hoạch. Men theo sườn núi, cây dong riềng được trồng trải dài một màu xanh ngát. Trong cái nắng gió hanh hao, nông dân đang tất bật chặt cây, đào củ, rũ đất rồi chất thành đống chờ xe đến thu mua.

 

Nông dân phấn khởi thu hoạch dong riềng. Ảnh: N.T
Nông dân phấn khởi thu hoạch dong riềng. Ảnh: N.T

Gia đình ông Lê Đình Tân (thôn Ngô Sơn, xã Chư Jôr, huyện Chư Pah) mấy ngày nay cũng đang hối hả cùng với nhân công thu gom củ dong riềng trên mảnh đất núi 10 ha này. “Gia đình tôi đã trồng cây dong riềng từ năm 1985. Năm nay, cây cho củ lớn, năng suất được hơn 9 tấn/ha. Mỗi mùa thế này gia đình tôi cũng có thêm được gần 40 triệu đồng/ha”-ông Tân nói.

Những hộ dân trồng dong riềng quanh chân núi Chư Đăng Ya chủ yếu là cư dân của các xã Chư Jôr, Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), Hà Bầu (huyện Đak Đoa) và Tân Sơn (TP. Pleiku). Cây dong riềng thường được trồng từ tháng 3 và thu hoạch vào tháng 9 Âm lịch. Cây phù hợp với đất núi nên phát triển tốt, cho năng suất cao. Ông Nguyên Văn Bình (thôn Ngô Sơn, xã Chư Jôr) chia sẻ: “Trồng cây dong riềng không tốn nhiều công chăm sóc, giống thì có sẵn từ mùa trước để lại, chỉ tốn công thuê người lúc thu hoạch thôi. Trung bình 10 ha dong riềng cần 9 nhân công thu hoạch, theo hình thức khoán 1,4 triệu đồng/ha”.  

Hiện củ dong riềng đang được thu mua với giá 14.000 đồng/kg. Tuy không được giá như mọi năm, nhưng do năm nay được mùa nên nông dân rất phấn khởi.

 

Chất lượng dong riềng dưới chân núi Chư Đăng Ya được đảm bảo, năng suất cao. Ảnh: N.T
Chất lượng dong riềng dưới chân núi Chư Đăng Ya được đảm bảo, năng suất cao. Ảnh: N.T

Tại xã Chư Jôr đã có 6 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng đáp ứng nhu cầu sơ chế 20 tấn củ/ ngày. Củ dong riềng sau khi sơ chế sẽ có các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... đến thu mua. Ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Jôr, cho biết: “Xã Chư Jôr có 30 hộ canh tác quanh chân núi Chư Đăng Ya với diện tích 70 ha. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Vì vậy, chính quyền xã đang lấy ý kiến của người dân để thành lập tổ hợp tác xã sơ chế, nhà máy chế biến thành phẩm hướng tới sản xuất thành phẩm miến dong mang thương hiệu của địa phương”.

Để định hướng cho nông dân sản xuất cây dong riềng ổn định hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, cho biết: “Hiện nay, năng suất bình quân của dong riềng đạt 10 tấn/ ha. Theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020, huyện sẽ phát triển ổn định diện tích cây dong riềng từ 100 đến 120 ha để sản xuất ra các sản phẩm mang đặc trưng của khu du lịch núi lửa Chư Đăng Ya.

Còn theo chương trình xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2017-2020, huyện đã định hướng mỗi xã có một hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây dong riềng. Bên cạnh đó, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ người dân để liên kết sản xuất các sản phẩm từ dong riềng”.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.