Xây dựng Nông thôn mới ở Ia Pa: Khó từ xã "giàu" đến xã "nghèo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không thể phủ nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ia Pa đã nổ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong 6 năm qua. Tính đến nay, huyện Ia Pa có xã Ia Ma Rơn đạt 12 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 8-10 tiêu chí. Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn (2017-2020), toàn huyện có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Ia Pa đang tập trung mọi nguồn lực để các xã đảm bảo tiến độ cán đích NTM. Tuy nhiên các địa phương đang vướng ở nhiều tiêu chí.

Khó từ xã “giàu” đến xã “nghèo”

 

Ảnh: Mai Linh
Ảnh: Mai Linh

Huyện Ia Pa có 9 xã, Ia Ma Rơn có lẽ là địa phương hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để sớm cán đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính vì vậy ngay từ khi chương trình khởi động (2011), ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Ia Pa đã chọn Ia Ma Rơn là 1 trong 2 xã làm điểm xây dựng NTM của huyện. Ông Tăng Xuân Duẩn-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn tâm sự: Dù nằm trên tuyến đường chính (tuyến tỉnh lộ 662), có tiềm lực thuận lợi cho phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, nhưng đến nay đã bước sang năm thứ 6 thực hiện chương trình, xã mới hoàn thành được 12 tiêu chí. Để đạt được 7 tiêu chí còn lại và cán đích nông thôn mới vào năm 2019, địa phương đang phải tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong khi tốc độ phát triển kinh tế của địa phương còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28,77%, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ… hơn thế, càng về sau các tiêu chí lại càng khó, bởi chính nhân dân phải là nhân tố chủ đạo (hơn 80% người dân làm nông nghiệp).

Không chỉ Ia Ma Rơn loay hoay với bài toán khó giải quyết về các tiêu chí như về tiêu chí hộ nghèo, nhà ở dân cư… vấn đề làm đường giao thông, tiêu chí về thu nhập… cũng là những trở ngại lớn của xã Ia Tul-xã thứ 2 được huyện Ia Pa chọn làm xã điểm xây dựng NTM (thay thế cho xã Chư Mố trước đó). Ia Tul là xã thuần nông, tổng diện tích tự nhiên 26.623,18 ha, dân số 3.218 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 96,4 %  dân số toàn xã. Khó là bởi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương vẫn là nguồn thu chính của người dân. Nguồn sống chính của người dân nơi đây là ngô, lúa và một số loại cây hoa màu khác, trong khi đó nguồn nước chủ yếu dựa vào các trạm bơm điện, hệ thống kênh mương chưa được bê tông hóa đồng bộ. Thêm vào đó, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ rất chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc tăng nguồn thu nhập cho người dân là điều rất khó thực hiện.

“Là 1 trong 5 xã nằm trong mục tiêu phấn đấu của huyện, đến năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới, tới thời điểm này xã Ia Trốk cũng mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí, còn 10 tiêu chí phải đạt trong thời gian hơn 2 năm, có thể thấy đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với địa phương”-ông Võ Hưng Quang-Chủ tịch UBND xã Ia Trốk nói.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

 

Ảnh: Mai Linh
Ảnh: Mai Linh

Năm 2017, tổng nguồn vốn huyện Ia Pa đầu tư cho xây dựng nông thôn mới là trên 128 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng; ngân sách huyện đầu tư hơn 3 tỷ đồng và vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 105 tỷ đồng; còn lại do nhân dân đóng góp ngày công, tiền mặt và hiến đất để chung tay cùng nhà nước XD NTM, với những nỗ lực như vậy, đến cuối tháng 9-2017, 9/9 xã đã đạt thêm từ 1-2 tiêu chí (Xã Ia Mrơn đạt 12 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí; 2 xã (Pờ Tó, Ia Tul) đạt 10 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí; 3 xã (Ia Trốk, Kim Tân, Chư Mố) đạt 9 tiêu chí, tăng 1 tiêu chí; 2 xã (Ia Broăi, Ia Kdăm) đạt 8 tiêu chí, tăng 1 tiêu chí và xã Chư Răng đạt 10 tiêu chí, tăng 1 tiêu chí)-ông Nguyễn Thế Hùng-Phó Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết:

Đối với xã điểm Ia Tul-để hoàn thành mục tiêu của huyện là cuối năm 2018 tới, Ia Tul là xã đầu tiên của huyện Ia Pa cán đích NTM. Chính vì vậy, hiện tại Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã nhà đang tập trung mọi nguồn lực. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay vốn huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM của địa phương lên đến hơn 10.300 triệu đồng, bên cạnh đó còn luôn nhận được sự quan tâm đầu tư kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật từ cấp trên. Dự kiến đến cuối năm 2017, xã sẽ đạt thêm 4- 6 tiêu chí nữa, ông Nguyễn Phi Loan-Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul tâm sự.

Ông Trao đổi với P.V, nhiều đồng chí trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM các xã cho biết: Theo Đề án xây dựng NTM, tổng nhu cầu vốn để xã hoàn thành 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM phải mất hàng trăm tỷ đồng, đây là con số quá lớn, vượt xa khả năng huy động tài chính của địa phương. Chính vì vậy, đối với huyện nghèo bậc nhất tỉnh Gia Lai như Ia Pa, để tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, huyện Ia Pa rất cần có sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành trong việc đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phù hợp với tính đặc thù của các xã vùng khó khăn.

Mai Linh

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.