Cà phê Robusta trên đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong ngành rang xay cà phê, nếu như Arabica được mệnh danh là “Nữ hoàng mùi hương” bởi sự thơm ngon quyến rũ thì Robusta được  gọi là “Chiến binh rô-bốt” khi luôn mang đến sự hứng khởi, say mê xen lẫn sự bùng nổ mạnh mẽ trong từng giọt đắng.

Lịch sử thăng trầm

Từ những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cà phê Robusta (cà phê vối) đã bén rễ trên đất Gia Lai. Mặc dù được trồng sau cà phê Arabica (cà phê chè), Liberica (cà phê mít) nhưng cà phê Robusta với sự thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cao nguyên Gia Lai nên nhanh chóng tăng về quy mô diện tích, cho năng suất vượt trội, đứng nhất nhì ở khu vực Tây Nguyên, hàng năm đóng góp sản lượng đáng kể cho hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

 

Cà phê Robusta trồng ở Gia Lai có hàm lượng cafein vượt trội (ảnh minh họa).
Cà phê Robusta trồng ở Gia Lai có hàm lượng cafein vượt trội (ảnh minh họa).

“Robusta là đặc sản của Gia Lai”. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh khi  làm Giám đốc Công ty Cà phê Gia Lai những năm 2001-2003. Hồi tưởng chuyện mười mấy năm trước, ông Dũng kể: “Lúc đó, giá cà phê Robusta rớt thê thảm, chỉ còn 800 đồng/kg, trong khi cà phê Arabica hơn 2.000 đồng/kg. Chủ trương của Hiệp hội Cà phê Việt Nam và tỉnh là phá bỏ cà phê vối để trồng cà phê chè, hoặc trồng bắp, bông vải.

Trước tình hình đó, Công ty chịu áp lực rất lớn khi đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn do giá cà phê giảm mạnh, ngân hàng lại không tiếp tục cho vay vốn”. Để trả lời câu hỏi có nên từ bỏ cây cà phê vối hay không, Công ty Cà phê Gia Lai đã cùng đoàn công tác của Hiệp hội Cà phê Việt Nam tham quan Peru, Colombia, Brazil-các nước có thế mạnh về sản xuất cà phê Arabica. Tại những nước này, ông Dũng có cơ hội tìm hiểu nhu cầu thị trường, phương thức sản xuất của người bản địa. Mặc dù giá cà phê Arabica rất cao nhưng sản lượng tại các nước này lại rất thấp, họ thu hái thủ công chọn lựa từng quả chín nên năng suất chỉ đạt 2-3 tấn tươi/ha, đời sống nông dân còn rất nhiều khó khăn.

Qua trao đổi, họ cho rằng cà phê Robusta Việt Nam là “thủ phạm” phá giá, sản lượng, năng suất thâm canh quá cao, đạt 15-20 tấn tươi/ha. Lúc này ở trong nước, các tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị, Sơn La, Thanh Hóa, Lâm Đồng-những vùng trồng được cà phê Arabica thì hiệu quả kinh tế và đời sống nông dân cũng không khá hơn Gia Lai là bao.

Từ tìm hiểu thực tế trong và ngoài nước, ông Dũng đã củng cố niềm tin rằng, không nên vì vấn đề giá cả mà chặt bỏ cà phê Robusta để thay bằng cà phê Arabica. Quan trọng hơn, không phải vùng đất, quốc gia nào cũng có thể trồng được cà phê Robusta và đạt được năng suất, chất lượng cao. Gia Lai hội tụ đầy đủ yếu tố địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu cực kỳ phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của dòng cây này hơn là Arabica. Trên cơ sở đó, Công ty tiếp tục đầu tư thâm canh trên 1.000 ha cà phê.  Đồng thời, Công ty mạnh dạn thay đổi công nghệ chế biến cà phê shamiwash (chế biến ướt), phát động công nhân thu hái quả chín đúng độ để đảm bảo chất lượng tốt nhất, nâng cao giá trị sản phẩm...  

Có thể nói, cây cà phê Robusta đã đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp Gia Lai vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm, trụ vững và phát triển mạnh mẽ.  Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh đạt khoảng 93.449 ha, sản lượng cà phê nhân ước khoảng 218.409 tấn/năm.

Khẳng định chất lượng

Trong ngành rang xay, chế biến cà phê, nếu như các chủng cà phê thuộc dòng Arabica như  Catimor, Typica, Bourbon, Catuai có hương vị thơm ngon, sang trọng thì Robusta lại vượt trội về hàm lượng cafein-có công dụng kích thích sự hưng phấn của thần kinh. Bằng kinh nghiệm lâu năm của một kỹ sư từng công tác tại Công ty Cà phê 331, ông Trần Văn Đô-chủ thương hiệu cà phê Thành Đô cho rằng, chất lượng cà phê Robusta Gia Lai không hề thua kém nơi nào. “Làm nghề này, tôi chỉ sử dụng cà phê Robusta trồng tại chỗ, có hàm lượng cafein vượt trội, hương vị tự nhiên thuần khiết. Các dòng khác như Arabica, Culi thì đặt hàng nguyên liệu tại Công ty Xuất khẩu Cà phê. Robusta là nguyên liệu chính trong các dòng sản phẩm nguyên bản của Thành Đô như: Robusta đặc biệt 100% dành cho khách nghiện cà phê lâu năm; Arabica+Culi+Robusta phù hợp với gu khách nữ nhẹ nhàng, hương thơm dịu nhẹ. Điều này đã được sự thẩm định, ghi nhận của khách hàng trong nước, ngoài nước”-ông Đô lý giải.   

“Là mặt hàng nông sản thế mạnh, tuy nhiên, giá trị của cà phê Robusta Gia Lai ngay trên sân nhà dường như ít người quan tâm biết tới. Chỉ những ai trong ngành rang xay, hoặc khách thực sự đam mê tìm hiểu mới biết”-ông Thái Vĩnh Thanh-chủ thương hiệu Cà phê 24, cho biết. Trải qua nhiều năm trăn trở, nhiệt huyết với nghề, kinh nghiệm đã chỉ ra cho ông Thanh cách chọn lựa nguyên liệu sao cho tốt nhất. Ông nói: “Robusta nhiều vùng trồng như Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng nhưng tại Gia Lai thì hàm lượng cafein là cao nhất. Ngay ở Gia Lai, bắt đầu từ hướng Ia Grai trở lên thì hương vị nhạt hơn; hướng Ia Sao, Ia Tiêm, thị trấn Chư Sê chạy vô đất đỏ, đất thịt nhiều thì lượng cafein rất cao, đậm đà hơn hẳn. Cà phê ngon là theo vùng, mua ở đâu về khách uống biết ngay do hương vị, nồng độ cafein khác nhau. Robusta Gia Lai có mùi vị đậm hơn, nếu trái thu hái chín đều nhau thì khi thành phẩm cho ra màu sắc đẹp như sô-cô-la”.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.