Tiền ảo và an ninh quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngân hàng Nhà nước vừa ra tuyên bố: Việt Nam không công nhận tiền ảo là tiền tệ.

Có hai lý do cho quyết định này. Thứ nhất, nếu chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiền ảo nằm ngoài phạm vi quản lý, điều tiết của Ngân hàng Nhà nước).

Thứ hai, tiền ảo được chấp nhận sẽ tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn một điều thứ ba, quan trọng nhất, lại chưa thấy Ngân hàng Nhà nước nói rõ, đó là: Chấp nhận tiền ảo là chấp nhận nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Bản chất của tiền ảo là… không phải tiền thật, nhưng lại tạo cho người ta ảo tưởng đó là tiền thật. Nó luôn tỏ ra vô hại, hấp dẫn những người “săn tiền”, nhưng lại là một ẩn họa không chỉ xâm phạm đến chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ (vì tiền ảo không phải là tiền thật), mà nó còn xâm phạm ngay đến an ninh quốc gia. Một khi đã len lách theo kiểu “bán hợp pháp” vào “rổ tiền tệ quốc gia”, thông qua các giao dịch bất hợp pháp của mình, nó sẽ lũng đoạn không chỉ tiền tệ quốc gia, mà nguy hiểm hơn, nó “tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết”. Nó là “kẻ trung gian” cực kỳ lợi hại cho những hoạt động bất hợp pháp.

Vậy mà lâu nay, tiền ảo, từ Bitcoin cho tới một số loại tiền ảo khác đã âm thầm được “rước” vào Việt Nam, âm thầm hoạt động một cách khá mãnh liệt, và đang muốn “công khai hóa thân phận” của mình. Việc Ngân hàng Nhà nước cấm hẳn mọi hoạt động tiền ảo này là cần thiết. Ai cũng biết, nội chuyện “tiền giả từ nước bạn” đưa vào đã khiến hoạt động tiền tệ Việt Nam bị chao đảo như thế nào. Bây giờ, nếu thêm hoạt động rầm rộ của tiền ảo, thì cơ sự sẽ rất khó lường.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa cảnh báo về nguy cơ bong bóng tiền ảo Bitcoin bị xì hơi và các doanh nghiệp nhập máy “đào tiền” chất lượng kém của Trung Quốc có thể chịu lỗ nặng.

Nghe đến tên “máy đào tiền”, ai cũng tức cười, nhưng nó đã và đang là chuyện có thật 100%.

Theo TS. Hoàng Thế Thỏa, chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay trên thị trường, giá 1 máy tính “đào Bitcoin” khoảng 60-70 triệu đồng, thậm chí cao hơn, chưa kể chi phí mua sắm phần mềm và thuê “công nhân” đào tiền. Đi giữa thật và ảo như thế, tiền ảo quả thật còn nguy hiểm hơn cả tiền giả. Vì tiền giả khi bị phát hiện lập tức bị coi là tội phạm, còn tiền ảo thì vẫn sống phây phây, vì nó… ảo.

Nhưng nếu Trung Quốc xuất được nhiều những “máy đào tiền ảo” sang Việt Nam, thì ngoài chuyện họ hưởng lợi nhuận từ sản xuất và bán máy, họ còn xuất sang Việt Nam tất cả những rủi ro và tệ nạn. Cái này thì Việt Nam nên biết, chứ không thể cho phép hồn nhiên nhập khẩu tràn lan “máy đào tiền ảo” như thế, đến lúc sẽ hối không kịp.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.