Thay đổi tư duy xây dựng và phát triển thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại hội thảo về xây dựng và phát triển thương hiệu dành cho đặc sản miền Trung-Tây Nguyên diễn ra tại Gia Lai đầu tháng 9 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Thương mại) khẳng định: “Ngày nay, người ta cạnh tranh bằng thương hiệu. Nói đến thương hiệu là nói đến uy tín, danh dự, lòng tin và hình ảnh... Xây dựng thương hiệu thực chất là xây dựng những điều này, là cái bắt buộc trong kinh doanh”.

Thay đổi tư duy

Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng: Trong việc xây dựng thương hiệu,  vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất là tư duy, nhận thức của lãnh đạo. Lãnh đạo doanh nghiệp (DN) nhận thức xây dựng thương hiệu là cần thiết, cấp bách thì mới làm được. Bởi, DN muốn kinh doanh được trong bối cảnh cạnh  tranh như hiện nay bắt buộc phải tạo lòng tin, uy tín cho sản phẩm. Vì vậy, dứt khoát phải thay đổi tư duy, phải xây dựng thương hiệu. 

 

Hồ tiêu Chư Sê là một trong những thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: L.L
Hồ tiêu Chư Sê là một trong những thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: L.L

Hiện Gia Lai có rất nhiều đặc sản nổi tiếng như: hồ tiêu, cà phê, mật ong, trà, măng khô, bò một nắng… Tuy nhiên, nhiều DN,  cơ sở sản xuất trên địa bàn vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, hoặc nếu có cũng chỉ hạn hẹp trong tỉnh hoặc khu vực.Thậm chí, nhiều đơn vị vẫn còn suy nghĩ, doanh nghiệp nhỏ thì chưa cần thiết, hoặc vì ngại tốn kém nên không dám đầu tư xây dựng thương hiệu.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, DN lớn có cách đi của DN lớn, DN nhỏ có cách đi của DN nhỏ, quan trọng là phải tìm đến những đơn vị tư vấn có năng lực nhất định để được tư vấn, giúp đỡ. Hiện có rất nhiều chương trình được Chính phủ hỗ trợ. Tìm đến các đơn vị tư vấn có những cái khó, chi phí tốn kém nhất định, vì thế, các DN nên đưa chi phí xây dựng thương hiệu vào kế hoạch chi tiêu. “Hãy coi việc chi tiền cho thương hiệu là khoản đầu tư cho tương lai, đừng nghĩ rằng đó là khoản chi phí để hạch toán hiệu quả kinh doanh”-PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.

 

Để xây dựng thương hiệu thành công đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược. Ảnh: L.L
Để xây dựng thương hiệu thành công đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược. Ảnh: L.L

Cần xây dựng chiến lược cụ thể

Thực tế, có một số trường hợp DN vì thiếu thông tin, lại không được tư vấn kỹ càng, không có chiến lược xây dựng thương hiệu cụ thể nên vô tình đánh mất thương hiệu hoặc bị lợi dụng thương hiệu và đến khi biết thì đã muộn. “Với những lời hứa hẹn sẽ đưa sản phẩm của công ty xuất khẩu đi nước ngoài, DN  vội ký kết sáp nhập với một công ty tài chính tại TP. Hồ Chí Minh mà không tìm hiểu kỹ. Khi ký kết xong tôi mới phát hiện mình bị lừa. Vì theo ký kết, họ đầu tư vốn 85% (tương đương 8,5 tỷ đồng) nên nắm cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị, mọi vấn đề đều do họ quyết định. Mình thì làm đã nhiều năm nay, ý tưởng của mình, công ty của mình, sản phẩm của mình… nhưng lại chẳng có quyền gì cả. Bây giờ muốn rút ra cũng khó”-chủ một DN tại Gia Lai cay đắng chia sẻ.

Đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều DN do không có chiến lược xây dựng thương hiệu, nhất là đối với những DN nhỏ, ít vốn, “nóng vội” xây dựng thương hiệu hoặc suy nghĩ về thương hiệu quá mơ hồ, ít am hiểu pháp luật... Bên cạnh đó, cũng có đơn vị, tổ chức dù đã xây dựng được thương hiệu, tốn kém khá nhiều thời gian và tiền của nhưng thực tế, thương hiệu vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương: Xây dựng thương hiệu là một chiến lược lâu dài, phải đặt nó ngang tầm với các chiến lược kinh doanh khác. Bởi thương hiệu của DN không chỉ là hình ảnh ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng mà còn là hình ảnh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cách ứng xử của DN đối với khách hàng, hiệu quả và tiện ích đích thực mà các loại hàng hóa, dịch vụ đem lại cho người tiêu dùng.

Theo ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê đã có từ nhiều năm nay và đã được cấp bằng bảo hộ tại nhiều nước trên thế giới như Đức, Mỹ... Song trên thực tế, việc bảo hộ chỉ thể hiện  vùng nguyên liệu chứ vẫn chưa có các sản phẩm dán nhãn Hồ tiêu Chư Sê. Nguyên nhân là do hồ tiêu Chư Sê chủ yếu xuất thô cho các nhà máy chế biến, họ dán nhãn thương hiệu của họ. Trong khi đó, hồ tiêu Chư Sê được đánh giá là có những chỉ tiêu nổi trội về chất lượng, kích thước hạt... “Hiệp hội đang đề xuất UBND tỉnh xây dựng chỉ dẫn địa lý về Hồ tiêu Chư Sê. Điều này rất quan trọng bởi Gia Lai có nguồn nguyên liệu hồ tiêu dồi dào.Trong chỉ dẫn địa lý nên có  bản đồ hành chính bao gồm Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa, Mang Yang, TP. Pleiku, Chư Prông, Chư Pah… Đây là những vùng sản xuất hồ tiêu lớn, cho chất lượng tốt”-ông Bính cho biết.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) nhằm đánh giá kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II năm 2024.