Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường bán lẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai hiện có trên 1,3 triệu dân và khoảng 3.500 doanh nghiệp (DN). Đây là con số tiềm năng để phát triển thị trường bán lẻ. Thế nhưng, tỷ lệ DN tham gia vào thị trường này trên địa bàn khá khiêm tốn. Vì vậy, hỗ trợ DN phát triển thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh là giải pháp rất cần thiết hiện nay.

Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận thị trường

Là một trong số ít DN của tỉnh mạnh dạn đầu tư xây dựng siêu thị bán lẻ, Siêu thị Vỹ Yên (huyện Chư Sê) thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc phát triển thị trường tiêu thụ, tiếp cận khách hàng. Chị Nguyễn Thị Tuyết-kế toán Siêu thị, cho biết: “Siêu thị Vỹ Yên chủ yếu bán các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, điện máy… Tuy cơ sở được đầu tư bài bản, có vị trí thuận lợi nhưng siêu thị cũng gặp khó vì phải cạnh tranh với các cửa hàng tạp hóa. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân trong khu vực chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, do đó, doanh thu bán hàng của siêu thị không ổn định, chỉ tăng mạnh vào mùa thu hoạch nông sản”. Còn theo ông Đoàn Thơm-chủ đại lý máy nông nghiệp Năm Thơm (thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah), hoạt động của những đại lý máy nông nghiệp nhỏ ở thị trường nông thôn cũng không mấy dễ dàng do tâm lý người dân thích ra phố hoặc tìm đến những công ty lớn để mua hàng.

 

Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đ.T
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đ.T

Cũng tham gia thị trường bán lẻ ở Gia Lai với mặt hàng phân bón, ông Nguyễn Văn Duẩn-Giám đốc Công ty TNHH Chuyển giao Công nghệ Sinh học Đồng Ngọc Gia Lai, băn khoăn: “Hiện nay, khách hàng đang mất niềm tin về thị trường phân bón do phân bón giả, phân bón kém chất lượng... xuất hiện nhiều. Do đó, nhiều sản phẩm phân bón dù đạt chất lượng tiêu chuẩn cũng bị ảnh hưởng, những sản phẩm mới thì việc tiếp cập thị trường càng khó khăn”. Theo ông Duẩn, để tiếp cận thị trường, Công ty thường triển khai  các mô hình thí điểm, sau đó mới tiến đến khẳng định chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm của Công ty đang triển khai thí điểm tại vườn rau của Công ty Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) và vựa lúa Phú Thiện... Công ty Đồng Ngọc Gia Lai hiện là đơn vị cung cấp sản phẩm như men vi sinh, phân hữu cơ sinh học trên thị trường Gia Lai với doanh số bán lẻ bình quân khoảng 4.000-5.000 lít/năm.

Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương, Gia Lai dù có số lượng DN tương đối nhiều nhưng chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, tình hình tài chính khiêm tốn, chất lượng nhân lực chưa cao, khả năng phát triển sản phẩm mới và năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Vì vậy, chủ trương của tỉnh là hỗ trợ để phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ một cách bền vững. Trong đó, tập trung tăng cường năng lực cạnh tranh của DN trên cơ sở đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, ưu tiên phát triển các ngành nghề, sản phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc DN có lợi thế cạnh tranh. “Tổ chức lớp “Đào tạo kỹ năng bán lẻ và phát triển thị trường cho DN” là một trong những chương trình mà Sở Công thương triển khai nhằm cải thiện và tạo điều kiện để DN cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực quản trị, phát triển văn hóa kinh doanh và liên kết DN”-ông Nguyễn Duy Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá cao những lợi ích từ lớp tập huấn mang lại, chị Nguyễn Thị Tuyết-kế toán Siêu thị Vỹ Yên, cho biết: “Mặc dù Siêu thị Vỹ Yên có đến 20 nhân viên nhưng thực tế kỹ năng tư vấn, giới thiệu sản phẩm của nhân viên bán hàng còn hạn chế. Việc tham gia lớp đào tạo kỹ năng bán lẻ do Sở Công thương tổ chức giúp nhân viên bổ sung thêm các kiến thức về kỹ năng bán hàng, cách tiếp cận, chăm sóc khách hàng... giúp chủ động hơn trong việc bán hàng, tạo sự hài lòng cho khách hàng khi mua sắm. Và để kích cầu tiêu dùng, Siêu thị đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp như: tổ chức các chương trình khuyến mãi, phát hành thẻ khách hàng, tích điểm thưởng hoặc triển khai các chương trình quà tặng nhân dịp sinh nhật, Tết”.  Còn ông Đoàn Thơm cho rằng: “Nhờ tham gia lớp tập huấn, tôi không chỉ học được kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng mà còn hiểu được những vấn đề cốt lõi khi bán hàng. Đó là làm thế nào để khách hàng hài lòng, nhất là phải làm tốt công tác hậu mãi như thường xuyên hỏi thăm, chăm sóc khách hàng và thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, nhanh nhất có thể”.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.