Gia Lai: Khó mở rộng diện tích giao khoán rừng cho dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gặp nhiều khó khăn về tài chính, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay luôn “vật vã” với bài toán đảm bảo tiền lương, bảo hiểm cho người lao động và chi phí duy trì bộ máy quản lý. Việc giao khoán và mở rộng diện tích giao khoán cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng theo đó cũng khó thực hiện.

“Ăn” luôn cả vốn điều lệ
Cán bộ nhân viên Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai (huyện Kbang) thường xuyên thực hiện việc tuần tra, bảo vệ rừng
Cán bộ nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai (huyện Kbang) thường xuyên thực hiện việc tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: M.N
Theo ông Nguyễn Huy Luyến-Kế toán trưởng Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku (huyện Kbang): Căn cứ Quyết định 2242/QĐ-TTg ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải tạm dừng khai thác với mức hỗ trợ là 200.000 đồng/ha/năm. Thế nhưng, từ năm 2015 đến nay, nguồn ngân sách Trung ương vẫn chưa cấp, các công ty lâm nghiệp chủ yếu sử dụng kinh phí từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và phần ngân sách tạm ứng của tỉnh duy trì bộ máy quản lý. 
Ông Luyến cho biết, để duy trì hoạt động của Công ty, chi trả tiền lương, bảo hiểm cho 25 cán bộ nhân viên kinh phí tối thiểu phải ở mức 3 tỷ đồng/năm mới đủ. Tuy nhiên, năm 2017, ngân sách tỉnh tạm ứng 1,084 tỷ đồng cộng với tiền DVMTR khoảng 400 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn kinh phí này phải chi trả ngược lại cho phần thiếu hụt của năm trước. Lý do, năm 2016 ngân sách tỉnh chỉ ứng 739 triệu đồng (tổng số 2,2 tỷ đồng, còn nợ theo quyết toán đến 1,5 tỷ đồng) cộng với khoản tiền DVMTR (quý I, II của năm 2017) là 563 triệu đồng. “Công ty đã chiếm dụng luôn cả vốn điều lệ và các nguồn khác để chi lương, bảo hiểm cho người lao động, nhưng đến thời điểm này Công ty đã không có nguồn nào khác để chi trả vì tất cả các tài khoản đã trống rỗng. Lương của 25 viên chức, người lao động hàng năm khoảng 2 tỷ đồng cộng với tiền bảo hiểm 250 triệu đồng, nhưng luôn “thiếu trước hụt sau”, triền miên qua các năm”-ông Luyến than thở.
Cùng cảnh ngộ, ông Trần Trọng Tấn-Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro (huyện Kông Chro) xác nhận: Năm 2014 và 2015, nếu không không có khoản kinh phí chi trả từ tiền DVMTR thì Công ty cũng không có cách gì xoay trở. Hiện tại, Công ty cũng đang chiếm dụng hết vốn điều lệ và nguồn vốn khác để chi trả lương cho người lao động, bởi ngân sách tỉnh tạm ứng năm 2017 là 2,3 tỷ đồng đã dành một phần chi trả ngược lại khoản tiền thiếu hụt của năm 2016. “Hiện tài khoản của Công ty chỉ còn khoảng 210 triệu đồng, không đủ để chi trả lương, bảo hiểm cho cán bộ viên chức, người lao động (30 người) thì lấy đâu ra kinh phí để giao khoán cho người dân tham gia bảo vệ rừng”-ông Tấn nêu khó khăn.

Khó mở rộng diện tích khoán cho dân

Do gặp khó khăn về tài chính, các công ty lâm nghiệp không thực hiện việc giao khoán và mở rộng diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho người dân
Do khó khăn về tài chính, nhiều công ty lâm nghiệp không thực hiện việc giao khoán và mở rộng diện tích giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ. Ảnh: M.N

Ông Vũ Đình Hiền-Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai (huyện Kbang) xác nhận: Năm 2016 theo quyết toán, ngân sách vẫn còn nợ Công ty đến 2,2 tỷ đồng. Hiện Công ty đang lo khoản tiền trả lương 22 nhân viên trong tháng này. Tuy tài chính còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2013 đến nay Công ty vẫn dành ra một phần kinh phí để chi trả cho việc giao khoán hơn 1.600 ha với 164 hộ dân người đồng bào Bahnar ở làng Cung, Buôn Lưới, Tà Kơr quản lý bảo vệ với mức chi trả 200.000 đồng/ha/năm. “Kết quả việc giao khoán này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy và nâng cao thu nhập của người dân sống gần rừng. Hiệu quả là vậy, nhưng với thực trạng tài chính như hiện nay, Công ty không thể mở rộng diện tích giao khoán cho người dân”-ông Hiền than thở. 

Tương tự, bức tranh tài chính ảm đạm khiến cho tiền lương, tiền bảo hiểm chi trả cho 22 cán bộ nhân viên công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’De (huyện Kông Chro) luôn “thiếu trước, hụt sau”. Vì lý do này, đến  quý II-2017, Công ty mới bắt đầu thực hiện việc giao khoán 1.000 ha rừng cho người dân của 2 cộng đồng làng Krap và Kbui (xã Đak Tơ Pang). Riêng Công ty lâm nghiệp Lơ Ku, trong tháng 12-2016, đơn vị này ký hợp đồng giao khoán 1.380 ha rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ với 9 cộng đồng làng, đã chi trả số tiền hơn 46 triệu đồng. Thế nhưng, việc thực hiện hợp đồng chỉ được đúng… 1 tháng. Năm 2017, Công ty tiếp tục ký hợp đồng với những cộng đồng làng này nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt kinh phí nên không có tiền chi trả cho dân. Khi người dân thắc mắc, Công ty chỉ biết trả lời ậm ờ là “đang chờ kinh phí”.

Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Kbang tại Kỳ họp thứ ba-HĐND tỉnh khóa XI về việc các Công ty lâm nghiệp sử dụng tiền DVMTR để chi trả tiền lương, phụ cấp cho nhân viên Công ty mà không thực hiện việc giao khoán một phần diện tích cho người dân, UBND tỉnh giải trình: Do Trung ương chưa cấp kinh phí cho địa phương nên các công ty này đã sử dụng tiền DVMTR để chi trả cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các công ty lâm nghiệp sử dụng tiền chi trả DVMTR thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình dân tộc Bahnar sống gần rừng nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống.

Việc cân đối ngân sách hàng năm luôn là bài toán nan giải đối với các công ty lâm nghiệp hiện nay. Chính vì vậy, sau khi “gặm” hết cả vốn điều lệ, nhiều đơn vị chỉ biết trông chờ Trung ương bố trí vốn để tỉnh bổ sung kinh phí theo quyết toán đã được phê duyệt để trả lương cho cán bộ, nhân viên. Theo số liệu quyết toán của UBND tỉnh, kinh phí hỗ trợ năm 2016 đối với 11 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 38,6 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí do ngân sách tỉnh tạm ứng (kinh phí theo Quyết định 2242) là 22,5 tỷ đồng, tiền DVMTR là 16,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thực tế đã cấp phát cho các công ty lâm nghiệp thì ngân sách còn nợ đến 22,5 tỷ đồng. Cộng với khoản nợ ngân sách của năm 2015, số kinh phí Trung ương chưa cấp hiện đã lên đến 33,2 tỷ đồng. Năm 2017, UBND tỉnh tiếp tục xuất ngân sách tạm ứng kinh phí cho các công ty lâm nghiệp nói trên số tiền 17,6 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đồng thời giao Sở Tài chính theo dõi thu hồi hoàn trả vốn ngân sách địa phương sau khi Trung ương cấp bổ sung kinh phí cho tỉnh.

Chính vì chỉ sử dụng kinh phí tạm ứng của tỉnh và tiền DVMTR để chi cho hoạt động của bộ máy, nên nhiều công ty lâm nghiệp không có kinh phí để thực hiện việc giao khoán diện tích rừng cho người dân quản lý bảo vệ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đơn cử như các công ty Lâm nghiệp: Đak Roong, Kông Chro, Lơ Ku, Kon Chiêng, Krông Pa; 6 công ty còn lại thì số diện tích giao khoán cũng rất thấp, chỉ hơn 8.723ha/114.311ha. 

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.