Chư Pưh: Nông dân khóc ròng tìm đầu ra cho cây nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng trăm hecta cây nghệ tại huyện Chư Pưh sắp đến ngày thu hoạch nhưng lại không biết bán cho ai? Việc này khiến cho nông dân huyện Chư Pưh đang đứng ngồi không yên, loay hoay tìm đầu ra cho cây nghệ.

 Cây nghệ chuẩn bị đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân vẫn chưa biết bán cho ai. Ảnh: Ngọc Thu
Cây nghệ chuẩn bị đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân vẫn chưa biết bán cho ai. Ảnh: Ngọc Thu

Nghe thông tin từ một số hộ nông dân tại Đak Lak và Đak Nông trồng cây nghệ vàng, nghệ cao sản cho thu nhập cao, nhiều hộ nông dân tại huyện Chư Pưh đã làm theo, ồ ạt trồng nghệ với hy vọng tăng thu nhập gia đình. Đến tháng 11-2017 cây nghệ cho thu hoạch, bà con lại không thể tìm ra đầu ra cho sản phẩm của mình, đành ngồi chờ cơ may có người tới hỏi mua.

Gia đình chị Trương Thị Ba (làng Plei Tao, xã Ia Phang) sau khi phá bỏ 4 ha tiêu để trồng nghệ đỏ (nghệ cao sản) thì chuẩn bị đến kỳ cho thu hoạch, gia đình chị lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi không tìm được đầu ra tiêu thụ cây nghệ. “Tôi lấy giống nghệ từ một nông dân trồng cây nghệ bên Đắk Lắk, rồi trồng cây theo kinh nghiệm của họ chia sẻ lại, đồng thời tham khảo trên internet. Trung bình mỗi sào, tôi bỏ ra chi phí 20 triệu đồng. Giờ đây, sắp thu hoạch rồi, tôi rất lo lắng vì không biết tìm đâu đầu ra cho cây nghệ”. Chị Ba buồn rầu nói.

Tương tự, gia đình anh Phạm Đức Dũng (thôn Hòa Lạc, xã Ia Phang) cũng lâm vào tình trạng khóc ròng vì gần 2 sào nghệ của anh cũng đang bí đầu ra. “Cây nghệ sắp đến kỳ thu hoạch mà không thấy thương lái nào đến hỏi mua thế này tôi như ngồi trên đống lửa. Nếu không tìm được đầu ra cho cây nghệ thì chắc tôi đành tự chế biến thành tinh bột nghệ để dùng dần hoặc chờ ai cần thì bán. Sau này, phá bỏ cây nghệ đi, trồng cây khác chứ không có ai mua thế này, bao nhiêu tiền đổ vào trồng nghệ tiêu tan hết”-anh Dũng chia sẻ.

Cây nghệ được biết đến là thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hiện giống nghệ bán cho nông dân khoảng 18.000 đồng/kg. Cây nghệ dễ trồng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương thế nên nhiều hộ dân đã học hỏi lẫn nhau, chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát, theo phong trào. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn huyện có 181 hộ trồng nghệ với tổng diện tích gần 200 ha tại 8 xã, năng suất ước đạt 194 tạ/ha. Giống nghệ được trồng chủ yếu là nghệ vàng và nghệ đỏ được người dân đưa vào trồng từ cuối năm 2016 và tăng đột biến trong năm 2017. Các xã, thị trấn trên địa bàn chưa có tổ chức, cơ sở cung ứng đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn  và chưa có quy trình sản xuất trồng, sơ chế củ nghệ. Đồng thời, cũng chưa có cơ sở thu mua nghệ nên chưa có giá cả cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Chư Pưh cho biết: Việc sản xuất tiêu thụ cây nghệ của người dân chưa nằm trong kế hoạch, quy hoạch của vùng, chủ yếu người dân trồng tự phát, chưa có sự liên kết của 4 nhà... dẫn đến chưa có đầu ra. Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ đề xuất UBND huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành triển khai công tác quy hoạch vùng, cơ chế kiểm soát sự phát triển của cây nghệ theo hướng bền vững. Xây dựng quy trình thâm canh cho cây nghệ, kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp để xây dựng nhà máy, xưởng sơ chế, chế biến sản phẩm nhằm liên kết các hộ sản xuất và bao tiêu sản phẩm, có chính sách vay vốn... Đồng thời bố trí kinh phí tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ xây dựng Hợp tác xã, cơ sở sơ chế sản phẩm từ cây nghệ nhằm tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập người dân.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.