Trồng gấc cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2014, cây gấc được một số hộ dân tại huyện Đak Pơ và Kbang đưa vào trồng thử nghiệm. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng cây gấc cho năng suất cao,  tạo nguồn thu tương đối ổn định.

Năng suất đạt khá

Cuối tháng 4-2014, anh Bùi Thanh Quý (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) ký kết hợp đồng với một công ty chuyên đầu tư phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ quả gấc ở TP. Hồ Chí Minh để trồng 1 ha gấc nguyên liệu. “Hồi đó, do thiếu kinh nghiệm nên tôi mua phải giống gấc trồng từ hạt, chưa qua ghép nên năm đầu thu được rất ít. Sau tìm hiểu, tôi tiến hành ghép chồi thì vườn gấc cho năng suất rất cao. 2 năm nay trung bình thu trên dưới 20 tấn gấc trái/ năm. Với giá dao động từ 7 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng/kg, mỗi ha gấc lãi  130-150 triệu đồng/năm”-anh Quý cho biết.

 

Anh Quý thu hoạch gấc và đóng gói để gửi xe vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: L.H
Anh Quý thu hoạch gấc và đóng gói để gửi xe vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: L.H

Cái lợi của trồng gấc là có thể cho thu hoạch đến 20 năm. “Cây gấc thích hợp với những vùng đất tơi xốp, gần nguồn nước nhưng dễ tiêu thoát nước trong mùa mưa, bởi ngập úng rất dễ bị chết. Gấc là loài cây dây leo, sức sống khỏe nên không đòi hỏi nhiều phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Cây gấc cũng ít sâu bệnh, chỉ e ngại là vào mùa mưa, ong vàng và một số loại côn trùng khác tấn công gây hư thối trái. Người trồng phải cắt tỉa bớt lá thường xuyên để giàn gấc thông thoáng, tránh ủ mầm bệnh. Ngoài ra, để vườn gấc đạt năng suất, người trồng nên đầu tư làm giàn như trồng chanh dây”-anh Quý chia sẻ thêm.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Huệ (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ) cũng trồng 5 sào gấc với khoảng 250 gốc trên sườn đồi. “Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 70 triệu đồng. Gấc cho thu hoạch khá đều đặn, cứ cách ngày thu một lần. Trồng gấc dễ và ổn định hơn chanh dây nhiều”-ông Huệ nói. Dưới giàn gấc, ông Huệ còn kết hợp trồng thêm khoảng 1.000 gốc đinh lăng, gừng và một số loại cây trồng ưa bóng râm khác để tăng thu nhập.

Khó khăn bài toán đầu ra

Anh Bùi Thanh Quý cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng với công ty thu mua tối thiểu là 5 ngàn đồng/kg nhưng thực tế, chưa bao giờ chúng tôi phải bán gấc ở mức giá này”. Vậy nhưng, khó khăn mà người trồng gấc ở Đak Pơ, Kbang đang gặp phải là sự bất lợi trong khâu vận chuyển. Trước đây, theo cam kết, công ty sẽ bao tiêu, vận chuyển trong phạm vi dưới 200 km. Tuy nhiên, từ Đak Pơ, Kbang vào nhà máy ở TP. Hồ Chí Minh khoảng cách quá xa, trong khi lượng gấc nguyên liệu cung ứng hàng ngày không đủ để công ty bố trí phương tiện vận chuyển. Vì vậy, hiện nay,  người dân phải đóng thùng gửi xe khách vào TP. Hồ Chí Minh, sau đó công ty đưa về nhà máy. Công ty cũng linh hoạt trong phương thức thu mua, có thể nhập trái về hàng ngày hoặc nạo lấy phần ruột gấc và trữ đông. Hiện tại đang là đầu mùa gấc, giá thu mua khá cao. Gấc trái hiện có giá 10 ngàn đồng/kg và gấc phần ruột có giá 30 ngàn đồng/kg.

“Về nguyên tắc, nhập loại nào cũng giống nhau. Nếu nhập trái tốn hơn về tiền vận chuyển thì nhập ruột lại phải đầu tư tủ lạnh để trữ đông. Có khi phải mất tới hàng chục ngày mới đủ  lượng ruột gấc trước khi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Ai nhập trái thì tiền về đều đặn 2 ngày một lần”-ông Nguyễn Văn Huệ phân tích. Ngoài nhập cho công ty, các chủ vườn gấc cũng bán lẻ cho người dân hoặc tiểu thương quanh khu vực có nhu cầu.

Gấc có thể xem là loại cây trồng mang lại nguồn thu khá cao so với nhiều loại cây trồng khác tại khu vực phía Đông tỉnh. Tuy nhiên, vì phát triển nhỏ lẻ, manh mún nên người trồng gấc còn chưa hết vất vả trong khâu tiêu thụ.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.