Giá vật liệu xây dựng tăng, công trình gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá cả một số loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép và cát liên tục tăng trong thời gian qua đã khiến nhiều hộ dân, doanh nghiệp lo lắng. Nguyên nhân khiến thép tăng giá chủ yếu do tác động của thị trường nước ngoài, trong khi giá cát tăng là vì nguồn cung khan hiếm.

Tần ngần trước cửa hàng thép Minh Đức (635 Lê Duẩn, TP. Pleiku) vì giá thép tiếp tục tăng thêm 300 đồng/kg so với cách đây vài hôm, ông Jiem (làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku) buột miệng: “Nhà tôi đang xây dở, giá thép dù có tăng cũng phải mua chứ đâu thể dừng công trình. Ban đầu tôi dự tính xây nhà hết khoảng 300 triệu đồng, giờ đội lên gần 400 triệu đồng nên chưa biết xoay tiền thế nào”.

 

Giá thép xây dựng tăng cao trong thời gian gần đây.                              Ảnh: L.L
Giá thép xây dựng tăng cao trong thời gian gần đây. Ảnh: L.L

Giá thép tăng khiến người dân lo lắng một thì các chủ thầu lo lắng gấp bội, nhất là những nhà thầu xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” hoặc nhà thầu đã đấu thầu các công trình lớn. Ông Nguyễn Văn Vinh-một nhà thầu xây dựng ở TP. Pleiku, cho biết: “Công trình thì đơn vị đã nhận từ đầu năm, nay giá thép tăng mạnh khiến việc thi công gặp khó khăn. Mặc dù đã bàn bạc thỏa thuận lại với chủ đầu tư nhưng chưa có phương án thống nhất. Hiện công trình đang tạm ngừng xây dựng bởi làm tiếp chỉ có lỗ”.

Theo ông Phan Đình Thạnh- Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Minh Đức, giá thép Pomina hiện tăng khá nhanh, cứ vài ngày lại tăng một lần. Cụ thể, trong 1 tháng trở lại đây, giá thép này đã tăng đến 2.000 đồng/kg, từ 12.900 đồng/kg lên 14.950 đồng/kg. “Giá thép tăng liên tục khiến thị trường bán ra rất chậm, lượng hàng giảm đáng kể. Trước đây, bình quân mỗi tháng đơn vị bán 250-300 tấn thép nhưng hiện tại chỉ khoảng trên 100 tấn, đặc biệt lượng hàng bán cho công trình giảm mạnh. Nhiều công trình không dám nhận giá vì giá thép tăng lên từng ngày”-ông Thạnh lo lắng.

Không chỉ thép Pomina, các loại thép khác cũng đồng loạt tăng giá. “Giá thép Hoa Sen tại cửa hàng đã tăng 2.000 đồng/kg, từ 16.500 đồng/kg lên 18.500 đồng/kg, vì thế hàng bán ra cũng rất chậm”-bà Nguyễn Thị Dung-chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Chí Dung (đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku) cho biết. Nguyên nhân giá thép tăng mạnh được cho là do tác động của thị trường thép nước ngoài. Hiện giá phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng vượt ngưỡng 11 triệu đồng/tấn, khiến giá thép thành phẩm trong nước tăng theo.

Sau thép, cát cũng là mặt hàng tăng giá nhanh trong thời gian gần đây. Khảo sát tại một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng cho thấy, giá cát liên tục tăng do nguồn cung khan hiếm.  Hiện tại, giá cát bán ra tại các cửa hàng là 190.000 đồng/m3 đối với xe lớn,  còn với khách hành mua lẻ thì khoảng 250.000 đồng/m3-tăng khoảng 40.000 đồng/m3 so với trước đây. Anh Nguyễn Hữu Hoàng (525 Lê Duẩn, TP. Pleiku) cho biết: “Gia đình chỉ sửa chữa nhỏ nhưng giá cả vật liệu tăng thế này cũng khiến chi phí xây dựng tốn kém hơn. Cát và sắt là vật liệu không thể tiết kiệm được nên đành chấp nhận”.

Theo chia sẻ của chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng Thành Long (đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku) thì giá cát hiện tăng khoảng 20% so với trước đây do nguồn cát khai thác ở tỉnh Kon Tum đang khan hiếm.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.