Gia Lai: Cần triển khai các dự án cam kết đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với vai trò là trung gian tài chính, việc cam kết đầu tư tín dụng từ các ngân hàng thương mại sẽ giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) có đủ nguồn lực để thực hiện dự án nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết tài trợ vốn cho nhiều dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thủy điện, thương mại dịch vụ, du lịch. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Song trên thực tế, một số dự án trong chương trình xúc tiến đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ giải ngân vốn cam kết từ phía ngân hàng.

 

Thông qua hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp đã được tháo gỡ. Ảnh: T.N
Thông qua hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp đã được tháo gỡ. Ảnh: T.N

Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai, cho biết: Đối với 10 dự án có tổng số vốn đầu tư cam kết hơn 3.000 tỷ đồng tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh cuối năm 2016, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều cố gắng để triển khai thực hiện. Tuy nhiên đến nay, phía ngân hàng cũng chỉ mới giải ngân được 1 dự án của Trường Sinh Group xây dựng cụm nhà máy chế biến dược liệu, thực phẩm Trường Sinh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Quốc Vinh-Giám đốc BIDV Nam Gia Lai, cho rằng: “Nếu không có những dự án lớn trên địa bàn thì chắc chắn DN sẽ không có cơ hội đầu tư và nền kinh tế cũng ít có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết sau hội nghị xúc tiến đầu tư là rất cần thiết. Sau hội nghị hồi cuối năm ngoái, nhiều DN đã khởi động ngay, nhưng quá trình thực hiện lại vướng quá nhiều cửa. Vấn đề đặt ra là cần kết nối giữa các ngành, địa phương để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai. Trên thực tế, có những dự án lớn, việc giải quyết thủ tục có khi kéo dài 1-2 năm nên cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ”. Cũng theo ông Vinh, tỉnh nên chọn những nhà đầu tư có tiềm lực thực sự, nhất là nhà đầu tư có khả năng về tài chính để triển khai dự án. Nếu giao dự án cho những nhà đầu tư không đủ năng lực thì việc triển khai sẽ kéo dài hoặc dẫn đến phải thu hồi dự án.

Bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư cam kết tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, mới đây, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng-DN. Hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Cũng trong hội nghị này, 2 dự án với tổng vốn cam kết đầu tư tín dụng 285 tỷ đồng đã được 2 ngân hàng ký kết. Trong đó, Chi nhánh Agribank Đông Gia Lai ký cam kết đầu tư tín dụng dự án xây dựng khách sạn 86 Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) của Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai và Chi nhánh Vietcombank Gia Lai ký cam kết đầu tư tín dụng xây dựng thủy điện Ayun Trung (huyện Mang Yang) của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường Gia Lai.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó đẩy mạnh thực hiện chủ trương hỗ trợ và phát triển DN. Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đã được áp dụng nên dư nợ khối khách hàng này tăng lên đáng kể, hiện đã đạt 32.133 tỷ đồng, chiếm 44,2% tổng dư nợ. Riêng dư nợ tín dụng chương trình kết nối ngân hàng-DN đến cuối tháng 6-2017 đã đạt 16.925 tỷ đồng với 473 DN.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.