Đinh A Rớh giúp dân làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dễ gần, dung dị nhưng lại vô cùng kiên nghị, rắn rỏi đậm chất Bahnar, đó là tính cách của ông Đinh A Rớh-Bí thư Đảng ủy xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro. Bao năm qua, bằng tình yêu với đất và người nơi vùng khó Đak Kơ Ning, ông đã nỗ lực đưa kinh tế gia đình cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã vươn lên làm giàu từ cây mía, bí đỏ, ớt...

Người dân đua nhau làm kinh tế

Vừa xong nhiệm vụ ở cơ quan, ông Đinh A Rớh tranh thủ về nhà thay quần áo lên thăm rẫy mía. Nghe chúng tôi điện thoại, ông phải hoãn công việc để ở nhà. Gặp chúng tôi, ông bảo: “Chuyện có gì đáng phải kể. Ở mảnh đất khó này phải nỗ lực vươn lên là lẽ tất yếu”. Nói vậy chứ chúng tôi đã từng được Bí thư Huyện ủy Kông Chro Trần Cao Nguyên kể về ông: Một tay (ông Rớh bị tai nạn lao động mất một tay-N.V) nhưng ông đã làm được bao điều cho xã, cho làng và cho gia đình mình.

 

Ông Rớh nói chuyện với nhà báo. Ảnh: L.V.N
Ông Rớh nói chuyện với nhà báo. Ảnh: L.V.N

Đi cùng chúng tôi, trong câu chuyện về ông Đinh A Rớh, anh Krung Hoàn Dân (làng Nhang Lớn) hào hứng chia sẻ: “Không có ông Rớh, mình không được như ngày hôm nay. Đất có, lao động có nhưng chỉ làm lúa rẫy một vụ nên đói giáp hạt quanh năm. Giờ làm mía, mì khỏe re; sau khi làm cỏ, bón phân xong là có thể nghỉ ngơi hay làm việc khác”. Rồi anh khoe với chúng tôi trong tiếng cười mãn nguyện: “Nhà mình có 5 ha mía, 3 ha mì, 5 sào ớt và đàn bò nuôi rẽ, mỗi năm thu về không dưới 300 triệu đồng”. Anh Dân chỉ là một trong nhiều hộ đồng bào Bahnar ở làng Nhang Lớn có 4-5 ha mía, 3-4 ha mì, vài sào bí đỏ, mỗi năm thu nhập 300-400 triệu đồng. Thật hiếm có xã nào ở huyện Kông Chro mà nhiều hộ đồng bào Bahnar lại mạnh dạn trồng cả hàng chục ha mía, cả ha ớt, bí đỏ như ở Đak Kơ Ning.

Ông Đinh A Rớh khẳng định: “Ban ngày vào xã Đak Kơ Ning này gần như chỉ có người già và trẻ con bởi người lớn đều bận bịu với chuyện nương rẫy”. Ông còn nói, chỉ có kẻ biếng nhác mới ở nhà uống rượu. “Trước đây, nhiều người hay uống rượu, ảnh hưởng tới việc đồng áng. Có thời gian bà con làm công cho mình, mình chỉ cho uống buổi chiều để giải mỏi, dần dần thành thói quen”-ông Rớh kể.  Theo ông Rớh, trước đây, nhiều gia đình ở Đak Kơ Ning  có đất nhưng không ai dám trồng dưa, mía, mì, bí đỏ vì sợ không có người mua và không biết chăm sóc như thế nào, thời gian thu hoạch thì quá lâu… Bây giờ có Nhà máy Đường An Khê vào ứng giống mía, phân bón và thu mua; các nông sản khác thì có thương lái đến tận nơi thu mua. “Mía ở đây đạt 90-100 tấn/ha nhờ đất tốt, thậm chí lần đầu trồng đạt đến 120 tấn/ha. Nhưng để bà con Bahnar ở đây biết trồng mía, dưa, bí đỏ là cả một câu chuyện dài”-ông Rớh nói.

 

Ông Đinh A Rớh kiểm tra xe trước khi cho nhân công lái lên rẫy.       Ảnh: L.V.N
Ông Đinh A Rớh kiểm tra xe trước khi cho nhân công lái lên rẫy. Ảnh: L.V.N

Chuyện ông Rớh học… làm giàu

Đinh A Rớh lớn lên và theo cách mạng từ rất sớm. Ông kể: “Sau năm 1975, khi đã 19 tuổi, tôi mới được vào học lớp 1. Tốt nghiệp bổ túc trường bán trú vừa học vừa làm ở An Khê thì ngấp nghé tuổi 30”. Sau khi học xong sơ cấp kinh tế ở Kon Tum, ông Rớh về làm việc  tại Ngân hàng tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ). Là đảng viên từ năm 1981 nhưng do thích gần gũi với núi rừng, ông bỏ về quê làm rẫy, nhiều lần không sinh hoạt Đảng nên bị... xóa tên. Về địa phương, như thấy có lỗi với buôn làng, với người cha hy sinh trong kháng chiến, ông trở lại tham gia công tác địa phương và lại được kết nạp Đảng vào năm 1995.

Làm lúa rẫy quanh năm vẫn không đủ ăn, năm 1996, ông  Rớh mạnh dạn vay ngân hàng 10 triệu đồng để nuôi bò, trồng bắp và 2 năm sau đã trả được nợ. Từ năm 1997 đến 2003, ông kết hợp với ông Lê Sự ở thị xã An Khê đầu tư trồng ớt và dưa hấu, mỗi năm thu lãi 100-150 triệu đồng. “Điều quan trọng nhất là mình học được kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ anh ấy”-ông Rớh nhấn mạnh. Sau đó, ông  tiếp tục cùng ông Sự trồng thêm mì, keo, mía. Bây giờ, ông Rớh đã tự làm riêng 3 ha mì, 15 ha mía, 10 ha keo, 1 ha bí đỏ và có gần 100 con bò nuôi rẽ, mỗi năm lãi không dưới 400 triệu đồng.

 

Ông Rớh bên rẫy mì gia đình ở làng Nhang Nhỏ. Ảnh: L.V.N
Ông Rớh bên rẫy mì gia đình ở làng Nhang Nhỏ. Ảnh: L.V.N

Số tiền lãi hàng năm, ông Rớh không gửi ngân hàng mà tiếp tục mua bò gửi 75 hộ nuôi rẽ và cho bà con mượn vốn làm ăn không tính lãi. “Mình hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa, mía, ớt... cho anh em trong nhà rồi đến bà con trong làng qua việc làm công cho mình. Bằng cách này, mọi người thấy được năng suất cây trồng của mình, thế là làm theo”-ông Rớh giải thích. Còn ông Đinh Vâu-Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning thì bảo: “Vừa là cán bộ xã, vừa sản xuất giỏi, ai mà không tin. Noi gương ông Rớh, 5 năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào Bahnar đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng. Nay về xã Đak Kơ Ning, nhà báo sẽ thấy nhiều nhà sàn rộng lớn chứ không như trước chỉ nhà tranh và lèo tèo ngôi nhà tôn”.

*
Chia tay Đak Kơ Ning, nhìn những ngôi nhà sàn sừng sững, lòng tôi không khỏi dậy lên sự cảm phục về một con người đã dám dũng cảm vượt lên khó khăn, có những suy nghĩ đột phá đáng để chúng ta học hỏi và noi theo. Cuộc sống của người dân Đak Kơ Ning  đang có những khởi sắc, chuyển mình mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Đinh A Rớh.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.