Sổ tay: Ngẫm về mô hình VAC

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi vừa có dịp về Bình Định dự đám giỗ nhà một người bạn thời trung học. Nhà bạn tôi ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ. Không tin nổi là một vùng quê cách quốc lộ 1 về phía biển chừng 5-6 km lại trù phú đến vậy. Cũng không ai nghĩ đây là nông thôn cả bởi đường xuống xã là đường nhựa phẳng lỳ, rộng rãi, nhà cửa hai bên san sát chẳng khác chi thành phố. Nhà nào cũng xây kiên cố, đủ kiểu dáng, từ nhà mái bằng đến nhà Thái, nhà ống. Tiệc đám giỗ ở nông thôn mà tổ chức như ở nhà hàng lớn: 10 mâm, mỗi mâm 10 người, thực phẩm đều là đặc sản của địa phương như: cá mú, mực ống, cá chua…
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xong đám giỗ, chúng tôi chạy xe sang thăm một người bạn ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát đã 42 năm không gặp. Từ Mỹ Chánh cứ theo con đường nhựa chạy xuống sát biển rồi rẽ phải là đến. Lại thêm một bất ngờ nữa chờ chúng tôi: Gia sản của anh gồm 2 đìa nuôi tôm, diện tích mỗi đìa khoảng 400 m2; trên khoảng đất vườn rộng chừng hơn sào, anh nuôi một đàn bò sữa, quây lưới nuôi gà và thả cá trê trong hồ xây xi măng. Bên đìa tôm, anh trồng xoài cát, dừa vừa che mát vừa thu hoạch trái. Anh đặt 2 máy bơm nước loại lớn để lấy nước mặn từ con mương vào và đìa nào cũng bố trí máy sục khí rất bài bản. Bên dĩa tôm hấp, cá dìa nướng, gà luộc và cá chua cuốn bánh tráng, rau sống, xoài trộn, bạn tôi tâm sự: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 do điều kiện gia đình nên anh không thể tiếp tục học lên mà về quê sinh sống.

Bấy giờ, khu vực gần biển của xã Cát Minh khá heo hút, dân cư thưa thớt. Anh ra đây khai khẩn đất hoang, hàng ngày hì hục đào rồi gánh đất, gánh cát đưa lên lập vườn, làm đìa. Anh vừa làm ruộng, vừa đổ mồ hôi trên mảnh đất vườn và phải mất vài năm mới hình thành nên cơ ngơi như bây giờ. Nhờ thu nhập từ nuôi tôm, nuôi cá, nuôi bò hay nói nôm na là sản xuất tăng gia theo mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) anh đã nuôi được 3 người con ăn học xong bậc đại học, mua nhà, mua xe cho con ở TP. Hồ Chí Minh.

Bất chợt tôi nhớ lại đời sống viên chức thời bao cấp cách đây 30 năm ở Tây Nguyên. Trừ những người công tác ở vùng đô thị, kiểu tăng gia duy nhất chỉ là nuôi heo, còn lại ở vùng nông thôn hầu như nhà ai cũng tổ chức chăn nuôi, trồng trọt bởi có điều kiện thuận lợi hơn. Những ngày cuối mùa khô, tranh thủ giờ nghỉ ra rẫy cuốc đất đợi mưa xuống trỉa bắp, trỉa lúa, trồng mì hoặc đánh luống trồng khoai. Những năm ấy, đất đai chưa được quản lý chặt chẽ và cũng chưa có giá trị như bây giờ, ai thích thì cứ ra những vùng lưng chừng đồi, ven suối dọn cỏ, chặt cây mà làm… Chỉ đến giữa những năm 90 thế kỷ trước, khi phong trào trồng cà phê, trồng điều, trồng hồ tiêu nở rộ, nhà nhà trồng, người người trồng thì đất mới bắt đầu có giá, không ít người từ chỗ tay trắng bỗng chốc trở thành triệu phú, tỷ phú. Thế nhưng cái thế đất mà ai cũng thích là trên khu đất ấy có thể lập vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào ao nuôi cá, nghĩa là sản xuất, tăng gia theo mô hình VAC. Không ít “đại gia” ở thành phố cũng tìm về vùng nông thôn mua đất làm trang trại tổng hợp để ngày nghỉ cuối tuần cả nhà về đó nghỉ ngơi, thư giãn…

Ngẫm nghĩ dẫu ba bốn mươi năm trước hay bây giờ, mô hình VAC đều mang lại cho người sản xuất nguồn thu nhập đáng kể, tùy theo mức đầu tư và quy mô của vườn, ao, chuồng, dẫu ít cũng bảo đảm nguồn thực phẩm cho gia đình, nhiều thì có thể giúp chủ hộ trang trải những khoản chi lớn trong nhà. Đặc biệt, khi mà chất lượng thực phẩm đang ở tình trạng báo động mất an toàn vệ sinh như hiện nay thì nông sản sạch do các mô hình VAC làm ra luôn đem lại sự an tâm gần như tuyệt đối cho người tiêu dùng.

Rõ ràng thời nào đi nữa, bao cấp hay cơ chế thị trường, VAC cũng luôn góp phần bảo đảm ổn định đời sống kinh tế cho người dân vùng nông thôn!

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.