Quản lý giá sữa cho trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Công thương vừa ban hành thông tư quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Điểm mới ở đây là thông tư sẽ gắn trách nhiệm, quyền tổ chức thị trường, quyền định giá của doanh nghiệp với trách nhiệm tổ chức thị trường và hệ thống phân phối.

Quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thực hiện từ mấy năm trước với biện pháp áp giá trần. Biện pháp này đã tỏ ra không hiệu quả vì các nhà sản xuất sữa có rất nhiều phương cách để sản phẩm của mình bán không vượt giá trần, nhưng người mua vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi vì phải mua giá sữa cao. Chưa kể, giá trần cũng không thể kiểm soát được chất lượng sữa, không thể biết được “đầu vào” của sữa, mà chỉ cấm bán sữa vượt giá trần. Việc “lách” để không vượt giá trần là chuyện không khó đối với doanh nghiệp.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nay thì tới câu chuyện trả lại thị trường, trả lại quyền quyết định giá trên thị trường cho doanh nghiệp nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát theo quy định của Luật Giá với yêu cầu quản lý các hệ thống phân phối của doanh nghiệp trên thị trường, Nhà nước hậu kiểm quan sát từng khâu, từng khía cạnh của doanh nghiệp.

Dĩ nhiên những yêu cầu trên không hề bảo đảm việc giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ rẻ hơn và cũng chưa thật sự quản lý được chất lượng sữa. Nhưng điều có thể tin được là khi sản phẩm sữa được trả về cho thị trường thì sẽ có sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và phân phối sữa, và càng có sự cạnh tranh lành mạnh thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi. Khi ấy, chất lượng sữa cũng sẽ phải cạnh tranh và một khi không chỉ cạnh tranh bằng… quảng cáo thì hy vọng người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn đối với những nhãn hàng có chất lượng và phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi.

Ở những nước tiên tiến, có vẻ nhà nước như không quản lý gì cả, thị trường sữa hoạt động tự do, nhưng thực ra, các cơ quan chức năng nhà nước không bao giờ lơ là hay bỏ mặc chất lượng sữa trên thị trường. Giá cả sẽ tự do cạnh tranh, nhưng chất lượng, nhất là chất lượng sữa cho trẻ em thì phải tuyệt đối đúng chuẩn. Kể cả chuyện quảng cáo sữa cũng không được “nói quá”, và dĩ nhiên, không được “nói xạo”. Mỹ là quốc gia quản lý chất lượng sữa chặt chẽ nhất thế giới; còn về giá cả, mặt hàng sữa ở quốc gia này chỉ có cạnh tranh để… hạ giá, chứ không có cạnh tranh để tăng giá. Ngay ở châu Âu, sữa cũng là mặt hàng giá cả “bình dân” nhất, còn chất lượng thì hết sức đảm bảo.

Phải nói thật, chỉ riêng ở Việt Nam, giá sữa bột, kể cả sữa dành cho trẻ em, là có giá ngất ngưởng. Quảng cáo dữ dội, phần trăm phát hành lớn thì giá sữa không cao mới là chuyện lạ!

Trong khi ở Mỹ người ta tuyệt đối không nhập khẩu sữa, thì ở Việt Nam sữa nhập khẩu luôn chiếm thị phần lớn  và luôn được bán với giá rất cao. Do tâm lý người Việt sùng hàng ngoại, phải xài hàng ngoại mới tốt, mới đáng tin cậy nên giá sữa ngoại nhập chưa bao giờ hạ.

Nếu các doanh nghiệp sữa Việt Nam sản xuất được các loại sữa có chất lượng ngang với hàng ngoại nhập, lại được bán với giá rẻ hơn, thì một khi đã quen dùng và nhận thấy hiệu quả, người tiêu dùng Việt Nam sẽ ngày càng chuộng mặt hàng sữa Việt. Quảng cáo chỉ là một phần, chứng minh bằng thực chất mới là quyết định. Muốn như thế thì không thể sản xuất “sữa tươi” từ “sữa hoàn nguyên” (sữa nước làm từ nguyên liệu sữa bột). Nhà nước cũng phải đặc biệt kiểm soát khâu quảng cáo sữa, vì đó là mặt hàng nhạy cảm với sức khỏe người dân, đặc biệt là với trẻ em, nhất là trẻ em dưới 6 tuổi. 

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.