Gia Lai: Tín hiệu lạc quan từ khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh đang khởi sắc khi thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư, giá trị sản xuất cũng như doanh thu thuần gia tăng đáng kể; chỉ số kim ngạch xuất nhập khẩu và nộp ngân sách nhà nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2016.

Kết thúc quý II-2017, hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại-dịch vụ của các doanh nghiệp và tình hình thu hút đầu tư tại Khu Công nghiệp (KCN) Trà Đa, Khu Kinh tế (KKT) Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã có sự tăng trưởng tích cực về mọi mặt. Điều này cho thấy, những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp đã mang lại kết quả.

 

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Nguyễn Giác
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Nguyễn Giác

Trong 6 tháng đầu năm nay, KCN Trà Đa đã thu hút 4 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 399,5 tỷ đồng, đã thực hiện ước đạt 33,1 tỷ đồng. Hiện tại, KCN Trà Đa có 42 nhà đầu tư, triển khai 47 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.751 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2016). Tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 1.112,6 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 63,5% tổng vốn đăng ký). Đáng kể nhất là 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 239 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện 253 tỷ đồng.

Theo phân tích từ Ban Quản lý KKT tỉnh, các nhà đầu tư tại đây tập trung chủ yếu vào các ngành nghề phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu của địa phương như: sản xuất đá granite, nông sản, gỗ. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực, chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Đơn cử, tổng doanh thu thuần đạt 919,6 tỷ đồng (tăng 110%); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.213,1 tỷ đồng (tăng 97%); doanh thu công nghiệp đạt 428,5 tỷ đồng (tăng 40%); nộp ngân sách nhà nước đạt 16,8 tỷ đồng (tăng 77%). Một chỉ tiêu đáng quan tâm là kim ngạch xuất khẩu đạt 100,3 triệu USD, tăng 169,5% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 34,2% so với kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam chiếm 99,9% (tăng 231,7%), Công ty cổ phần Khoáng sản Anh Khoa Gia Lai chiếm 0,1% (cùng kỳ năm ngoái không có xuất khẩu). Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng là do nhu cầu thị trường tăng đối với các mặt hàng nông sản. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 362.461 USD (Công ty Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam nhập khẩu cà phê nhân từ Lào để xuất khẩu).

So với nhiều năm qua, hoạt động thương mại-xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trong 6 tháng đầu năm nay đạt kết quả tích cực. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động tại KKT Cửa khẩu ngày càng ổn định và phát triển; hoạt động thương mại biên giới tăng cao so với cùng kỳ năm trước cả về số lượng, giá trị hàng hóa. Cụ thể, tổng doanh thu thuần ước tính đạt 1.171 tỷ đồng, tăng 750%, nộp ngân sách nhà nước đạt 61,2 tỷ đồng, tăng 1.636%. Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 127 triệu USD, tăng 100% và chiếm tới 31% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh (trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 15 triệu USD, tăng 219%; kim ngạch nhập khẩu đạt 112 triệu USD, tăng 90,8%).

 

Trong 6 tháng đầu năm nay, KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã thu hút 3 nhà đầu tư, thực hiện 4 dự án với tổng vốn đăng ký 48 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, có 38 doanh nghiệp đăng ký hoạt động mua bán kinh doanh tại KKT, trong đó có 12 doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư 18 dự án (7 dự án đã đi vào hoạt động, 11 dự án đang xây dựng) với tổng vốn đầu tư đăng ký 396 tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, kinh doanh kho bãi, phù hợp với đặc thù cửa khẩu. Hiện có 2 dự án đầu tư, chế biến sản xuất gỗ và hàng nội thất xuất khẩu.

Theo nhận định của ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh, cơ chế chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh được gia tăng nên đã thu hút lượng lớn hàng hóa nhập về cửa khẩu. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Ban Quản lý đã đề ra các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp như: xây dựng, ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2017; kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính; công khai minh bạch thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa và trang thông tin điện tử; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và cải cách hành chính. Ban cũng đã phấn đấu giảm 30% thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Nhờ đó, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền sở tại tăng lên rõ rệt; mối quan hệ giữa các ban, ngành chức năng với doanh nghiệp ngày càng củng cố, thắt chặt theo hướng đồng hành hỗ trợ lẫn nhau...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.