Thành công với mô hình trồng dâu tây theo phương pháp sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nhiều năm vừa làm vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm, ông Đinh Cương (thôn 1, xã An Phú, TP. Pleiku) đã thực hiện thành công mô hình trồng dâu tây bằng chế phẩm hữu cơ sinh học. Trên diện tích hơn 1 sào đất, những luống dâu tây căng mướt đang vào kỳ ra hoa, hứa hẹn đem đến một mùa bội thu.

Ông Đinh Cương cho biết, gia đình ông đã có vài chục năm làm ăn ở vùng đất An Phú này với công việc sản xuất rau màu. Nhưng làm rau thì một lứa được ba bốn lứa mất, rất bấp bênh. Do đó, khi được sự hỗ trợ của người quen, ông quyết định chuyển hướng sang trồng dâu tây. Với nhiều nông dân, đây là hướng đi mạo hiểm khi chưa có mô hình nào trên đất Gia Lai lúc đó. Khi bắt tay vào làm, ông chọn cho mình hướng sản xuất bền vững, đó là sử dụng chế phẩm hữu cơ sinh học công nghệ Nano trong canh tác.

 

Vườn dâu tây canh tác bằng chế phẩm hữu cơ sinh học cho thu nhập ổn định, bền vững. Ảnh: T.N
Vườn dâu tây canh tác bằng chế phẩm hữu cơ sinh học cho thu nhập ổn định, bền vững. Ảnh: T.N

Gắn bó với cây dâu tây hơn 7 năm nay, qua mỗi vụ trồng mới, ông Cương lại có thêm kinh nghiệm quý báu. Theo ông, đó là kiến thức học từ sách vở và cả sự đánh đổi bằng thất bại. Ông Cương chia sẻ: “Phải mất 3 năm tôi mới có được kiến thức cơ bản về trồng dâu tây. Ban đầu, tôi thất bại do giống. Trong quá trình sản xuất thì gặp bất lợi về thời tiết, rồi cả sâu bệnh gây hại. Năm đầu tiên thu hoạch được ít, bù vào chi phí coi như lỗ, năm sau huề vốn, năm nữa chỉ lãi chút đỉnh. Vậy nhưng tôi không nản chí mà càng quyết tâm bỏ công sức, vốn liếng ra gầy dựng cho được vườn dâu. Bước đầu, vườn cây đã cho hiệu quả kinh tế”.
 

Ông Đinh Cương: “Trồng bằng phương pháp hữu cơ sẽ đảm bảo đủ dinh dưỡng. Cây trồng được đặt xuống sẽ sống bằng bản năng của nó, do đó, người trồng chỉ phụ trợ thêm bằng dinh dưỡng hữu cơ. Áp dụng công nghệ sinh học, cây dâu có thể cho thu hoạch đến 2 năm. Đây mới chính là hướng đi bền vững, cho ra sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng”.

Với kinh phí đầu tư cơ bản ban đầu hơn 350 triệu đồng, ông Cương xây dựng nhà lưới khép kín, một phần diện tích trồng trên nền đất theo luống, phần còn lại ông thiết kế giá đỡ để trồng trên giàn và đặt theo tầng cách mặt đất khoảng hơn 1 mét. Cách làm này tốn kém hơn nhưng trồng giàn sẽ giúp cây cách ly với các loại sâu bệnh, hiệu quả mang lại cao hơn. Toàn bộ vườn dâu được trồng bằng trấu và xơ dừa trộn phân bò hoai mục, còn việc cung cấp dinh dưỡng cũng như ngừa bệnh và trị bệnh lại sử dụng dung dịch chế phẩm Nano bạc, hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Khu vườn còn được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ngay tại gốc để điều tiết đủ nước và dưỡng chất cho cây, tiết kiệm công chăm sóc. Phương pháp hữu cơ cho trái dâu không to, không bắt mắt bằng nhưng đổi lại dâu không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trái dâu ăn giòn, vị ngọt hơn.

Năm vừa rồi gọi là mất mùa nhưng ông Cương vẫn thu gần 200 triệu đồng từ vườn dâu. Năm gặp thời tiết thuận lợi thu đến 300 triệu đồng. Nếu canh tác rau màu trên cùng diện tích này, phải mất vài năm mới được chừng đó. Hấp dẫn như vậy, nhưng để có được kết quả, người trồng phải dày công chăm sóc. Hầu như ngày nào vợ chồng ông cũng quanh quẩn bên vườn dâu, đặc biệt trong thời kỳ cây sinh trưởng phải đi lặt bỏ lá già, một mặt cho thông thoáng, một mặt dồn dinh dưỡng cho bộ rễ để nuôi cây.  

Hiện tại, đầu ra sản phẩm dâu tây sạch của vườn nhà ông Cương rất ổn định. Ông Cương khẳng định, gần như cung không đủ cầu.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.