Xuất khẩu lao động của tỉnh: Cần những "cú hích"...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một trong những giải pháp góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và giảm nghèo của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế.

  Nhiều thanh niên tham gia tư vấn công tác xuất khẩu lao động.  Ảnh: Đ.Y
Nhiều thanh niên tham gia tư vấn công tác xuất khẩu lao động. Ảnh: Đ.Y

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta có 1.735 người đi làm việc có thời hạn tại một số nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ả-rập Xê-út, Đài Loan, Lào và Campuchia. Qua việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã giúp người lao động cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để có được kết quả trên, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã tăng cường công tác phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ trong nước đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhiều địa phương có số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đông như các huyện: Phú Thiện, Chư Sê, Chư Pưh, Ia Pa và thị xã Ayun Pa...

Ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho biết: Phú Thiện xác định XKLĐ là nhiệm vụ quan trọng giúp người lao động nâng cao thu nhập. Theo đó, huyện đã tích cực phối hợp cùng với doanh nghiệp có chức năng XKLĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền XKLĐ để người lao động nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Phú Thiện đã có 60 lao động đi làm việc tại Ả-rập Xê-út, chủ yếu là lao động nữ đi phụ giúp công việc gia đình, với mức lương 9-10 triệu đồng/người/tháng.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện. Thời gian qua, Sở đã giao cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh thực hiện công tác phối hợp với một số đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn ưu đãi không phải thế chấp, thời hạn vay bằng thời gian đi XKLĐ...

Bên cạnh những thuận lợi, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Tại hội nghị đẩy mạnh công tác XKLĐ vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, cho rằng: Hoạt động XKLĐ ở tỉnh ta đã “ngủ” một thời gian dài và đã đến lúc các cấp, các ngành cùng nhau phối hợp để tạo những “cú hích” đánh thức tiềm năng lao động của tỉnh. Tỉnh cần phân bổ chỉ tiêu cụ thể về cho các địa phương, có như vậy mới mở rộng cánh cửa cho cả người lao động và các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng XKLĐ. Còn ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định: Công tác XKLĐ mục đích cuối cùng là đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tìm được một công việc phù hợp cho thu nhập ổn định để vài năm sau, khi hết thời gian về nước, họ có chút vốn phát triển kinh tế. Vì thế, những doanh nghiệp có chức năng XKLĐ cần phải tuyên truyền đúng, tránh “treo đầu dê bán thịt chó” giúp người lao động yên tâm đi làm, nâng cao thu nhập.

Thời gian tới, để công tác XKLĐ của tỉnh đạt kết quả cao và bền vững rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, địa phương. Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Trước mắt, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh giúp người dân nâng cao nhận thức và nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và hạn chế thiệt hại cho người lao động. Các doanh nghiệp đầu mối XKLĐ cần làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động và giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giao chỉ tiêu và phân bổ kinh phí cụ thể về XKLĐ cho mỗi địa phương. Mỗi địa phương cần tạo ra những “cú hích” riêng để đánh thức tiềm năng XKLĐ vì XKLĐ là một trong những giải pháp ngắn nhất giúp người dân và địa phương xóa đói, giảm nghèo một cách hiệu quả”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.