Tìm hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đang rất tâm huyết kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) cũng xác định việc hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa là một chiến lược đúng đắn.


Gia Lai có quỹ đất dồi dào, khí hậu thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay, quy mô và mức độ đầu tư các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là đầu tàu thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

“Khăn gói” tìm hướng phát triển

 

Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: M.N
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: M.N

Trước khi tham dự hội nghị chính thức với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trong chương trình thỏa thuận hợp tác phát triển giai đoạn 2017-2020, các đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT đã tìm đến Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) để tìm hướng phát triển cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Tại đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tập trung tìm hiểu về các lĩnh vực, mô hình ứng dụng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; quá trình chuyển giao công nghệ, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh cũng tìm hiểu, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới, nhà màn, tưới nước tiết kiệm; đến tận vườn khảo sát mô hình trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao của người dân tại xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi). Ngoài việc quan tâm đến các ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà đơn vị này đang liên kết hiệu quả ở một số địa phương, lãnh đạo tỉnh Gia Lai còn chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các ứng dụng mới. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo, trong thời gian sớm nhất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức buổi làm việc cụ thể với đơn vị này để có kế hoạch chi tiết trong việc hợp tác, triển khai các ứng dụng, các mô hình sản xuất phù hợp với tỉnh Gia Lai.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng: Gia Lai rất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với 2/3 diện tích là đất bazan màu mỡ. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện tại “chưa có gì”, chỉ mới bắt đầu phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. “Những khó khăn tồn tại này phải nhờ đến TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ giúp để ngành nông nghiệp Gia Lai phát triển một cách thật sự hiệu quả”-Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề xuất.

Tiếp đến, trong buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng đề nghị đơn vị này nghiên cứu và tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Gia Lai. Trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy đồng ý với đề xuất phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích 35 ha tại huyện Mang Yang và khuyến khích đơn vị này tiếp tục mở rộng diện tích.

Hướng đi đầy triển vọng

 

Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: M.N
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: M.N

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Gia Lai và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, ông Dương Hoa Xô-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Hiện tại, một số doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh chỉ mới đầu tư vào Gia Lai ở lĩnh vực trồng rừng với quy mô nhỏ, trong khi tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở đây là rất lớn. Một khi xác định Gia Lai là vùng phát triển nguyên liệu, chúng tôi sẽ hỗ trợ chuyển giao các ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào phục vụ cho sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; xây dựng mô hình sản xuất quy mô lớn, tạo ra những sản phẩm an toàn, giá trị cao”-ông Xô khẳng định.

Trong khi đó, ngoài việc giới thiệu nhiều mô hình ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay của đơn vị, Tiến sĩ Đỗ Việt Hà-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh còn gợi ý nhiều mô hình sản xuất hiệu quả với những giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao; sản xuất rau an toàn; phát triển cây dược liệu; chăn nuôi bò thịt… rất thích hợp với ngành nông nghiệp Gia Lai. “Trên cơ sở hợp tác, ngoài việc sẵn sàng chuyển giao các mô hình ứng dụng, chúng tôi sẽ hỗ trợ công tác quản lý trong quá trình triển khai, đồng thời tổ chức đào tạo nguồn nhân lực để hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất; hỗ trợ sản xuất các loại giống cung cấp cho địa phương”-Tiến sĩ Hà cho biết.

Tại buổi ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với tỉnh Gia Lai, ông Trần Ngọc Thuận-Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng cho rằng: Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp, có thể bố trí một tập đoàn cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có quy mô lớn với những sản phẩm hàng hóa cạnh tranh. Trước mắt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã bổ sung vào nhiệm vụ của đơn vị thêm lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tại Gia Lai, đơn vị sẽ tiến hành triển khai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Mang Yang với diện tích 35 ha. “Hy vọng đây sẽ là một trong những hướng phát triển hiệu quả và có thể nhân rộng trong thời gian tới”-ông Thuận nói.

Minh Nguyễn

Tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh với tổng diện tích gần 240 ha tại các huyện: Đak Đoa (84 ha), thị xã An Khê (95 ha), thị xã Ayun Pa (15 ha), huyện Chư Sê (20 ha) và TP. Pleiku (20 ha). Dự kiến tại các khu nông nghiệp này sẽ phát triển các loại cây trồng chủ lực có thế mạnh của tỉnh như mía, lúa nước 2 vụ, hồ tiêu...

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.