Gia Lai: Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng như: cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, mía, mì, bắp… Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao giá trị sản xuất của ngành kinh tế này.    

Tiềm năng và lợi thế

Trong những năm qua, cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển dịch mạnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa phương. Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã định hình được các vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và cây lương thực gắn với các nhà máy chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

 

Trồng hoa trong nhà lưới bằng phương pháp cấy mô tại thị xã An Khê. Ảnh: L.N
Trồng hoa trong nhà lưới bằng phương pháp cấy mô tại thị xã An Khê. Ảnh: L.N

Toàn tỉnh hiện có gần 38.500 ha mía cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy đường và 1 nhà máy sản xuất sirô cô đặc; cây bắp phát triển tập trung với diện tích hơn 52.000 ha; cây mì với tổng diện tích gần 65.000 ha, cung cấp nguyên liệu cho 4 nhà máy chế biến tinh bột mì; cây cao su với diện tích hơn 100.000 ha, cung cấp nguyên liệu cho 10 nhà máy chế biến; hơn 93.500 ha cà phê cung cấp cho 13 cơ sở thu mua và 24 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê bột và cà phê nhân trên địa bàn; 16.400 ha hồ tiêu cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến và gắn với thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê; gần 17.300 ha điều cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu…

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, các mô hình mới vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được chú trọng. Theo đó, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là về giống, phân bón, chế phẩm sinh học trong sản xuất được nông dân, doanh nghiệp triển khai trên diện rộng và có hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới quy mô khoảng 5,5 ha tại xã An Phú (TP.Pleiku), mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới với quy mô 2 ha tại phường An Bình (thị xã An Khê), mô hình trồng hoa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao với quy mô 1,6 ha, có 20 hộ tham gia tại phường Ngô Mây (thị xã An Khê)…

Hay hàng ngàn ha cà phê, chè được người dân và doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn chất lượng 4C, VietGAP; trên 850 ha cà phê, 700 ha hồ tiêu, 200 ha rau màu, 2.400 ha cỏ được người dân và doanh nghiệp áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Israel (tưới nước nhỏ giọt), công nghệ WASI (tưới phun mưa tại gốc), công nghệ tưới phun bằng dây nhựa PE; gần 3.000 ha mía áp dụng mô hình cánh đồng lớn, thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất đến trồng, chăm sóc, thu hoạch…

Triển vọng ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh đã xác định Gia Lai tập trung phát triển mạnh ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới; triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý; đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, việc hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh là hướng đi đúng đắn.

Cụ thể hóa việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh. Cụ thể gồm: khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại làng Ring (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) quy mô 84,2 ha; khu nông nghiệp công nghệ cao tại thôn 4 (xã Xuân An, thị xã An Khê) quy mô 95 ha; khu nông nghiệp công nghệ cao tại tổ 5 (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) với quy mô 15 ha; khu nông nghiệp cao tại làng Pan (xã Dun, huyện Chư Sê) với quy mô 20 ha; khu nông nghiệp công nghệ cao tại thôn 2 (xã An Phú, TP. Pleiku) quy mô 16 ha. Đồng thời, tỉnh cũng xúc tiến xây dựng và phát triển 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao cho các cây trồng thế mạnh của tỉnh…

Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế như: mía đường, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, ca cao, bắp, đậu nành; sản xuất các loại cây, con giống có chất lượng cao bằng công nghệ sinh học; đưa các loại giống cà phê có năng suất, chất lượng cao vào thực hiện chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2016-2020 như giống TR và TRS1; áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước; sản xuất các sản phẩm rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng cánh đồng lớn tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăm sóc, thu hoạch; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất; ứng dụng công nghệ cao trong công tác bảo quản, chế biến sản phẩm cây trồng thế mạnh của tỉnh… góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, an toàn và bền vững.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.