Ghi nhận từ dự án BOT của Đức Long Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 8-5, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku-Cầu 110 của Tập đoàn Đức Long Gia Lai được đoàn giám sát đánh giá rất cao.

Người dân đồng thuận

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Pleiku đi Cầu 110 có chiều dài gần 90 km. Dự án có tổng số vốn khoảng 1.800 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư. Dự án hoàn thành tháng 6-2015, trước thời hạn 6 tháng theo hợp đồng quy định. Hiện nay, Đức Long Gia Lai đang thực hiện thu phí tại 2 trạm đặt tại Km 1610+800 và Km 1667+470, thời hạn thu phí là 20 năm 4 tháng. Tuyến đường đã đáp ứng được yêu cầu giao thông, với chất lượng tốt, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

 

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát dự án BOT Đức Long. Ảnh: M.T
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát dự án BOT Đức Long. Ảnh: M.T

Trao đổi với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku-Cầu 110, anh Nguyễn Văn Lợi (ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê) cho biết: “Ngày trước, đường rất xấu và hẹp. Bây giờ thì đường rộng bằng phẳng. Vị trí đặt trạm thu phí như thế là hợp lý, ít ảnh hưởng tới người dân”. Còn ông Hoàng Ngọc Quy (ở thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) thì chia sẻ: “Từ khi con đường hoàn thành, chúng tôi đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Đây là một chủ trương đúng đắn”.

Dự án bot tốt nhất Việt Nam

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ông Dương Quốc Anh-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, nhận định: “Có lẽ đây là dự án BOT tốt nhất. Chất lượng đường tốt nhất và trong quá trình triển khai dự án cũng đạt được rất nhiều mục tiêu về tiến độ, kể cả báo cáo kiểm toán. Đặc biệt, tôi đi tiếp xúc cử tri tại địa phương không thấy người dân có ý kiến gì về dự án này”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Bảo-Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng: “Dự án BOT của Đức Long Gia Lai có thể nói là tốt nhất”.

Sau khi đi giám sát dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Pleiku đi Cầu 110 của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ông Nguyễn Đức Kiên nhận định: Dự án đã thành công ở nhiều mặt. Đầu tiên, công tác quản lý về lĩnh vực giao thông của tỉnh Gia Lai tốt. Thể hiện ở việc, công tác tổ chức cắm lộ giới sớm, giải phóng mặt bằng rất nhanh. Các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp đã phối hợp rất tốt trong việc xác định đối tượng thu phí. Do đó, BOT Đức Long thành công trong việc triển khai thu phí mà không tạo ra bức xúc đối với người dân.

Kiến nghị của nhà đầu tư

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã nêu một số kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn các dự án trong thời gian tới.

Trong đó, Đức Long Gia Lai đề nghị Quốc hội cần tiếp tục ưu tiên và sửa đổi các cơ chế, chính sách để bố trí vốn cho các dự án công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án quan trọng; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thành việc xây dựng các luật quy hoạch, đề án đã được nêu trong Nghị quyết 13-NQ/TW; hoàn chỉnh thể chế, chính sách về đầu tư; chính sách về sử dụng kết cấu hạ tầng; tổ chức thực hiện tốt các chính sách về đầu tư PPP; xác định rõ mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình hạ tầng theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có điều kiện đảm bảo nguyên tắc cung cấp hàng hóa và dịch vụ công.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổng kết 2 năm thực hiện Nghị định số 15 và Nghị định số 30 của Chính phủ, làm cơ sở để nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đối tác công tư, tạo cơ sở pháp lý cao nhất, thống nhất, đồng bộ cho hoạt động xã hội các lĩnh vực nói chung và xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.

Bộ Tài chính cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình, quyết toán hợp đồng dự án PPP theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 15 và thực tiễn triển khai các dự án PPP; hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quản lý, giải ngân, quyết toán phần vốn góp của Nhà nước, phù hợp với các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu.

Bộ Xây dựng cần đánh giá việc nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý trách nhiệm của tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và đặc biệt là tư vấn giám sát; rà soát lại hệ thống định mức đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm quản lý phù hợp và tốt hơn về giá thành.

Bộ Giao thông-Vận tải cần xây dựng cơ chế giám sát đối với các dự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho cả vòng đời dự án; bổ sung và hoàn thiện các quy định định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc xây dựng, vận hành và bảo trì kết cấu hạ tầng.

Thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Đức Kiên đã ghi nhận các kiến nghị của Tập đoàn Đức Long Gia Lai để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mai Tiên

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.