Đưa cơ giới vào sản xuất mía mang lại hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, việc đưa cơ giới vào sản xuất mía ở các địa phương phía Đông tỉnh đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Từ 2.300 ha mía được cơ giới hóa năm 2000 đến nay tăng lên trên 30.000 ha, chiếm 70% tổng diện tích mía toàn khu vực, năng suất tăng 10-30 tấn/ha so với phương pháp canh tác trồng truyền thống, lợi nhuận tăng thêm 10-30 triệu đồng/ha.

“Chiếc máy trồng mía một ngày trồng được 3 ha, tương đương với 60-90 công lao động. Máy thu hoạch cũng tiết kiệm được khá nhiều nhân công. Tính sơ sơ mỗi vụ cũng giảm 7-10 triệu đồng chi phí nhân công cho 1 ha”-ông Trần Phương Dũng (làng Kia 2, xã An Trung, huyện Kông Chro) chia sẻ về lợi ích từ việc cơ giới hóa trong sản xuất mía.

 

Thu hoạch mía bằng máy. Ảnh: Hải Minh
Thu hoạch mía bằng máy. Ảnh: Hải Minh

Tại Kông Chro, từ khi những chiếc máy cày ba chảo, bảy chảo, máy trồng, chăm sóc, cắt mía… thay con người làm những phần việc trên các cánh đồng đã giúp nông dân tiết giảm được rất nhiều chi phí, công sức. Nhiều hộ đã mạnh dạn tăng diện tích, dồn điền đổi thửa. Riêng gia đình ông Dũng áp dụng cơ giới vào sản xuất đã mạnh dạn tăng diện tích từ 10 ha lên trên 21 ha. Ông còn vận động nhiều hộ tham gia dồn điền đổi thửa. Qua cách tính của nhà nông này, áp dụng cơ giới vào việc trồng, chăm sóc, cây mía cho năng suất 100-110 tấn/ha, lợi nhuận mùa đầu thu về 20-25 triệu đồng/ha, các vụ sau bình quân 40-50 triệu đồng/ha.

Cũng nhờ áp dụng cơ giới vào trồng mía nên ông Đinh Vâu (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) đã tăng diện tích trồng mía từ 2 ha lên 5 ha. “Có máy làm nên nhàn hơn, lại có thời gian chăm sóc 2 đứa con. Thời gian rảnh, mình còn chăm thêm 8 con bò, 2 con heo nái, nuôi gà, trồng đậu xanh… và tận dụng phần đất xấu trồng thêm 2 ha keo. Mỗi thứ một ít, thu nhập ổn định nên kinh tế nhà mình đỡ vất vả hơn trước”-ông Vâu vui vẻ kể.

 

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê: “Hiệu quả đem lại từ việc đầu tư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, những chính sách linh hoạt của Nhà máy Đường An Khê đã tạo cho người trồng mía có đủ vốn sản xuất, mạnh dạn đầu tư, thâm canh tăng năng suất, hạ giá thành, đem lại lợi nhuận cao. Đây là tiền đề để Nhà máy tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp với người dân, đồng thời lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của địa phương và tỉnh. Nhà máy sẽ tiếp tục đẩy nhanh chương trình xây dựng cánh đồng lớn, xác định đến năm 2020 tăng vùng nguyên liệu mía lên 35.000 ha, trong đó cơ giới hóa đạt 80% diện tích và 10.000 ha cánh đồng lớn, đảm bảo nguyên liệu 2,5-3 triệu tấn mía cây/vụ”.

Theo thống kê của Nhà máy Đường An Khê, tổng diện tích đất nông nghiệp có khả năng trồng mía của các huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê vào khoảng trên 45.000 ha. Điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng khu vực này phù hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây mía. Vì vậy, nhiều năm qua, cây mía được xem là cây trồng chủ lực của người dân.

Từ năm 2007 đến nay, Nhà máy liên tục đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dùng hỗ trợ cho người trồng mía áp dụng vào sản xuất đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất. Niên vụ sản xuất 2016-2017, Nhà máy Đường An Khê đã trang bị trên 250 máy kéo công suất lớn các loại phục vụ khâu làm đất, trồng và chăm sóc mía; 20 máy công suất nhỏ phục vụ chăm sóc mía; trên 500 thiết bị bón vôi, làm đất, trồng, phay rác… và 10 máy thu hoạch mía liên hợp. Đến tháng 11 năm nay, Nhà máy sẽ tiếp tục mua thêm 60 chiếc máy cày.

“Hiện năng lực máy đã tăng trên 50% so với niên vụ 2015-2016, tạo thế chủ động hoàn toàn về cơ giới hóa sản xuất mía từ khâu xử lý đất, làm đất, trồng, làm cỏ, chăm sóc, bón phân và thu hoạch. Xí nghiệp có trên 350 công nhân lái máy, hàng năm phối hợp với Trường Dạy nghề tổ chức tuyển dụng và đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân”-ông Nguyễn Đình Chỉnh-Giám đốc Xí nghiệp Cơ giới Nông nghiệp An Khê, cho hay.

Trong 5 năm qua, kết quả thực hiện cơ giới hóa của Nhà máy Đường An Khê đạt trên 21.488 ha. Trong đó, cơ giới hóa trồng máy trên 7.626 ha, năng suất bình quân 85 tấn/ha; cơ giới hóa trồng thủ công trên 6.679 ha, năng suất bình quân 70 tấn/ha; cơ giới hóa chăm sóc, bón phân trên 7.183 ha. Kết quả đạt được đã chứng minh hiệu quả của việc đầu tư, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới vào trồng mía, năng suất tăng lên, chi phí giảm xuống, người trồng có thu nhập cao hơn so với cách sản xuất truyền thống.

Hải Minh

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.